VÀI NÉT VỀ CHÙA PHÚC AN

Chùa Phúc An toạ lạc trên một gò đất tại thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. An Động là một làng cổ, xưa có tên là “Yên Triền Khu”, trong dân gian còn gọi nôm na là “Quan Đồng”. An Động thuộc vùng đất trũng bên bờ Bắc sông Đuống vừa có ruộng đồng phì nhiêu màu mỡ, lại có những dãy núi điểm xuyết như Dạm, Con Quy, Và, Đống Tranh, Hương Vân và những dòng chảy cổ như Tào Khê, ngòi Con Tên tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Vùng đất núi sông này đầy ắp những huyền tích, truyền thuyết kể về lịch sử và văn hoá của dân tộc ta. Chùa Phúc An là một công trình tâm linh vốn được nhân dân khởi dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng, ngôi chùa được trùng tu mở rộng với quy mô to lớn, gồm các toà như Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Tăng, nhà Khách, gác chuông, vườn tháp và các công trình phụ trợ khác. Toà Tam Bảo to lớn theo lối chữ Đinh gồm: tiền đường 5 gian 2 dĩ, thượng điện 3 gian với các lớp mái đao cong uống lượn. Bộ khung gỗ với các bộ phận vì nóc, cửa võng, con rường, cốn, bẩy, đầu dư đều được chạm khắc tứ linh lộng lẫy. Chùa còn nổi tiếng bởi có chuông đồng với câu ca: “Chuông Quan Đồng, trống Hán Đà, tù và Hán Quảng”. Truyền rằng, chùa rất linh thiêng, xưa đã từng che chở phù trì cho vua lánh nạn, vì thế sau khi thoát nạn nhà vua đã đổi tên cho làng là làng An Động. Qua bao năm tháng ngôi chùa cổ kính đã bị phá dỡ trong tiêu thổ kháng chiến chống pháp. Hoà bình lập lại dân làng dựng tạm gian nhà nho nhỏ để thờ Phật. Đến năm 1993 dân làng lại cùng nhau công đức tiền của để phục dựng lại ngôi chùa mang dáng vẻ truyền thống. Các cụ ông, cụ bà chỉ còn nhớ 4 đời sư trụ trì gần nhất, còn thời xa xưa thì không ai rõ. Tên hiệu các Ngài về hoằng đạo ở nơi đây đều mang chữ “Pháp”, không biết phát xuất từ chốn Tổ nào. Thời gian trụ trì, hành trạng của các Ngài đều rất mờ nhạt. Dân làng chỉ còn nhớ 2 ngày giỗ chính là 15/9 và 25/9 âm lịch mà thôi. Ngày 24/09/Canh Dần (2010), hội đủ duyên lành Đại Đức Quảng An quê ở Quảng Trị, thuộc tổ đình Phước Viên- Biên Hoà, Đồng Nai đã phát tâm trụ tích nơi này để hoằng hoá. Từ đó, chùa cảnh ngày thêm khang trang, mọi sinh hoạt tín ngưỡng cũng như hoằng pháp ngày một phát triển và đi vào quy củ đúng với chính pháp. Việc tu tạo đã có quy hoạch tổng thể và từng bước đi vào hoàn thiện. Chắc chắn một ngày không xa ngôi già lam Phúc An là một ngôi chùa mang đầy đủ ý nghĩa về kiến trúc thượng tầng tâm linh và hạ tầng cơ sở văn hoá đậm nét Phật giáo hoà quyện với truyền thống dân tộc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *